(HNM) - Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội vừa phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2018”. Tại hội thảo, các nhà khảo cổ đã công bố một số phát hiện mới, mở ra nhiều hướng nghiên cứu về khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật khoảng 1.000m2 tại khu vực phía Đông Bắc nền điện Kính Thiên. Khu vực khai quật có địa tầng sâu nhất từ trước đến nay, tầng văn hóa dày khoảng 7m, với các lớp văn hóa có niên đại từ thời Đại La, qua các thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng, Nguyễn đến thời hiện đại.
Khu vực được khai quật cũng là tầng văn hóa đặc trưng, thể hiện khá đầy đủ bề dày lịch sử của Hoàng thành Thăng Long.
Hiện có khoảng 40 công nhân làm việc liên tục 8 giờ/ngày để tìm kiếm những di vật.
Các nhà khoa học tìm hiểu những hiện vật được tìm thấy tại khu vực khai quật.
Cuộc khai quật cũng tìm thấy nhiều loại hình di vật khác nhau, gồm đồ đất nung, đồ gốm, đồ kim loại và cấu kiện gỗ...
Cấu kiện gỗ được tìm thấy vẫn còn lớp sơn son thếp vàng. Các nhà khoa học đang nghiêng về khả năng đó là phần còn lại của con thuyền gỗ.
Công nhân làm việc rất tỉ mỉ và cẩn thận để tránh làm hỏng các hiện vật được tìm thấy.
Từng khu vực khai quật được đánh số cẩn thận.
Một số hiện vật được tìm thấy tại khu vực khai quật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.