Sau khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới năm 2010 đến nay, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã thực hiện tốt các công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Hiện Hoàng thành Thăng Long là một trong những địa chỉ văn hóa du lịch tiêu biểu, hấp dẫn của Thủ đô, góp phần không nhỏ vào việc phát triển công nghiệp văn hóa.
Điểm sáng về ứng dụng công nghệ
Khu di sản Hoàng thành Thăng Long có diện tích tới 18.000 héc ta, bao gồm trục trung tâm thành cổ và di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Đây là nơi lưu dấu tiến trình hình thành, phát triển của cấm thành Thăng Long suốt hơn 1000 năm, còn thể hiện rõ qua hệ thống di sản trên mặt đất, như: Cột Cờ, Đoan Môn, nền Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn… cùng hàng triệu di tích, di vật khảo cổ độc đáo, phát lộ từ lòng đất.
Nhiều năm qua, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản đạt hiệu quả, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã đưa nhiều ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, bảo quản hiện vật. quảng bá, tuyên truyền và xây dựng sản phẩm mới Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, trung tâm đã thực hiện ứng dụng công nghệ đồng bộ tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Trung tâm số hóa dữ liệu các hiện vật sưu tầm, đưa ứng dụng công nghệ thuyêt minh tự động nhiều thứ tiếng trên smarthphone. Chỉ cần chạm nhẹ trên màn hình điện thoại, du khách có thể dễ dàng tìm hiểu lịch sử, thông tin di tích.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ trong giáo dục di sản cũng được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội chú trọng trong xây dựng sản phẩm, cụ thể là tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” sử dụng một số hình ảnh trình chiếu để du khách có thêm trải nghiệm mới. Trung tâm cũng gấp rút hoàn thiện phòng chiếu phim 3D, nơi tái hiện các câu chuyện và nghi lễ hoàng cung xưa để phục vụ khách tham quan. Nhiều sản phẩm phim 3D đã được ra mắt thời gian qua như: Lễ ban quạt, Lễ chính đán và một số phương án phục dựng Điện Kính Thiên bằng hình ảnh 3D.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, việc đưa ứng dụng công nghệ số trong hoạt động bảo quản, bảo tồn và phát huy giá trị di tích là nhiệm vụ ưu tiên để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chuẩn bị phương án phục dựng Điện Kính Thiên
Trong kỳ họp thứ 46 diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua, UNESCO đã chính thức thông qua đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Ðây là minh chứng khẳng định hướng đi đúng đắn của Hà Nội nói riêng, của Việt Nam nói chung trong bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản quý báu này. Sự đồng thuận của UNESCO mở ra một giai đoạn mới trong phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long, với điểm nhấn là hạ giải một số hạng mục công trình để tiến tới phục dựng không gian Ðiện Kính Thiên.
Những vấn đề quan trọng nhất mà UNESCO chấp thuận là: Việc nghiên cứu khảo cổ học, việc tháo dỡ những công trình không đóng góp vào giá trị phổ quát nổi bật của di sản, và đang xâm phạm Trục trung tâm (trục Thần đạo), tái thiết Ðiện Kính Thiên…
Thực tế nghiên cứu khảo cổ những năm qua, đặc biệt là các cuộc khai quật khảo cổ năm 2022, 2023 cho thấy, tòa nhà Cục Tác chiến đang nằm trên chính trục Thần đạo, sân Ðan Trì. Ngoài công trình này, còn một công trình khác là tòa nhà Bộ Chỉ huy Pháo binh cũng do người Pháp xây dựng tại chính vị trí Ðiện Long Thiên (trước đó, nhà Nguyễn xây dựng Ðiện Long Thiên tại vị trí Ðiện Kính Thiên làm hành cung).
Cuộc khai quật khảo cổ năm 2023 là đột phá có tính bước ngoặt trong nghiên cứu khi tại khu vực nền Ðiện Kính Thiên, các nhà khoa học tìm thấy địa tầng văn hóa trải dài qua hàng nghìn năm, sớm nhất là thời kỳ Ðại La, qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng đến Nguyễn. Ðáng chú ý nhất là đã tìm thấy 12 móng cột thời Lê Trung hưng. Tuy nhiên, nhiều móng cột (theo dự đoán) hiện đang nằm dưới tòa nhà Bộ Chỉ huy Pháo binh.
Mặc dù hai kiến trúc Pháp sau này từng có thời gian được Bộ Quốc phòng sử dụng, ghi dấu ấn trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng để có thể hiểu biết sâu hơn, tôn vinh những giá trị phổ quát nổi bật của di sản, nhất là việc tái thiết Ðiện Kính Thiên, chúng ta phải có giải pháp ứng xử phù hợp, trong đó UNESCO chấp thuận việc "tháo dỡ có kiểm soát".
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ, phải khẳng định Cục Tác chiến, Bộ Chỉ huy Pháo binh là di sản cách mạng, gắn với thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tuy nhiên, những công trình như tòa nhà nằm trên những vị trí cản trở phát huy giá trị cốt lõi của di sản, trong đó có việc phục dựng Ðiện Kính Thiên. Vậy chúng ta nên ứng xử thế nào cho hợp lý, đó là bài toán cần được cân nhắc để có giải pháp tối ưu.
Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc tháo dỡ tòa nhà Cục Tác chiến để dành không gian tái dựng Ðiện Kính Thiên và sân Ðan Trì chắc chắn sẽ gây ra nhiều tranh cãi. Nhưng phục dựng lại Ðiện Kính Thiên và sân Ðan Trì cũng là cách để hoàn thiện và bảo tồn di sản một cách toàn diện và đầy đủ nhất.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, đơn vị tiếp tục lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và sự chỉ đạo của thành phố để có những bước bảo tồn, phục dựng đúng cách và hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.