(HNNN) - Ngay từ khi ra đời (tháng 10-1957), dù có rất nhiều phóng viên và thời kỳ đó báo chỉ ra 4 trang khổ A3 nhưng Hànộimới vẫn mời các nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, chuyên gia trong các lĩnh vực cộng tác. “Những nhà báo không thẻ” làm nghề khác nhưng kiến thức và kỹ năng viết thì không chê vào đâu được.
Viết văn nghệ thì có nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi... Về văn hóa có Giang Quân, Lê Bầu, Nguyễn Dậu là chuyên viên của Sở Văn hóa Hà Nội. Về sử có nhà sử học Trần Quốc Vượng, nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc viết cho chuyên mục Thủ đô ta.
Không chỉ có các cộng tác viên viết bài, Hànộimới còn mời các họa sĩ như Văn Cao, Sĩ Ngọc, Bùi Xuân Phái... minh họa cho truyện ngắn, thơ hay các bài ký trong số báo xuân. Giờ đây, lật giở những tờ báo cũ, nhìn những bức tranh minh họa từ 60 - 70 năm trước vẫn thấy thú vị.
Nhà báo Yên Thao, nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, có lần kể lại rằng, với chuyên mục, cộng tác viên biết sẽ phải viết gì, còn muốn có bài của các nhà văn nổi tiếng thì đích thân trưởng ban đạp xe đến tận nhà đặt, riêng với số báo xuân thì phải đặt trước 3 tháng. Cũng theo nhà báo Yên Thao, khi nhà văn Nguyễn Tuân có bài, ông nhẩn nha cuốc bộ từ nhà lên báo, đưa bài cho trưởng ban ông bảo: “Ưu ái báo Thủ đô đấy!”. Mỗi lần Nguyễn Tuân đến, dù bận việc nhưng Tổng Biên tập Hồng Lĩnh luôn dành thời gian sang Ban Văn hóa - Xã hội gặp gỡ nhà văn. Lúc ra về, Nguyễn Tuân không quên ghé vào tai ông Yên Thao “cố gắng một chai nhé!”. Bài đăng, có nhuận bút, trưởng ban ký nhận tiền thay. Ngoài tờ báo biếu, ông Yên Thao không quên xách theo chai “quốc lủi”. Nhà văn vui lắm, ông lấy chén hạt mít rót ra mời và gật gật khen rượu ngon. Từ những năm 1960 cho đến 1980, ngoài cộng tác viên là những nhân vật nổi tiếng, Hànộimới luôn có thêm những cộng tác viên mới.
Thời kỳ đổi mới, báo xuất bản thêm ấn phẩm Hànộimới Chủ nhật, Báo phát hành sáng chủ nhật, ra 6 trang in màu với nhiều chuyên mục nên cần nhiều cộng tác viên. Cơ chế đổi mới, báo chí được cởi trói nên nội dung Hànộimới Chủ nhật rất phong phú, nhiều thông tin, trong đó mảng dịch từ báo nước ngoài cũng rất nhiều. Đặc biệt là cách nhìn nhận vấn đề của các cộng tác viên có nét mới mẻ, lạ lẫm. Bài viết “Tâm lý gà công nghiệp”, “Cô hàng xén” của Tiến sĩ tâm lý Đức Uy gây xôn xao dư luận. Có thể khẳng định, Hànộimới Chủ nhật được bạn đọc quan tâm và có số lượng phát hành tăng liên tục một phần là nhờ cộng tác viên. Ngoài Hànộimới Chủ nhật, Báo còn có ấn phẩm Hà Nội Ngày nay xuất bản tháng và Hànộimới Cuối tuần nên lượng cộng tác viên nhiều hơn. Ngoài các cây viết “ruột” như Huy Cận, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Tô Hoài, Băng Sơn... là rất nhiều cộng tác viên mới. Có chuyện vui về nhà thơ Huy Cận, thơ đăng hôm trước thì ngày hôm sau cụ đã qua báo lĩnh nhuận bút. Và dĩ nhiên là trưởng ban sẽ ứng trước cho cụ.
Các cộng tác viên phủ hết các mảng của các ấn phẩm phụ. Về văn hóa dân gian có Đỗ Thỉnh, Trần Văn Mỹ. Viết về điện ảnh có Trần Tuấn Hiệp, Nguyễn Thị Hồng Ngát, viết sân khấu có Cao Minh, Nghiêm Nhan, Trương Nhuận. Về văn hóa có Anh Chi, Chí Thành, Hồng Hải, Nguyễn Đình Chúc... Viết thể thao sắc sảo có Nguyễn Lưu, phóng sự là cây bút Mạc Văn Chung. Viết về văn chương có Phạm Khải. Viết về giáo dục có Tiến sĩ Hồ Bất Khuất. Cộng tác về thơ văn thì nhiều vô kể. Sẽ không quá lời khi nói rằng, nhiều nhà thơ nổi tiếng đều ít nhất có một lần in thơ trên Hànộimới. Ngoài góp bài thì nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng liên tục cung cấp ảnh cho báo - ảnh bìa báo Tết là Trần Thành Công, Văn Thọ, Trần Ấm..., sau thì có Hoài Linh.
Cộng tác với Hànộimới ngoài các “nhà báo không thẻ” còn có phóng viên của các báo vì yêu mến Hànộimới, vì sự thịnh tình, tôn trọng trưởng ban, các biên tập viên nên họ viết. Bình luận quốc tế có nhà báo Hồ Quang Lợi, Hồng Thanh Quang, viết văn hóa văn nghệ có Lê Quang Vinh. Nhiều cộng tác viên của Hànộimới đã thành cán bộ quản lý báo chí. Nhà báo Hồ Quang Lợi là người đặc biệt nhất, từ cộng tác ông trở thành Tổng Biên tập của Hànộimới trước khi chuyển công tác làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Rất hiếm tờ báo nào lại thu hút nhiều cộng tác viên có tâm có nghề như Hànộimới. Và, phải một lần nữa khẳng định rằng, thành công của Hànộimới một thời có công sức của các cộng tác viên.
Ngày nay, báo chí khác trước nhưng dù báo giấy, báo điện tử, báo hình và báo nói bị chi phối nhiều bởi công nghệ thì nội dung vẫn là quan trọng nhất. Phóng viên các báo dù “ba đầu sáu tay” cũng không thể bao quát thông tin về đời sống xã hội, do vậy, vẫn có cộng tác viên. Và Hànộimới không phải ngoại lệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.