Cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam trong thế kỷ XX đã lôi cuốn nhiều nhà báo quốc tế đến tác nghiệp. Những tác phẩm của họ đã giúp công chúng trên khắp thế giới biết rõ hơn, chân xác hơn về cuộc chiến phi nghĩa này.
Nhà báo nổi tiếng với tác phẩm lịch sử về chiến tranh Việt Nam
Stanley Karnow (1925-2013) là một nhà báo Mỹ kiêm sử gia về chiến tranh Việt Nam. Tốt nghiệp Đại học Harvard và Đại học Sorbonne, Stanley Karnow bắt đầu sự nghiệp phóng viên của mình tại Tạp chí Time ở Paris, sau đó ông được chỉ định tới Hong Kong năm 1958 làm Trưởng phân xã của Tạp chí Time - Life tại Châu Á - Thái Bình Dương. Có mặt tại Sài Gòn từ năm 1959, ông là người đưa tin về chiến tranh Việt Nam cho Time, Washington Post và các hãng tin khác. Sau năm 1975 ông tiếp tục trở thành nhà sử học nghiên cứu về Việt Nam.
Stanley Karnow và con gái |
Là một trong số rất ít nhà báo phương Tây chứng kiến từ đầu đến cuối cuộc chiến tranh Việt Nam, Stanley Karnow viết cuốn sách nổi tiếng dày 750 trang “Vietnam: A History” (1983) được đánh giá là cuốn tài liệu lịch sử tổng hợp và quý giá. Trong “Vietnam: A History”, Karnow chắt lọc từ những nghiên cứu lịch sử, những chứng kiến và trải nghiệm của bản thân, những cuộc phỏng vấn với những nhân vật quan trọng trong cuộc chiến ở cả hai chiến tuyến. "Bởi ông ấy có con mắt sắc sảo và đôi tai "nhọn", cuốn sách của ông chính là nguồn số một góp phần vào sự hiểu biết cuộc chiến tranh", Douglas Pike - cựu quan chức chính phủ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam viết trên New York Times. Ông cũng chịu trách nhiệm về nội dung cho bộ phim 13 phần của đài PBS “Vietnam: A Television History” (Việt Nam – Thiên lịch sử truyền hình). Bộ phim đã giành 6 giải Emmy, một giải Peabody, George Polk, DuPont – Columbia và là một trong những bộ phim được xem nhiều nhất vào thời điểm đó.
Karnow cũng là người phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho Tạp chí New York Times năm 1990. Khi được mời tư vấn cho chính sách của Mỹ ở Afghanistan, Karnow đã nói với tư lệnh quân đội Mỹ tại Afghanistan khi đó, tướng Stanley McChrystal, về sự giống nhau của những cuộc chiến ở Afghanistan và Việt Nam. “Chúng ta đã học được gì về Việt Nam ư? - sau này ông kể lại cuộc đối thoại với Hãng tin AP - Chúng ta học được rằng ngay từ đầu chúng ta không nên có mặt ở đó”.
Người khổng lồ trong thế giới ảnh báo chí
Thế giới biết đến tên tuổi Horst Faas (1933-2012) vì lòng dũng cảm của một phóng viên chiến trường và tinh thần nhân đạo, trung thực được phản ánh sắc nét qua ống kính máy ảnh của ông. Trong sự nghiệp của mình, Horst Faas giành 4 giải thưởng ảnh uy tín, trong đó có 2 giải Pulitzer. “Faas là một trong những tài năng lớn nhất của thời đại chúng ta, một phóng viên ảnh dũng cảm, một biên tập viên can đảm, người đã tạo nên một số hình ảnh có sức bùng nổ nhất thế kỷ” – Kathleen Carroll, biên tập viên ảnh cao cấp của AP nhận định.
Sinh tại Berlin, Đức, ở tuổi 27, Horst Faas bắt đầu sự nghiệp đưa tin về các cuộc chiến cho AP. Ông từng làm việc tại Congo, Algeria trước khi sang Việt Nam. Năm 1965 ông giành giải thưởng Pulitzer đầu tiên cho bức ảnh tang tóc về chiến tranh Việt Nam. Khi nhận giải thưởng, Faas nói ông muốn “ghi lại nỗi đau, những cảm xúc và sự mất mát của cả người Mỹ lẫn người Việt tại một đất nước bé nhỏ đang đẫm máu”. Là một trong những nhà báo gắn bó lâu nhất với chiến tranh Việt Nam (1962-1974), ông thường xuyên có mặt ở tuyến đầu để phản ánh cuộc chiến và từng bị thương nặng trong đợt công kích năm 1967. “Tôi không biết bất kỳ ai ở lại lâu hơn thế, đối mặt với nhiều rủi ro và chứng tỏ sự nhiệt tình hết mình với công việc và các đồng nghiệp. Tôi nghĩ ông ấy là một thiên tài” - David Halberstam, nhà báo của New York Times từng sống cùng Faas tại Sài Gòn cho biết.
| ||
Với vai trò là trưởng bộ phận ảnh của AP tại Sài Gòn vào giai đoạn cao điểm của chiến tranh, Faas từng đào tạo và hướng dẫn cho nhiều nhà báo trẻ, khuyến khích họ ghi lại những hình ảnh tiêu biểu về sự tàn khốc của cuộc chiến. Trong số những bức ảnh mà Faas xét duyệt có hai bức rất nổi tiếng. Đó là bức “Hành quyết Sài Gòn” ghi lại cảnh tướng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Ngọc Loan cầm súng ngắn xử bắn chiến sĩ Bảy Lốp tại Chợ Lớn trong chiến dịch Mậu Thân 1968 của Eddie Adams và bức ảnh “Em bé Napalm” chụp cô bé Nguyễn Thị Kim Phúc bị bom napalm ở Tây Ninh năm 1972 của Nick Út.
Nữ phóng viên quả cảm và bức ảnh lịch sử
Francoise Demulder (1947-2008) là phóng viên ảnh tự do người Pháp, được các đồng nghiệp gọi với cái tên thân mật là Fifi. Sau khi học triết học tại Paris, năm 1972 Fifi cầm máy đến Sài Gòn. Là nữ phóng viên chiến trường vô cùng say nghề và quả cảm, những bức ảnh về cái chết, sự tàn phá của chiến tranh của bà đăng trên Tạp chí Time đã cho người Mỹ thấy được sự thực tàn khốc của cuộc chiến cách xa họ hàng vạn dặm. Robert Stevens, người từng biên tập các bức ảnh của bà ở Time nhận xét: “Cùng với một số rất ít nhà nhiếp ảnh tự do khác, qua những bức ảnh của mình, Francoise Demulder đã góp phần mở đường cho việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam”.
Nữ phóng viên chiến trường Demulder năm 1977 |
Giữa lòng Sài Gòn đang cực kỳ hỗn loạn trong ngày 30-4-1975, Francoise Demulder vẫn kiên trì bám trụ. Bà là phóng viên duy nhất chụp được khoảnh khắc chiếc xe tăng 390 của Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập, đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến. Khi bà chụp bức hình này, trong dinh có một số phóng viên nước ngoài nhưng tất cả họ đều không dám đưa máy lên vì sợ rằng những người lính từ xa không phân biệt được đó là máy quay phim hay là súng chống tăng.
Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 (Ảnh: Francoise Demulder) |
Năm 1995, Fifi quay trở lại Việt Nam để tìm những người lính tăng xe 390. Cũng nhờ bức ảnh của bà, một nhầm lẫn lịch sử về chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975 đã được làm sáng tỏ.
Nhà báo huyền thoại
Larry Burrows (1926-1971) là một trong những phóng viên chiến trường giỏi nhất với những shot ảnh bàng hoàng về chiến tranh Việt Nam. Đặt chân tới Sài Gòn năm 1962, những phóng sự ảnh của Larry Burrows liên tục xuất hiện trên Tạp chí Life đã làm bàng hoàng cả thế giới về sự tàn khốc của cuộc chiến ác liệt này. Ở sát sườn những cuộc giao tranh, xoáy sâu vào gương mặt đau đớn của những người lính Mỹ trong thương vong, lột tả sự tuyệt vọng và mệt mỏi của họ sau mỗi trận đánh… những câu chuyện được kể bằng hình ảnh của Larry Burrows đã đưa ông trở thành huyền thoại. Ảnh của Larry Burrows là một phần lớn câu chuyện chiến tranh Việt Nam mà thế giới biết đến hồi đó.
Larry Burrows năm 1971 |
Nhưng ảnh của Larry Burrows không chỉ là máu, là những gương mặt kinh hoàng, chết chóc… mà còn có một cuộc chiến khác không kém khốc liệt sau lưng những mặt trận bom đạn. Trên trang bìa Tạp chí Life tháng 11-1968, Burrows đã cho đăng tải phóng sự ảnh “Bên rìa hòa bình”. Bộ ảnh kể về một cô gái nhỏ ở ngôi làng An Điền tên Nguyễn Thị Tròn khi ấy 12 tuổi (1967), mất một chân bởi đạn bắn ra từ một chiếc trực thăng Mỹ khi cô đang đi hái rau. Những bức ảnh trong bộ “Bên rìa hòa bình” đã ghi lại cuộc chiến trong góc ảnh con người nhất. Larry Burrows đã mô tả cho thế giới thấy hình ảnh một nạn nhân bé nhỏ của chiến tranh đang đứng nhìn cái chân giả lạ lẫm của mình được gọt trên máy, gắn thử nó vào, chập chững tập đi… và cách cô bé chống chọi với nỗi mất mát.
Hình ảnh nạn nhân đứng nhìn cái chân giả của mình được gọt trên máy. |
Sinh thời, niềm đam mê lớn nhất của Larry Burrows là giúp mọi người nhận ra thực tế khắc nghiệt của cuộc chiến chứ không nên thờ ơ với nó. Ông thường mơ được chụp ảnh Việt Nam ngày hòa bình. Tháng 2-1971, Larry Burrows cùng 3 phóng viên ảnh khác bay sang Lào để ghi nhận những giao tranh ở nơi này. Trực thăng gặp nạn. Larry Burrows đã mãi mãi không trở về nhưng những bức ảnh mà ông phải đổi bằng chính sinh mạng của ông vẫn sống mãi trong thế giới ngày nay để nhắc nhở về những hậu quả thảm khốc của chiến tranh và thúc giục con người xây dựng một thế giới hòa bình, nhân ái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.