Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người có bản lĩnh thép

Triệu Dương| 09/07/2012 06:28

(HNM) - Khám nghiệm hiện trường có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân. Có những lúc công tác khám nghiệm được thực hiện ban ngày, nhưng cũng có lúc vào ban đêm mưa gió, giữa cánh đồng hoang vu.


Gần 30 năm trong nghề, Trung tá Nguyễn Hồng Thái, Đội trưởng Đội CSGT số 4 có biệt danh là Thái "ma" đã khám nghiệm gần 2.000 vụ TNGT, trong số đó ông nhớ nhất vụ xảy ra năm 1997. Hôm ấy, nửa đêm mưa to gió lớn nhận được thông tin tại quốc lộ 3 ở huyện Đông Anh xảy ra vụ TNGT làm 2 người thiệt mạng, ông và một đồng đội mới vào nghề đi xe máy tới hiện trường vụ án ở giữa đồng không mông quạnh. Theo vết máu, Trung tá Thái nhận định xác 2 người đàn ông đã bị hất văng chìm dưới mương nước gần đó. Nhìn con mương đỏ máu, người đồng đội trẻ mới vào nghề kiếm cớ bỏ đi mất hút. Do thi thể bị ngâm nước nên việc đưa được lên bờ là vô cùng vất vả. Đêm tối như hũ nút, chỉ có mỗi chiếc đèn pin, đang loay hoay tìm cách đưa nạn nhân đến nhà xác bệnh viện thì Trung tá Thái thấy có hai người đàn ông đi bắt cá ban đêm. Định mời họ ký vào biên bản làm chứng hiện trường, nhưng hai người đàn ông kêu rú lên và chạy mất dạng khi thấy xác chết nằm sõng soài trên đường. Lại một mình lọ mọ đi xe máy về ngôi làng cách đó 4km, gõ cửa nhà dân xin được chiếc chiếu rách và vài sợi dây, Trung tá Thái bó xác nạn nhân vào chiếu rồi vác lên đằng sau xe máy, buộc chặt 2 tay nạn nhân vào bụng mình và đi về nhà xác Bệnh viện Đông Anh. Lúc đó quãng "nửa đêm giờ Tý" khi thấy một người quần áo ướt dính đầy bùn đất và máu me giữa đêm cõng xác chết vào, một số nhân viên y tế của Bệnh viện Đông Anh đã "tá hỏa tam tinh" bỏ chạy vì trông sợ quá.


CSGT phân tích lỗi vi phạm dẫn đến tai nạn để giáo dục ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông cho nhân dân.


Một vụ khác vào quãng 7h tối của một ngày mùa đông, Trung tá Thái trực thì nhận được điện báo: Sau khi đâm chết một người đàn ông đi bộ gần khu vực bưu điện Bờ Hồ, người điều khiển chiếc ô tô gây tai nạn đã bỏ chạy. Công việc khám nghiệm hoàn tất cho tới 10h đêm tại Bệnh viện Bạch Mai, thân thể nạn nhân bị biến dạng những gì còn lại chỉ một mảnh giấy với dòng chữ "Cổ Điển, Thanh Trì". Ngày ấy nhà xác Bệnh viện Bạch Mai chưa có phòng lạnh như bây giờ, thi thể người chết được úp bởi một chiếc lồng bàn bằng lưới sắt to. Các bác sĩ bệnh viện đưa CSGT làm nhiệm vụ vào đến cửa phòng đều không dám vào trong, Trung tá Thái phải dùng nến một mình mở từng chiếc lồng bàn để tìm xác nạn nhân tai nạn lúc tối đưa về để vẽ lại khuôn mặt người bị nạn.

Rồi giữa đêm mưa lạnh thấu xương, một mình Trung tá Thái lại lặn lội về thôn Cổ Điển, huyện Thanh Trì để dò hỏi những ai biết về tung tích nạn nhân. Tới 2h sáng công việc tưởng như bế tắc, ông lại quay ngược trở về mở chiếc lồng bàn úp nạn nhân và thầm thì: "Tôi chỉ làm phúc và muốn gia đình đón anh về làm tang lễ, cúng bái cho hương hồn anh đỡ cô lạnh. Nếu có linh thì xin chỉ cho tôi biết đường đến nhà anh". Vừa nói xong, tự nhiên một luồng gió lạnh xộc thẳng vào khu nhà xác khiến bao nhiêu mệt nhọc tan biến, Trung tá Thái như được tiếp thêm sức mạnh phóng xe quay về thôn Cổ Điển khi đồng hồ điểm 3h sáng. Không biết có phải linh hồn người bị nạn linh thiêng hay nghĩa cử người chiến sĩ CA có sức lay động, khi về tới giữa thôn Cổ Điển, Trung tá Thái thấy ngay một nhà dân có sáng ánh đèn. Đi vào lần hỏi và ông đã tìm được gia đình của người bị nạn trước khi trời sáng. Lái xe điều khiển ô tô gây tai nạn đâm chết người sau đó vài ngày cũng đã được Trung tá Thái tìm ra bằng các biện pháp nghiệp vụ.

Lòng nhân ái và sự tận tâm

Dấu vết trong công tác điều tra tìm ra nguyên nhân tai nạn giao thông được ví như "cánh cửa" mở ra sự thật. Đôi khi chỉ cần một dấu vết rất nhỏ như vết máu, vệt bánh xe để lại trên đường cũng đủ để mở nút thắt, gỡ cả một mớ bòng bong. Là người có kinh nghiệm khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông ở Hà Nội, Trung tá Nguyễn Hồng Thái cho biết sự kiên trì, nhạy bén là yếu tố vô cùng quan trọng để làm sáng tỏ nguyên nhân và danh tính của những người liên quan đến các vụ TNGT. Sự nhạy cảm có khi là trực giác trời phú cho mỗi người, còn đức tính kiên trì phải rèn luyện qua thực tế công việc mới có và nếu không tận tâm thì sẽ chẳng thể nào làm tốt nhiệm vụ.

Trong hồ sơ lưu tại Phòng CSGT - CATP còn ghi nhận vụ TNGT tại đường Vân Nội, Đông Anh khiến một người chết. Khi cơ quan chức năng có mặt tại hiện trường, chiếc xe ô tô gây án đã bỏ chạy, người bị nạn được gia đình đưa về chuẩn bị lo việc mai táng trong nỗi bức xúc và phẫn nộ trước hành động phi nhân tính của lái xe. Qua quá trình thu thập thông tin, cơ quan chức năng đã xác định được chiếc xe ô tô gây tai nạn nhưng điều kỳ lạ là khám nghiệm phương tiện hầu như không thu được bất cứ dấu vết va chạm nào. Còn chiếc xe đạp của nạn nhân cũng không hề bị xây xước, lái xe ô tô bị triệu tập cứ vin vào cớ đó để cãi bay cãi biến. Vụ việc dường như đi vào ngõ cụt. Quyết không chịu bó tay, những ngày sau đó một mình Trung tá Nguyễn Hồng Thái âm thầm đi xác minh vụ việc. Qua nguồn tin có được, Trung tá Thái tìm được một nhân chứng quan trọng là một ông lão làm bảo vệ cho khu chợ làng cách vụ tai nạn gần 1km. Sau khi thông báo cho người nhà nạn nhân biết, người đàn ông này đã đòi gia đình nạn nhân trả công và đã lấy một thân tre được buộc ở phía sau chiếc xe đạp của nạn nhân để gán nợ. Bằng linh tính nghề nghiệp, những thông tin về chiếc cọc tre gán nợ đã mách bảo cho Trung tá Thái một chìa khóa phá án. Thế nhưng nhân chứng duy nhất của vụ việc cho biết đã chặt nửa cây tre trên để đan rổ rá chỉ còn lại một đoạn dài chưa đến 1m. Phải nằn nỉ mãi ông lão mới chịu bán lại cho Trung tá Thái đoạn tre đó. Đoạn tre vẫn còn in hằn những dấu vết do lốp bánh xe ô tô chèn qua. Sau khi niêm phong vật chứng có sự chứng kiến của công an xã và chính quyền sở tại, Trung tá Thái mang đoạn tre trên về ướm thử với bánh xe ô tô trên. Dấu vết để lại trên đoạn tre trùng khớp với những rãnh hãm ma sát của lốp xe. Vụ tai nạn ngay sau đó được giải mã do bánh ô tô đã nghiến vào một phần của cây tre, đè lên người đi xe đạp. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, lái xe ô tô đã phải thừa nhận hành vi điều khiển phương tiện đâm chết người và bỏ trốn.

Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Đội trưởng Đội CSGT số 6 là một trong số những cán bộ CSGT làm công tác khám nghiệm lâu nhất của Phòng CSGT - CATP Hà Nội. Khi nói chuyện với chúng tôi, ông kể nhớ nhất lần đầu được phân công làm công tác khám nghiệm hiện trường một vụ tai nạn giao thông ở đường Trường Chinh. Chiếc ô tô gây án xong bỏ chạy. Thân nhân của người xấu số ở xa không có mặt kịp để lo hậu sự. Chứng kiến toàn bộ ca khám nghiệm tỉ mỉ đến từng chi tiết khiến người CSGT khi đó mới 21 tuổi không thể ăn cơm được trong suốt một tuần. Làm mãi rồi cũng quen, cho tới năm 1992, khi đang chờ đón Giao thừa cùng gia đình, Nguyễn Ngọc Mẽ nhận được thông tin tại phố Đê La Thành xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa ô tô và người đi bộ khiến người đi bộ bị chết tại chỗ. Chiếc ô tô gây tai nạn bỏ trốn. Công việc khám nghiệm hiện trường khá suôn sẻ khi có nhân chứng, nhưng khó khăn lại phát sinh khi không thể liên lạc được với gia đình để đưa xác người bị nạn vào bệnh viện vì nạn nhân không có giấy tờ tùy thân. Lúc này đã sang năm mới, do kiêng kỵ nên không thể gọi được bất cứ phương tiện nào đưa xác nạn nhân xấu số vào nhà xác của bệnh viện. Chẳng thể bỏ mặc thi thể nạn nhân giữa phố, Trung tá Mẽ lúc đó đành ngồi trông xác chết qua đêm Giao thừa cho đến sáng mồng Một.

Những hình ảnh cao đẹp của những chiến sĩ CSGT luôn có tinh thần trách nhiệm cao và bản lĩnh thép đã in đậm trong lòng nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những người có bản lĩnh thép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.