(HNM) - Khó có thể kể hết nhọc nhằn của những người làm công tác bảo trợ xã hội phải trải qua trong hành trình tập trung, tiếp nhận, đưa người lang thang về các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng. Từng ngày, gác lại mọi niềm riêng, họ đã và đang âm thầm góp sức làm tốt công tác an sinh xã hội của Thủ đô, với nhiệm vụ trước mắt là mang lại mái ấm cho người lang thang trong thời điểm Tết Nguyên đán đã cận kề.
Một ca làm việc đêm
Khoảng 21h đêm 27-12-2022, sát cột đèn tín hiệu giao thông, ngăn giữa một bên là điểm dừng xe đi thẳng, một bên là dòng xe được phép rẽ phải từ phố Lê Đại Hành giao với phố Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng), bất chấp nguy cơ tai nạn, giữa bụi đường, khói xe, 1 người phụ nữ tóc đã dày sợi bạc và 1 thanh niên có nhiều biểu hiện không bình thường, ngồi, nằm vạ vật giữa đêm lạnh, vây quanh là những túi, những bọc, đúng kiểu sống cảnh “màn trời chiếu đất”. Hình ảnh đó gợi niềm thương cảm của dòng người qua lại. Không ít tấm lòng hảo tâm đã dành sự quan tâm cho những người này.
Tiếp nhận thông tin phản ánh từ cơ sở, các cán bộ Đội trật tự xã hội lưu động thuộc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã kịp thời đến hiện trường. Một mặt, các cán bộ phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền cơ sở, chủ động cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật liên quan đến người lang thang sinh sống nơi công cộng, mặt khác, tiến hành thăm khám, kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp, phân loại đối tượng. Hóa ra, người phụ nữ có đủ căn cước công dân, có nơi ở trọ và khẳng định có lương hưu, có thu nhập ổn định, không cần sống dựa vào bảo trợ và cam kết không lặp lại hành vi sống lang thang nơi công cộng để tìm kiếm cơ hội nhận các khoản tiền, quà của các cá nhân, hội, nhóm từ thiện nữa. Còn nam thanh niên tạm thời được đưa về cơ sở bảo trợ để làm các thủ tục liên quan, được chăm sóc, nuôi dưỡng trong khi chờ xác minh địa chỉ để đưa về nơi cư trú.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, anh Lê Văn Quân, quản lý cửa hàng chăn, ga, gối ở số 4C Đại Cồ Việt của Công ty TNHH Leecorner Việt Nam ngay gần đó chia sẻ: “Thực sự rất chạnh lòng khi thấy cảnh một số người phải nằm lề đường giữa trời lạnh, ngay sát khu vực xe cộ đi lại nườm nượp, rất nguy hiểm. Tôi thấy công việc của những người làm công tác xã hội rất nhân văn và ý nghĩa, vừa thể hiện sự quan tâm kịp thời của thành phố đối với người lang thang, mang cho họ một mái ấm trong thời điểm Tết đã rất cận kề, vừa giữ gìn được hình ảnh văn minh của Hà Nội trong mắt du khách”.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp người lang thang sống nơi công cộng được Đội trật tự xã hội lưu động kiểm tra, tiếp nhận thông tin trong ca làm việc đêm 27-12 kéo dài đến gần 24h. Mỗi ngày, đội thường tổ chức 4 ca hoạt động bằng xe máy, bảo đảm cơ động, linh hoạt, hiệu quả. Ngoài ra, mỗi tháng có thêm từ 8 đến 10 buổi kết hợp đi tập trung người lang thang bằng phương tiện ô tô. Đội phó Nguyễn Kim Hiển cho biết: Tháng 12 cận Tết là một trong những tháng cao điểm hoạt động của người lang thang. Ngay tuần trước, có đến hơn 20 trường hợp được đưa về Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em chăm sóc, nuôi dưỡng.
Những phút trải lòng
Công tác tập trung, bảo trợ đối với người lang thang không hề đơn giản, do có những người thực sự là đối tượng yếu thế, nhưng cũng không ít trường hợp là thanh niên khỏe mạnh đóng giả làm sư thầy đi khất thực, hoặc đi lang thang hát rong, hoặc phối hợp dàn cảnh “diễn kịch”, lợi dụng các nhóm từ thiện để xin tiền. Họ không muốn vào các cơ sở bảo trợ dù được Nhà nước chăm sóc, nuôi dưỡng, đơn giản vì tổ chức hoạt động “lang thang, ăn xin chuyên nghiệp” tại các khu vực di tích, đình, đền, chùa dịp Tết kiếm lợi được hơn rất nhiều. Các đối tượng lợi dụng này sẵn sàng vu vạ cho nhân viên làm công tác bảo trợ, bất chấp có hình ảnh quay phim, ghi hình bằng chứng.
Đội trưởng Đội trật tự xã hội lưu động Nguyễn Văn Hải chia sẻ: “Cái khó thứ nhất là địa bàn rộng mà người làm thì ít, đơn cử riêng đội của tôi chỉ có 12 người, không thể “phủ sóng” suốt 24h/ngày hết địa bàn 10 quận và 4 huyện, đòi hỏi phải có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, nhất là các xã, phường, thị trấn. Cái khó thứ hai là có nhiều đối tượng lợi dụng việc đi lang thang, xin tiền để trục lợi, sẵn sàng có hành vi chống trả, đánh lại cán bộ của chúng tôi. Cái khó thứ ba, có những đối tượng lang thang mang bệnh, gây nguy cơ lây nhiễm không nhỏ cho cán bộ khi thường xuyên phải tiếp xúc, tập trung đối tượng”…
Về trường hợp này, Đội trưởng Nguyễn Văn Hải chia sẻ: Tháng 5 năm 2022, “em út” của đội, một nam thanh niên sinh năm 1995 bị một đối tượng thuộc diện lợi dụng việc lang thang để xin tiền chống trả, cắn chảy máu tay, sau đó thoát khỏi hiện trường. Chàng trai trẻ đã buộc phải uống thuốc phòng phơi nhiễm. Sau đó vài hôm, với nỗ lực và quyết tâm của toàn đội, đối tượng này đã được tìm thấy và đưa đi xét nghiệm HIV, may mắn thay, kết quả là âm tính. Còn những trường hợp đối tượng bảo kê chống trả thì muôn hình vạn trạng: Đi xe máy chặn đầu xe ô tô không cho đưa đối tượng người lang thang được bảo kê về trung tâm bảo trợ; đe dọa sẽ làm cho cán bộ, nhân viên công tác xã hội bị nhiễm bệnh…
Công việc vất vả, nhiều nguy cơ, nhưng thu nhập của đội chủ yếu chỉ dựa vào lương theo hệ số và phụ cấp, có người làm hơn 12 năm, nhưng thu nhập chỉ chừng 7 triệu đồng/tháng. Dù vậy, gác lại niềm riêng, anh chị em trong Đội trật tự xã hội lưu động vẫn bền lòng gắn với nghề, với tâm niệm: “Có người lợi dụng việc đi lang thang để xin tiền, nhưng cũng có rất nhiều người yếu thế thực sự, những hoàn cảnh bần cùng nhất của xã hội được những người làm công tác bảo trợ xã hội hỗ trợ. Nghề chọn người, công tác bảo trợ xã hội đã và đang góp phần làm tốt an sinh xã hội, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn” - như tâm sự của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, một trong 3 nữ cán bộ của đội, đã gắn bó công việc này ngay từ buổi đầu thành lập đội.
Theo quy định của thành phố, người lang thang sinh sống nơi công cộng trong dịp Tết Nguyên đán hoặc thời tiết rét đậm dưới 10°C sẽ được đưa đến các cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố để chăm sóc, nuôi dưỡng, chờ đưa về nơi cư trú hoặc nuôi dưỡng lâu dài đối với người chưa xác định được địa chỉ. Ý nghĩa nhân văn, sự quan tâm của chính quyền đối với người lang thang, yếu thế thực sự giá trị. Thêm một chút ấm lòng khi ở thời điểm hoàn thành bài viết này, người viết nhận được lời nhắn của anh Lê Văn Quân, quản lý cửa hàng chăn, ga, gối ở số 4C Đại Cồ Việt: “Trời Hà Nội đang lạnh lắm, Công ty TNHH Leecorner Việt Nam có chút quà là 10 set chăn đơn, nhờ bạn kết nối chuyển đến Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em, xin được chia sẻ chút khó khăn với người nghèo khó”…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.