Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những ngọn nguồn

Hoàng Định| 18/10/2017 16:24

(HNM) - Ngày 24-10-1957 là ngày Báo Thủ đô, tiền thân của Hànộimới bây giờ, ra số hằng ngày đầu tiên. Ít người biết đây chỉ là một cột mốc trong quá trình hợp nhất các tờ báo tư nhân và báo chính thống diễn ra liên tục từ năm 1954.

Trong lòng thành phố tạm chiếm

Đêm 19-12-1946, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Ba ngày sau (22-12), tờ Thủ đô của Ủy ban Kháng chiến khu XI ra mắt chỉ 2 trang khổ 20 x 30cm in giấy đen, đăng tin chiến sự nhà Majestic, trường Bưởi, Sainteny bị thương, kêu gọi dè sẻn đạn… Báo tồn tại đến đầu năm 1947.

* Báo Thủ đô số 1 ngày 24-10-1957, khổ 30 x 40cm, 4 trang in một màu, trình bày chững chạc. Trang 1 đăng tin bài Hội đồng bầu cử thành phố Hà Nội đã được thành lập, Hà Nội thiết thực chào mừng kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, Thành tích mới… Các chuyên mục Sân khấu điện ảnh, Đó đây, Cười, Truyện dài, Trong và ngoài năm cửa ô, Tin vài dòng, rao vặt, cáo thị đấu giá bất động sản, …
Chuyên mục thay đổi liên tục. Số 2 thêm Xã luận, số 3 là Tin vắn thể thao quốc tế, Tin tòa án. Số 6 thêm Sổ tay người tiêu thụ, Hộp thư; số 8 có Thủ đô của chúng ta.

* Mỗi ngày một chuyện ở chân trang 4 do nhà báo Hải Ly khai sinh, sau đó là nhà thơ Yên Thao. Từ năm 1972, khi nhà báo Nguyễn Đức Mưu “cầm”, đây là chuyên mục được chờ đọc tuy bút danh “Người xây dựng” có vẻ “tập thể”. Đồng nghiệp Hungary, Tiệp Khắc quan tâm. Phóng viên thường trú tạp chí Cờ đỏ (Nhật Bản) thích lối kết thúc bằng những câu “Thơ rằng” thú vị. Phóng viên tờ Người điều tra Phi-la-đen-phi-a tìm đến hỏi: “Người xây dựng” làm thế nào tránh được những rắc rối khi cứ phê bình thiên hạ trong nhiều năm như vậy??? Một câu hỏi quả rất thú vị!

Duy trì tiếng nói của kháng chiến trong thành phố, tờ Dân ý của nhóm Vũ Đức Toa (Muỗi Sài Gòn), Hoàng Công Khanh… ra đời, sống được 5 số. Xuất bản bí mật có Tiến lên của Quận ủy nội thành, Lao động của ban Công vận, Nhựa sống của Đoàn Học sinh kháng chiến, Quăng súng của Ban Địch vận… Tia sáng, tờ báo đang sống khỏe đình bản năm 1954, chủ báo đi Nam, tin ở kỳ hạn tổng tuyển cử sau 2 năm của hiệp định Geneve nên để lại máy in Rotative mới mua và rất nhiều giấy.

11-10-1954…

… là ngày ra số 1 của Thời mới, tờ báo tư nhân được Việt Minh góp tay, cũng có thể coi là tục bản của Tia sáng vì “bê” hầu hết phóng viên tờ này về làm. Chủ nhiệm báo là Hiền Nhân, chủ bút Trần Hà. Phong cách thị dân được giữ lại qua nhiều chuyên mục thời Tia sáng, các truyện dịch dài kỳ Bọc giấy xanh, Mưa về theo gió đông. Thông tin hai chiều cả “trên xuống” lẫn “dưới lên” khiến báo được ưa chuộng. Phần lễ tân, chào mừng cũng không thể thiếu: Cơ khí Việt Phú cất máy hỏng vào kho, gần 2-9 đem ra sửa, biến thành “thành tích phục hồi”. Với đội ngũ có nghề, Thời mới có ảnh hưởng ra ngoài Hà Nội. Nhiều cán bộ Đảng có kinh nghiệm báo chí được phái về: Lê Tâm Kính, Hoàng Phong, Phan Hiền…, rồi báo chuyển sang khối Mặt trận, tư nhân chỉ còn trên danh nghĩa.

Hà Nội hàng ngày

Ra tháng 7-1955 trên 4 trang khổ 52 x 41cm, tòa soạn tại 28 Lê Thái Tổ. Đây là nhật báo thứ hai của Hà Nội, thứ ba của miền Bắc. Những người phụ trách thay đổi liên tục, từ Trúc Đường (anh trai nhà thơ Nguyễn Bính), Nguyễn Đức Thuyết sang Nguyễn Đức Mưu, Nguyễn Phương, rồi Phùng Bảo Thạch, Lưu Động ở Nhân Dân sang. Vẫn cố gắng đáp ứng nhu cầu thị dân nhưng tên các nội dung, chuyên mục “nghe” không hóm bằng bên Thời mới: Tin Hà Nội, Tin thế giới, Vài nét bút…

Thủ đô - tờ báo của Thành ủy

Dù mang đặc thù Hà Nội, Thời mới, Hà Nội hàng ngày đều là báo tư nhân. Theo nghị quyết thời Bí thư Thành ủy Trần Danh Tuyên, Thủ đô, tiếng nói chính thức của Đảng bộ thành phố chuẩn bị ra đời. Ban phụ trách lâm thời gồm các nhà báo Bùi Hạnh Cẩn, Phạm Viết, Lê Hưng, Hải Ly. Báo có trụ sở ở 6 Hai Bà Trưng, Tổng Biên tập đầu tiên là ông Đinh Nho Khôi vốn là Chủ nhiệm Báo Cứu quốc, Trưởng ban Quốc tế Báo Nhân Dân, làm tới năm 1968. Sau gần một năm báo nới khổ lên 32,5 x 47cm, tăng diện phát hành, phóng viên được bồi dưỡng nghiệp vụ. Tuy nhiên trận địa báo hằng ngày thì Thời mới vẫn độc chiếm. Nhà báo Dương Linh, sau này là Phó Tổng Biên tập Hànộimới kể: “Làm tin thời sự - chính trị rất nhàn. Đi họp Quốc hội chẳng hạn, lấy “chế độ” xong là về chờ tin Thông tấn xã. Trên duyệt trực tiếp tin đưa nên chả tội gì “sáng tạo”, “năng nổ” quá, nhỡ ra lại bị mắng”.

Thủ đô Hà Nội - tờ báo hợp nhất đầu tiên

Hà Nội hàng ngày sống không mấy “mạnh khỏe” nên hợp nhất với Thủ đô theo thông tư ngày 9-12-1958 của Thành ủy. Tên báo Thủ đô Hà Nội do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt, ghép từ măng sét hai tờ báo. Báo ra 4 trang khổ lớn 40 x 60cm, trụ sở vẫn ở 6 Hai Bà Trưng, số 1 ra ngày 1-1-1959. Tâm lý “bị thôn tính” của anh em Hà Nội hàng ngày nhanh chóng biến mất vì vị thế tờ báo tăng lên, không khí đoàn kết trong tập thể mới. Một số lượng phát hành nhất định được giao cho các cơ quan, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp tiêu thụ.

Từ năm 1964, chiến tranh mở rộng, báo phản ánh chiến sự, động viên tòng quân, khai thác vụ Phúc Xá, Phúc Tân bị Mỹ ném bom. Văn hóa văn nghệ thể thao vẫn được duy trì nhẹ nhàng, hấp dẫn với các tác giả Giang Quân, Yên Thao, Lê Bầu…

Hợp nhất lần thứ hai: Hànộimới

Thời mới mặc dù đang bán chạy, ra cả ngoại tỉnh với đội ngũ phóng viên có nghề đáp ứng thị hiếu đô thị: Trương Uyên, Nguyễn Chính, Thọ Cao, Hoàng Giáp, Trần Châu…, nhưng là báo tư nhân nên vẫn bị phân biệt, phóng viên khó tham dự nhiều sự kiện lớn. Do vậy, nhu cầu hợp nhất Thời mới với Thủ đô Hà Nội để có tờ báo chính thức của Đảng bộ thành phố là tất yếu.

Hànộimới lấy tên ghép từ hai tờ trên, đóng ở 44 Lê Thái Tổ đến ngày nay. Đây vốn là tòa soạn báo Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ) nên sảnh lát đá hoa vẫn còn chữ “A&T” lồng vào nhau. Tổng Biên tập Dương Ngà lãnh đạo một thời gian rồi đến nhà báo Hồng Lĩnh. Số 1 ra ngày 25-1-1968, nhằm Tết Mậu Thân, có xã luận Mùa xuân quyết thắng, tùy bút Vào xuân của Tô Hoài. Số 2 trương tít lớn Cả miền Nam thừa thắng xốc tới tấn công mãnh liệt, chiến thắng vẻ vang.

Như vậy, Hànộimới giai đoạn trước khi hợp nhất với Báo Hà Tây là kết quả của sự hợp nhất từ ba nguồn chính Thủ đô, Hà Nội hàng ngày và Thời mới. Tài sản, nguồn nhân lực, bộ máy cộng tác viên… của cả ba tòa soạn trên từ đây góp phần quan trọng làm nên truyền thống 60 năm cho tờ báo Đảng của Thủ đô.

Thời mới số 1-7-1960. Tin trang 1: Ngót 1 vạn nhân dân Hải Dương tham gia cuốc ruộng, mỗi ngày được 817 mẫu; Các ông Phạm Hùng và Tố Hữu thăm đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam và đoàn Vinh Quang; Đảng Lao động Việt Nam nhiệt liệt chào mừng 16 năm ngày thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam. Trang 2 đăng thơ nhắc ra khỏi phòng nhớ tắt điện, ý kiến xe rác đi sớm quá, cần thêm cửa hàng bán si rô, rao vặt bán Mobylette vàng cuối 1954, radio Philips 6 đèn loa to, chậu tắm sắt tráng men. Trang 4 khen sáng kiến biến ni lông vụn thành quai guốc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những ngọn nguồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.