(HNM) - Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 39 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, người dân Thủ đô và du khách đã có những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 ý nghĩa.
Đông đảo du khách đến tham quan Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Bảo Lâm |
Hà Nội trong những ngày lễ trọng rợp bóng cờ đỏ sao vàng, cùng những băng rôn, khẩu hiệu kỷ niệm 39 năm Ngày Giải phóng miền Nam, 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hàng vạn người xếp hàng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm nơi Bác ở và làm việc trong những năm tháng cuối đời, thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh để hiểu rõ hơn về đạo đức, tư tưởng và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người. Ông Nguyễn Hữu Tiến, người xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cho biết: "Tôi đưa con cháu về thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo cơ hội để các cháu hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, của lịch sử dân tộc. Các cháu rất thích thú và tôi nghĩ đây là bài học lịch sử trực quan và hiệu quả".
Nhiều người đã đến di tích hầm D67 trong di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), nơi còn lưu giữ nguyên vẹn căn phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những hình ảnh liên quan. Tại hầm D67, từ tháng 9-1968 đến 30-4-1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã vạch ra chiến lược đúng đắn, sáng tạo đưa dân tộc ta đi tới thắng lợi cuối cùng làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử. "Theo các tư liệu lịch sử mà chúng tôi nghiên cứu, sưu tầm, sáng 29 và 30-4-1975, Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam - hầm D67 tràn ngập niềm vui. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tập trung theo dõi sự phát triển của cuộc tổng tiến công và nổi dậy từng giờ từng phút, thảo luận công việc và đón tin chiến thắng", ông Nguyễn Huy Hạnh, Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm (Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội) cho biết.
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam - nơi đang giới thiệu triển lãm "Điện Biên Phủ - Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp qua các tác phẩm nghệ thuật" cũng là một trong những địa chỉ thu hút khách tham quan trong những ngày qua. Nhiều tác phẩm thu hút sự chú ý của du khách, như bức tượng bằng chất liệu silicon phác họa hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang ngồi làm việc, sống động đến từng chi tiết; tranh sơn dầu "Đại tướng của nhân dân" của họa sĩ Đặng Xuân Hùng giới thiệu chân dung vị Đại tướng huyền thoại cũng như bối cảnh chiến trường Điện Biên Phủ, tranh ghép từ 6 vạn que diêm "60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ" của bà Ngô Thị Thục, tranh cổ động "Nếu không có chiến tranh, tôi là một thầy giáo" của họa sĩ Hà Huy Lê… Cách Bảo tàng không xa, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội giới thiệu triển lãm ảnh "Hồn quê" của hai anh em nhà báo Đinh Đăng Định và Đinh Quang Thành, được cho là một điểm đến có ý nghĩa giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ… Những cuộc triển lãm chuyên đề về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, về Cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp hấp dẫn người dân Thủ đô và du khách trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay, thêm một lần khẳng định nhân dân Việt Nam luôn quan tâm đến lịch sử dân tộc, tự hào và biết ơn công lao của lớp người đi trước.
Dòng xúc cảm dâng trào giữa những ngày kỷ niệm sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Hà Nội như một sân khấu lớn, vang vọng những giai điệu ngợi ca quê hương tươi đẹp, đất nước yên bình. Tối 30-4, người dân huyện Thanh Oai nô nức đổ về trị trấn Kim Bài nơi tổ chức chương trình nghệ thuật "Việt Nam quê hương tôi" do các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn nghệ thuật Bộ đội Biên phòng thể hiện. Tại sân khấu ngoài trời quận Thanh Xuân là những màn thể hiện ca khúc về Hà Nội như "Hà Nội niềm tin và hy vọng"; "Hà Nội linh thiêng và hào hoa", "Nhớ về Hà Nội"…, do Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức biểu diễn. Tối 1-5, Đoàn văn công Phòng không Không quân mang đến huyện Mê Linh chương trình ca nhạc đặc biệt mang tựa đề "Bài ca người lính". Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình chuyển những tác phẩm nghệ thuật đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Bắc đến với người dân huyện Đan Phượng. Đặc biệt hơn, trong chương trình "Sáng mãi Điện Biên" diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long, những giọng ca "vàng" của dòng nhạc Cách mạng như Đăng Dương, Anh Thơ, Tấn Minh… biểu diễn các ca khúc ngợi ca Đảng, Bác Hồ, tinh thần chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng sự rung cảm sâu sắc, để lại ấn tượng đặc biệt cho người xem. "Thật tuyệt vời khi được nghe những ca khúc cách mạng trong không gian lịch sử của thành phố hòa bình. Âm hưởng hùng tráng của những ca khúc đưa chúng tôi sống lại không khí chiến thắng 60 năm về trước", cựu chiến binh Trần Tuấn Mão (83 tuổi), người từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ bồi hồi cho biết.
Bên cạnh những hoạt động mang ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc, các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội còn tổ chức nhiều chương trình giải trí phục vụ người dân trong những ngày nghỉ lễ. Các nghệ sĩ Đoàn kịch 2 (Nhà hát Tuổi trẻ) công diễn liên tục vở hài kịch "Nước mắt đàn ông" - về tình yêu và các mối quan hệ gia đình thời hiện đại - tại rạp Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm). Với các cháu thiếu nhi, ngày hội xiếc diễn ra từ 30-4 đến 3-5 tại Rạp xiếc trung ương (67-69 Trần Nhân Tông) là một trong những điểm đến không thể thiếu. Tại đây, các cháu được xem các tiết mục xiếc người, xiếc thú đặc sắc, xiếc "Tráng sĩ" phỏng theo truyện cổ tích Thạch Sanh... Như thường lệ, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên) tổ chức nhiều trò chơi dân gian phục vụ thiếu nhi.
Những bài học lịch sử sâu sắc, những chương trình giải trí hấp dẫn giúp cho kỳ nghỉ lễ thêm ý nghĩa, góp phần thúc đẩy tinh thần lao động, học tập, khả năng sáng tạo, cống hiến của người Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.