Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những ngày ở “địa ngục trần gian”

Hoàng Quân Tạo| 19/06/2022 06:11

(HNNN) - LTS: Công chúng phần lớn biết đến Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Quân Tạo với vai trò đạo diễn, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, một nghệ sĩ gắn bó với sân khấu kịch nói Thủ đô suốt 40 năm, từ năm 1959 cho đến khi ông nghỉ hưu (năm 1999). Song không phải ai cũng biết Hoàng Quân Tạo từng tham gia hoạt động cách mạng, bị địch bắt giam, tra tấn, tù đày trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong số báo này, Hà Nội Ngày nay xin giới thiệu bài viết của ông về những ngày tháng bị giam cầm tại những “địa ngục trần gian” của thực dân Pháp.

Du khách tham quan di tích lịch sử Hỏa Lò. Ảnh: Minh Khai

Tôi sinh năm 1932 trong một gia đình nghèo, gốc gác bần nông ở làng Từ Đài, xã Chuyên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam. Ông nội là nhà nho, đỗ đạt nhưng không cộng tác với chính quyền thực dân phong kiến. Ông về quê giữ từ ở đình làng, dạy học. Bố tôi là thợ sơn ô tô ở Sở AVIA phố Phan Chu Trinh, Hà Nội. Mẹ tôi làm khâu đầm. Mẹ tôi kể lại, năm 1935, bố tôi bị Sở Mật thám bắt vì tham gia hội kín, bị chúng tra tấn đến chết. Cũng vì việc bố tôi bị bắt mà mẹ bị chủ sa thải.

Năm tôi 9 tuổi, mẹ tôi tái giá nên tôi ở với bà ngoại. Kinh tế gia đình sa sút nên tôi bỏ học để dành cả buổi sáng đi đưa và bán báo, trưa chiều đi đánh mũ, đánh giày. Suốt ngày lang thang khắp phố phường, tận mắt chứng kiến sự dã man, tàn bạo của thực dân Pháp và phát xít Nhật nên tôi sớm giác ngộ cách mạng. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, tôi mới 14 tuổi đã tham gia tiếp tế cho tự vệ Liên khu I.

Sau khi quân ta rút khỏi Thủ đô, tôi tham gia đội du kích Yên Sở, làm liên lạc, đêm đêm cùng du kích đi chôn mìn chặn đánh các đoàn xe quân sự của Pháp... Địch lập hệ thống đồn bốt, hội tề ở ngoại thành, các cơ sở du kích bị vỡ, cán bộ ta ban ngày phải ở dưới hầm bí mật, ngâm mình dưới đầm sen, đến đêm mới lên mặt đất hoạt động. Tình hình rất căng thẳng nên cấp trên tìm cách đưa gia đình tôi trở lại nội thành. Vào thành phố được ít ngày tôi may mắn được gặp các đồng chí Nguyễn Huân, Lê Tám là cán bộ dân vận nội thành. Các anh giao cho tôi một số nhiệm vụ về công tác thanh niên và kết nạp tôi vào Đoàn Thanh niên cứu quốc. Một thời gian sau anh Huân giới thiệu tôi với anh Trần Thái Lân là cán bộ công vận thuộc Liên hiệp Công đoàn Hà Nội và tôi được phân công phụ trách tổ Tán phát tài liệu Ban công vận nội thành. Gần một năm sau anh Lân ra công tác vùng tự do, bàn giao nhiệm vụ phụ trách tổ của tôi cho đồng chí Lý (tức Trần Văn Ty). Được hơn 2 tháng thì anh này bị bắt...

Như thường lệ, từ 19 - 20h thứ bảy hằng tuần tôi tới cơ sở tại số nhà 85 phố Hàng Lược (là gia đình vợ chưa cưới của tôi) để nhận tài liệu từ vùng tự do chuyển vào. Hôm đó, tôi đạp xe đến cửa, nhìn vào nhà thì thấy có lính Pháp. Biết là có chuyện, tôi định đi thẳng nhưng không kịp, hai tên từ phía bên kia đường đã chạy sang ngăn lại. Tên Tây lai hỏi tôi: “Mày đến lấy tài liệu hử? Chúng tao đã thu cả đây rồi”. Mấy tên lính khám người tôi. Rồi chúng đưa tôi và vợ chưa cưới của tôi ra cửa, nơi ô tô đã đỗ sẵn. Chúng tôi bị đẩy lên xe, góc trong có một người đầu chùm túi vải đen chỉ hở đôi mắt. Xe chạy về phố Lý Nam Đế rồi dừng để tên chùm mặt xuống xe. Vô tình cái túi đen rơi ra, tôi sững sờ nhận ra Lý, kẻ phản bội cách mạng. Một thoáng bàng hoàng rồi nỗi căm tức trào dâng. Xe chạy thẳng về phố Bà Huyện Thanh Quan, sau này tôi mới biết đó là hang ổ của Cơ quan Phản gián Tối cao Bắc Việt.

Mở đầu thẩm vấn là những cú đấm vào mặt nổ đom đóm mắt làm tôi loạng choạng ngã xuống sàn nhà. Tên quan ba Pháp ra hiệu dừng lại và hỏi (tên Tây lai phiên dịch): “Tổ chức của mày có bao nhiêu người? Mày làm chức vụ gì? Ai là người lãnh đạo? Tên gì? Hiện đang ở đâu? Mày hãy nói thật thì đỡ tội”. Tôi trả lời: “Họ thuê tôi nhận những gói đồ đó rồi sẽ có người tới lấy”. Chúng lại hỏi: “Thế người đó tên là gì? Ở đâu?”. Tôi dừng một phút rồi trả lời: “Ông ấy tên là Trần Văn Ty (tức Lý), còn tôi không biết ai nữa”. Tên Tây lai một mắt gầm lên rồi cầm dùi cui quất mạnh vào đầu tôi, làm tôi ngất lịm. Sau đó là liên tục các trận tra tấn, kể cả chích điện. Không biết bao nhiêu lần chết đi sống lại. Sau mỗi lần tra tấn, chúng lại hỏi, tôi giả vờ ú ớ. Tên quan ba quát lên như con chó điên: “Mày chán sống rồi hả?”, rồi cầm ghế phang vào tôi làm gãy một xương sườn và cánh tay trái không cử động được. Tôi đau quá, nằm bất động nên bọn chúng đưa tôi đi nhà thương Đồn Thủy...

Chừng một tuần sau chúng lại đưa tôi về phòng tra tấn cũ. Vừa tập tễnh bước vào cửa, tôi sững người, run bần bật vì thấy vợ chưa cưới của tôi trần trụi đứng quay mặt vào góc tường. Trong lòng tôi tràn đầy uất hận... Tại sao quân thù man rợ đến vậy? Một tiếng hỏi khô khốc vang lên: “Thế nào? Mày suy nghĩ chín rồi hử? Chỉ cần mày dẫn chúng tao đến các cơ sở mày phụ trách và nơi ẩn nấp của tên Trần Thái Lân. Nếu mày nhất định không khai thì đêm nay cô nữ sinh, vợ tương lai của mày sẽ phải hầu hạ bạn tao! Thế nào?”. Sự hận thù trào dâng, tôi trả lời: “Tôi không thể ngờ các ông lại làm một việc thiếu nhân tính đối với một cô gái trẻ... Cô ấy không biết gì về những việc tôi làm, cô ấy không có tội gì cả”. Tôi vừa dứt lời đã vang lên tiếng chửi: “Mẹ mày! Định dạy các ông hả?” và cái tát rất mạnh vào mặt tôi làm môi dưới bị vập vào răng, đến giờ vẫn còn sẹo. Tôi loạng choạng, hắn cầm thanh gỗ quật vào giữa đỉnh đầu làm tôi ngất đi.

Khoảng 4h sáng hôm sau tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trong sà lim, đầu gối lên đùi một phụ nữ. Chị ấy xoa bóp các vết thương trên đầu và bên sườn tôi. Tôi lúc mơ lúc tỉnh, chỉ nghe thấy tiếng hát khe khẽ bài “Làng tôi” của Văn Cao, làm tôi liên tưởng đến tiếng mẹ ru thời thơ ấu. Gần sáng, thấy đầu đau buốt như kim đâm vào óc, tôi hỏi: “Đây là đâu? Sao chị lại ở đây? Chị bị bắt về tội gì?”. Chị trả lời: “Chị ở Hải Dương, trong khi đi công tác bị chúng phục kích bắt”. Rồi chị hỏi: “Em đỡ đau chưa? Phải cố gắng chịu đựng, đừng khai lung tung. Em càng khai chúng càng đánh đập tàn bạo hơn. Phải dũng cảm lên em nhé”. Vừa nói tới đó thì cửa xà lim mở, hai tên lính gọi chị phụ nữ ấy đi. Tôi hỏi với theo: “Thế tên chị là gì?”. Chị chỉ nói: “Chào em, nhớ những lời chị dặn nhé!”. Tôi gật đầu, nghẹn ngào “Vâng ạ!”.

Ngày hôm sau, chỗ bị đánh trên đỉnh đầu sưng to như quả ổi, đau đớn vô cùng. Nhìn ra cửa thấy chị tù thường phạm đang quét dọn, tôi hỏi: “Chị phụ nữ hôm qua bị nhốt chung với tôi sao không thấy trở về?”. Chị tù thường phạm nói: “Nghe nói chúng đưa chị ấy sang Nhà Tiền thủ tiêu rồi!”. Tôi chết lặng. Suốt cả ngày hôm đó trong tôi cứ phảng phất tiếng hát ru dịu dàng và những lời căn dặn nhiệt huyết của người phụ nữ ấy. Dù không biết tên chị nhưng hình ảnh của chị ấy đã đi vào nỗi nhớ thương suốt cuộc đời tôi.

Suốt 17 ngày đêm tra tấn, không khai thác được gì ngoài những điều mà chúng đã biết, bọn chúng đưa tôi về ngôi biệt thự ở phố Lý Nam Đế để làm thủ tục và lăn tay vào một tờ giấy màu đỏ - theo đó tôi thuộc loại tù bị giam tới hết chiến tranh. Chúng đưa tôi về Hỏa Lò, khoảng 4 - 5 tháng lại chuyển tôi sang trại chính trị Nhà Tiền. Chúng đầy đọa, coi con người như con vật. Cơm gạo cháy, cá mắm và thịt trâu đã phân hủy có dòi bọ; rau muống, bí đao, bí ngô muối trong thùng đựng dầu... Các phòng giam chật chội, ngột ngạt, chỉ khoảng 15 - 16m2 mà chúng nhồi nhét tới 80 người. Tù nhân phải nằm úp thìa, ở giữa phòng giam còn đặt thùng chứa phân. Hằng ngày mỗi người chỉ nhận được chừng 2 lon sữa bò nước đánh răng rửa mặt, một tuần được tắm một lần, chừng 15 - 20 phút là chúng khóa máy...

Một buổi trưa, hai đồng chí nằm cạnh tôi là Tâm và Loan nói sẽ đề cử tôi làm “cai hô”! Tôi ngơ ngác hỏi “cai hô là gì?”. Họ giải thích là mỗi khi tên sếp trại vào kiểm tra thì hô nghiêm để mọi người đứng dậy chào, sau tôi mới hiểu tiếng hô đó là báo động cho anh em tù... Một thời gian sau, anh Tâm và anh Loan vận động các buồng giam đề nghị với sếp trại cử tôi hằng tuần ra cửa tò vò nhận tiếp tế của các gia đình tù nhân gửi vào, đồng thời chuyển các thứ của anh em tù gửi về gia đình như khăn mặt, áo gối tự thêu, tất nhiên trong đó có thư hoặc tin nhắn giấu kín.

Hiệp định Genève 1954 được ký kết, tôi và nhiều anh em ở trại I được trao đổi tù binh ở sân Nhà Tiền. Sau khi ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp, tôi tìm cách liên lạc ngay với cấp trên rồi được giao nhiệm vụ vận động ngụy quân, ngụy quyền ra vùng tự do và tổ chức các buổi mít tinh, bãi thị tại chợ Đồng Xuân chống âm mưu dụ dỗ di cư vào Sài Gòn. Sau Ngày Giải phóng Thủ đô, tôi tình nguyện về Đội Thanh niên xung phong Thủ đô xây dựng đường sắt Hà Nội - Lào Cai từ năm 1955 đến 1959, sau đó chuyển về Đoàn Kịch Hà Nội làm công tác nghệ thuật cho đến khi nghỉ hưu (1999).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những ngày ở “địa ngục trần gian”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.