Hà Nội xứng danh thành phố văn hóa, không chỉ bởi bề dày văn hóa, lịch sử được hun đúc từ ngàn năm qua, mà còn bởi thành quả sáng tạo, phát huy hệ giá trị truyền thống trong thời đại mới.
Ngoài những công trình kiến trúc độc đáo, hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú hiếm có, Hà Nội còn có nhiều điểm đến đặc sắc để người dân và du khách tham quan, trải nghiệm văn hóa truyền thống theo cách mới mẻ. Di tích Nhà tù Hỏa Lò và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là hai trong số nhiều “điểm hẹn" văn hóa điển hình nhờ cách làm sáng tạo, khác biệt.
Khi “địa chỉ đỏ” thành không gian sáng tạo
Di tích Nhà tù Hỏa Lò trước kia được mệnh danh là “địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng để giam giữ, tra tấn các chiến sĩ cách mạng. Giờ đây, di tích này là “địa chỉ đỏ” giáo dục tình yêu nước và thu hút khách tham quan. Trong giai đoạn giãn cách do dịch Covid-19, theo tinh thần đổi mới, sáng tạo để phục hồi du lịch, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp với Công ty lữ hành Hanoitourist (Tổng Công ty Du lịch Hà Nội) xây dựng mô hình thí điểm tour đêm đầu tiên tại Hà Nội. Tháng 6-2020, tour “Đêm thiêng liêng” chính thức ra mắt và lập tức gây bất ngờ.
Trong khoảng 90 phút, du khách tham gia tour "Đêm thiêng liêng" trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc trước những gì diễn ra. Khác với tour thông thường, "Đêm thiêng liêng" mở ra không gian sáng tạo mới lạ, dẫn dắt khách dõi theo những câu chuyện có chủ đề. Trong phiên bản đầu tiên, công chúng theo dõi hoạt cảnh về tinh thần quả cảm của chiến sĩ cách mạng do các diễn viên thể hiện, trải nghiệm cảm giác “vượt ngục”, thưởng thức sản phẩm ẩm thực từ cây bàng - "đặc sản" tại Nhà tù Hỏa Lò...
Sau hơn 4 năm triển khai, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò giới thiệu thêm 2 phiên bản cho tour đêm này: “Sống như những đóa hoa” và “Lửa thanh xuân”. Mỗi phiên bản đưa người xem trải nghiệm những câu chuyện khác nhau, như chuyện về bà Nhiêu Sáu dũng cảm tham gia đầu độc binh lính Pháp vào năm 1908; chuyện về bà Nguyễn Thị Quang Thái - người vợ đầu của đồng chí Võ Nguyên Giáp, cũng là em gái ruột của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Đó còn là câu chuyện về đồng chí Đặng Xuân Khu, tức Trường Chinh (sau này là Tổng Bí thư của Đảng) kiên cường đấu tranh khi bị giam trong ngục tối...
Chọn cách kể chuyện lịch sử với sự hỗ trợ của nghệ thuật, từ biểu diễn đến sắp đặt, trưng bày..., những người thực hiện đã tạo ra một không gian văn hóa sáng tạo có sức hút mạnh mẽ với khách gần xa. Cuốn sổ ghi lưu bút của du khách chất chứa cảm xúc của giới trẻ. Trần Nguyễn Thùy Linh, một sinh viên đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi trải nghiệm không gian sáng tạo với câu chuyện thấm đẫm tình người. Chương trình giúp tôi thêm yêu lịch sử và trân trọng giá trị của hòa bình mà mình được thụ hưởng hôm nay”.
Nói về "Đêm thiêng liêng", Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, mọi sự sáng tạo, làm mới đều phải dựa trên giá trị cốt lõi, đó là những câu chuyện lịch sử diễn ra tại Hỏa Lò.
Sau nỗ lực đổi mới, sáng tạo, sức hút của di tích Nhà tù Hỏa Lò ngày một tăng. Tới cuối năm 2024, vé tham gia tour đêm với cả 2 phiên bản đã được bán tới tháng 3-2025. Từ mô hình thí điểm tour đêm đầu tiên của Hà Nội, Nhà tù Hỏa Lò trở thành điểm sáng về “kinh tế đêm", cung cấp bài học phát triển công nghiệp văn hóa cho nhiều địa phương trong cả nước.
Nơi lưu giữ hồn dân tộc
Trên địa bàn Hà Nội có sự hiện diện của khoảng 20 bảo tàng, trong đó Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (số 1 Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy) - nơi lưu giữ vốn văn hóa đa dạng của 54 dân tộc anh em tại Việt Nam - là điểm đến "xem mãi không biết chán" đối với rất nhiều người. Được thành lập vào năm 1997, sức hấp dẫn của bảo tàng không chỉ ở kiến trúc thuần Việt, bộ sưu tập hơn 15.000 hiện vật... mà còn ở tinh thần đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ, tạo nhiều không gian văn hóa sáng tạo hấp dẫn, mang đến sự trải nghiệm khác biệt.
Không gian ấn tượng nhất có lẽ là “Vườn kiến trúc”, gồm hơn 10 không gian nhỏ với mô hình nhà ở, công trình kiến trúc đặc trưng của nhiều dân tộc: Nhà sàn của người Thái, nhà dài của người Ê Đê, nhà rông của người Ba Na... Tất cả là hiện thân cho sự đa dạng văn hóa của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.
Andrey Rublev, du khách người Anh đến tham quan bảo tàng chia sẻ: “Khi đến Hà Nội, tôi được bạn bè khuyên đến bảo tàng này để tìm hiểu văn hóa truyền thống các dân tộc sinh sống trên đất nước các bạn. Tôi thật sự ấn tượng với kiến trúc nhà ở truyền thống, trang phục, phong tục, tín ngưỡng của họ”.
Còn chị Hoàng Thu Hiền (quận Nam Từ Liêm), đã sinh sống tại Hà Nội nhiều năm, cho biết chị đã ba lần đưa các con đến đây vui chơi cuối tuần. “Bảo tàng có nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, các trò chơi dân gian giúp trẻ em tiếp thu kiến thức về văn hóa truyền thống theo cách mới mẻ, dễ hiểu” - chị Hoàng Thu Hiền cho biết.
Hiện nay, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thường xuyên tổ chức triển lãm chuyên đề, hội thảo khoa học và các buổi trình diễn nghệ thuật dân gian. Những hoạt động này không chỉ giúp du khách tìm hiểu về văn hóa các dân tộc, mà còn tạo điều kiện để nghệ nhân, nhà nghiên cứu giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Bùi Ngọc Quang, Bảo tàng định kỳ tổ chức nhiều chương trình giới thiệu, tôn vinh di sản văn hóa, đặc biệt là vào dịp Tết, Quốc tế Thiếu nhi, Trung thu... Ngoài ra, bảo tàng còn có các chương trình giáo dục dành cho học sinh, sinh viên như các tour tham quan, các chương trình tập huấn, trưng bày lưu động giúp giới trẻ thêm hiểu thêm yêu di sản và truyền thống văn hóa dân tộc.
Có thể thấy, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là hai điển hình trong số nhiều không gian sáng tạo tại Hà Nội. Bài học thành công từ những mô hình này là lấy lịch sử, văn hóa truyền thống làm điểm tựa cho sự sáng tạo, đổi mới, từ đó tạo sức hấp dẫn riêng, không thể trộn lẫn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.