(HNMCT) - “Nơi con sông đổ về biển” là tập thơ thứ hai của nhà giáo Nguyễn Hữu Quyền (NXB Nghệ An ấn hành tháng 4-2021). Đi một lối riêng, Nguyễn Hữu Quyền đang khẳng định một giọng thơ ấn tượng, độc đáo cả về nội dung và hình thức. Vẫn là dòng chảy của sự không cùng trong cảm xúc và tư duy thơ ở tập thơ đầu “Về miền hoa lộc vừng”, nhưng đọc “Nơi con sông đổ về biển” ta sẽ nhận ra những mạch ngầm của tưởng tượng mạnh mẽ hơn và cũng tinh tế hơn. Không quá mới lạ trong việc lựa chọn đề tài khai thác, nhưng cách đào sâu vào những điều tưởng như thân gần ấy để vỡ ra những mảnh nhìn thấu suốt thì không nhiều người làm được.
Tác giả Nguyễn Hữu Quyền sinh năm 1953 tại Thanh Chương, Nghệ An, có nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục. Là người nặng lòng với quê hương, trong thơ ông điều này tạo nên một dấu ấn đặc biệt bởi nó mang nhiều lớp nghĩa. Đó vừa là quê hương trong đời sống thực mà ông thấy và trải nghiệm: “Cánh đồng làng hồi đó không rộng/ Bao bọc bởi những ngọn đồi/ Bờ ruộng trĩu quả mâm xôi/ Tuổi thơ tôi gió mùa đông bắc thông thốc thổi”; đó lại vừa là quê hương trong tâm tưởng của người cầm bút mà ở đó đã có sự phóng chiếu, chiêm nghiệm, đọng lắng: “Ngọn đồi năm xưa trăng sáng giờ vẹt một nửa/ Người ta cưa nó làm đôi đào bới/ Vật đổi sao dời. Vơi cạn/ Thế mà đêm đêm sao rơi còn trăng cứ sáng/ Thăm thẳm thời gian”.
Ký ức là một phần quan trọng trong thơ Nguyễn Hữu Quyền. Những hồi tưởng đã làm cho thơ ông sống động, thăng hoa, gợi mở hình dung thăm thẳm. Thơ ông là chiều dài của thời gian, chiều rộng của không gian, và chiều sâu của suy tưởng: “Tôi đi tìm ngơ ngác ngày xưa/ Chỉ thấy thời gian lớp lớp/ Cùng những mảnh trăng vụn niềm cơ nhỡ". Những điều đã qua nhưng không mất đi mà trở thành nguồn thi liệu cho người cầm bút. Nguyễn Hữu Quyền viết về ký ức không đơn giản là niềm tiếc nhớ mà điều này còn mang một ý nghĩa lớn hơn: “Ta theo sông về miền xưa/ Mưa làm cho câu ca sân đình ướt nhoẹt/ Con bướm ướp trong đáy hồn vụt bay quét sáng một vùng ẩn ức”. Câu thơ chạm tới những trong trẻo, ban sơ, tinh khiết của tuổi trẻ, cũng là những khát khao, bùng cháy, đam mê chiếu soi vào những giăng mắc của cõi người.
Ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Hữu Quyền cho thấy được sự tinh xảo của một người thầy gắn bó với nghề chữ nhiều năm, nhưng điều quan trọng lại ở yếu tố cảm xúc. Ngôn ngữ dù được ông chắt lọc tinh tế đến đâu nhưng sự nguyên vẹn của cảm xúc là điều khiến người đọc cảm thán. Vậy thì tại sao nhà thơ có thể đồng thời làm được hai điều đó một cách song song? Chỉ có thể lý giải bằng những khoảnh khắc xuất thần: “Nghe cánh lộc vừng rơi/ Châu thổ tơi bời. Trắng bờ. Phì nhiêu/ Mép nước cởi áo/ Bến sông mong đợi...”. Chỉ một xung động nhỏ cũng có thể chạm đến thẳm sâu người viết. Tâm hồn nhà thơ vang động những mạch ngầm xúc cảm, tuôn chảy, thẩm thấu vào những vỉa tầng của đời sống tinh thần chúng ta: “Hôm ấy đâu như tháng hai/ Đêm rằm mà sao trăng lại hình lưỡi trai mồng một?/ Có người đàn bà từ trời cao bước xuống biến thành chẽn đòng đòng vừa hé bông/ Cả cánh đồng bỗng trào lên hương sữa lúa”.
Một tác phẩm hay là một tác phẩm mang chứa được trùng điệp những lớp nghĩa trong hình hài có vẻ như giới hạn của nó. Nguyễn Hữu Quyền thành công trong việc biểu đạt được vào thơ những thi ảnh của tưởng tượng, những đứt gãy của vô thức, những bào ảnh lóe hiện, những trầm tích chợt thức, những hồi cố hiện về... Nhưng cái độc đắc nhất nhiều khi lại là cái được thể hiện giản dị nhất: “Đã bao năm phù sa ven sông ngấm mặn/ Ta chưa về/ (Nghe nói bể không một ngày nào lặng)// Câu ca ướt sân đình/ Họ đã đưa em về dinh trong nắng”.
Có lẽ, nhắc đến Nguyễn Hữu Quyền là khi chúng ta nhắc đến bài thơ “Nơi con sông đổ về biển” với một tứ thơ vừa khơi gợi vừa chắc chắn; một lối viết cách tân cho một nội dung truyền thống; một cách tiếp cận với hiện tại thông qua lăng kính của quá khứ..., và sau tất cả để chúng ta thấy rõ được cái mênh mông của sáng tạo thi ca.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.