Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những lớp học thấm đẫm tình yêu thương

Nhóm phóng viên| 19/11/2022 06:24

(HNM) - Vượt qua những đau đớn, thiệt thòi, nhiều người khuyết tật đang nỗ lực vượt qua nghịch cảnh để hòa nhập cộng đồng. Đồng hành với họ là những giáo viên của lớp học tình thương tại các trung tâm hướng nghiệp còn thiếu thốn cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy. Nhưng thấm đẫm tình yêu thương và sẻ chia, các thầy cô luôn tận tâm giúp người khuyết tật vượt lên số phận.

Học sinh tham gia lớp học “Tỏa sáng” tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội. Ảnh: Ngân Thùy

Những lớp học đặc biệt

Chị Phạm Mai Như (quận Ba Đình) còn nhớ như in ngày đầu tiên đưa con bị bại não đến lớp học của Trung tâm Hy vọng (số 4, ngách 82/189 ngõ 290, phố Kim Mã, quận Ba Đình), được Giám đốc Trung tâm Đỗ Thúy Nga ân cần tiếp nhận. "Trước đó, tôi đã đưa cháu đi xin học ở vài nơi nhưng bị từ chối vì con tôi chưa thể hiện được những nhu cầu bản thân. Khi con được nhận vào trung tâm, tôi cảm thấy nỗi vất vả như vơi bớt", chị Như tâm sự.

Có duyên nợ với những trẻ khuyết tật trí tuệ từ khi còn là bác sĩ nhi khoa, bà Đỗ Thúy Nga thấu hiểu nỗi cực nhọc mà các bậc cha mẹ có con khuyết tật phải chịu đựng nên khi về hưu bà đã tập trung hết công sức để thành lập Trung tâm Hy vọng, nơi nuôi dưỡng và dạy dỗ những trẻ khuyết tật ở nhiều độ tuổi. "Kiên trì, thấu hiểu, chia sẻ", bà Nga đã tổ chức được đội ngũ giáo viên tận tình chăm sóc, nâng đỡ những trẻ em khuyết tật.

Có một lớp học trong khuôn viên ngôi chùa Hương Lan (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ) không hề có tiếng trống trường nhưng đầy ắp tiếng ê a và niềm vui của những trẻ em khuyết tật khi học bài. Đó là lớp học tình thương dành cho trẻ khuyết tật do các nhà hảo tâm trên địa bàn huyện Chương Mỹ cùng cô giáo Lê Thị Hòa (Trường Tiểu học Đông Sơn) tổ chức.

Cô giáo Lê Thị Hòa cho biết, hiện lớp học thu hút được hơn 70 học sinh với nhiều dạng tật, nhiều độ tuổi, đến từ các địa phương khác nhau. Các cô giáo từ nhiều trường thay nhau đứng lớp, mỗi tiến bộ của các em là niềm vui của nhiều thầy, cô ở đây. Ông Nguyễn Văn Sơn (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) chia sẻ: "Con gái tôi bị bại não từ nhỏ, hạn chế các chức năng vận động. Sau nhiều năm kiên trì đưa con đến lớp học của cô giáo Hòa, cháu đã biết đọc, biết viết...".

Một lớp học đặc biệt khác mang tên “Tỏa sáng” do Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội duy trì từ nhiều năm nay theo hình thức học chuyên đề một lần/tháng dành cho các học sinh trung học phổ thông có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học tốt. Thành viên tham gia lớp học là học sinh từ đầu năm học lớp 10 đến khi học hết kỳ 1 của năm thứ nhất đại học, cao đẳng. Em Nguyễn Thanh Hằng (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) chia sẻ: "Trước đây em thường sống khép kín, không biết định hướng cho tương lai. Từ khi tham gia lớp học “Tỏa sáng”, em học hỏi được nhiều kiến thức xã hội để phát triển bản thân".

Vũ Phong Kỳ - một chàng trai khuyết tật, không ngờ sau những nỗ lực tìm tòi kiến thức, công việc cho bản thân, anh trở thành thầy giáo của những người đồng cảnh tại Trung tâm Nghị lực sống (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai). Đứng lớp giảng dạy về lĩnh vực công nghệ thông tin cho các học viên khuyết tật, Vũ Phong Kỳ vui nhất khi nghe tin các học viên của mình tìm được việc làm, ổn định cuộc sống.

Cùng hành động, cùng sẻ chia

Trên hành trình gieo yêu thương, cũng như các thầy, cô giáo: Đỗ Thúy Nga, Lê Thị Hòa, Vũ Phong Kỳ, còn rất nhiều các thầy, cô giáo ở các lớp học tình thương đã, đang sẻ chia, trao cơ hội tiếp cận tri thức đến hàng trăm số phận trẻ em khuyết tật trí tuệ, chậm phát triển, tự kỷ, người khiếm thị… Vượt lên những khó khăn, họ đã, đang mang lại những giá trị tốt đẹp, nhân ái tới cộng đồng.

Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Kiều Thị Hương cho biết, năm học 2022-2023, trung tâm cùng các nhà hảo tâm tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đến trẻ em gặp khó khăn. Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu mà trẻ được nhận sự quan tâm khác nhau. Nhiều trẻ em sống ngoài cộng đồng vượt khó học tốt được hỗ trợ khó khăn đột xuất hoặc nhận kinh phí hỗ trợ học tập dài hạn.

Còn Chủ tịch Hội đồng sáng lập Công ty cổ phần Nghị lực sống Nguyễn Thị Vân chia sẻ, với nền tảng vững chắc của Trung tâm Nghị lực sống cùng tầm nhìn tạo nên một cộng đồng không rào cản, nơi người khuyết tật và người yếu thế có cơ hội bình đẳng, hòa nhập trong thế giới lao động và xã hội, Công ty cổ phần Nghị lực sống sẽ nâng cao năng lực, hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật và người yếu thế một cách thiết thực, hiệu quả.

Để cùng sẻ chia với người yếu thế, theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, cùng chăm lo cho người khuyết tật, trẻ em mồ côi. Chủ động nắm bắt tình hình đời sống, hoàn cảnh của người khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn thành phố để có cơ sở xây dựng kế hoạch vận động trợ giúp kịp thời, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những lớp học thấm đẫm tình yêu thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.