(HNM) - Thời gian qua, tình hình an ninh, trật tự ở một số khu vực nông thôn của Thủ đô Hà Nội diễn biến phức tạp. Nhiều vụ án trộm cắp tài sản, giết người cướp của, buôn bán và sử dụng ma túy... đã xảy ra.
Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, nhưng mấu chốt là những va chạm, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân chậm được hệ thống chính trị ở cơ sở nắm bắt, xử lý dứt điểm. Mỗi khi va chạm, mâu thuẫn không được giải quyết kịp thời và thỏa đáng, dẫn đến sự dồn nén, khi có thời cơ sẽ bùng phát, thậm chí có nguy cơ trở thành bạo lực, xung đột. Đây cũng là điều kiện để kẻ xấu triệt để lợi dụng nhằm kích động người dân chống phá Đảng, Nhà nước, làm cho tình hình an ninh nông thôn trở nên phức tạp hơn.
Thành phố Hà Nội hiện có 386 xã và 21 thị trấn, trong đó có 234 xã và 9 thị trấn được xác định là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự. Từ thực tế trên cho thấy, vấn đề cần coi trọng nhất hiện nay là phải nhanh chóng khỏa lấp những “lỗ hổng”, cụ thể là củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu quả, thực chất.
Muốn làm được điều này, các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chủ động phòng ngừa, phát hiện và tố giác tội phạm... Trong đó, chú trọng xây dựng và triển khai các chương trình, mục tiêu cụ thể, không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời kiện toàn hoạt động của các “Tổ hòa giải”, “Tổ tự quản về an ninh trật tự”..., với sự tham gia của đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi các cấp. Cùng với đó là tăng cường nắm bắt, đi sâu tìm hiểu những mâu thuẫn về đất đai, kinh tế trong khu dân cư; tình cảm, mâu thuẫn trong gia đình, làng xóm... để phân công người giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ cơ sở, không để phát triển thành mâu thuẫn thù tức, phức tạp, kéo dài làm phát sinh tội phạm.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của thành phố cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, nhất là đối với các vấn đề nhạy cảm, bức xúc, được phản ánh nhiều lần. Cùng với đó, cần đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm tập hợp các lực lượng nòng cốt, các tầng lớp nhân dân góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Lực lượng công an cơ sở cần thực hiện biện pháp giáo dục quản lý chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao phạm pháp hình sự như: Đối tượng nghiện ma túy; có tiền án, tiền sự; thanh, thiếu niên hư, gia đình không hòa thuận..., qua đó phát hiện biểu hiện vi phạm pháp luật để ngăn chặn, phòng ngừa. Các cơ quan tư pháp thành phố khẩn trương điều tra, đưa ra xét xử lưu động tại địa phương một số vụ án điểm phục vụ công tác giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Song song với vấn đề quản lý, cần có chính sách ưu đãi, vay vốn phát triển kinh tế đối với những cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, giúp họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là một trong những điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương. Mở rộng ra, an ninh nông thôn là nền tảng của an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh nông thôn là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị các cấp. Để an ninh nông thôn được giữ vững, phải phát huy mối liên hệ mật thiết giữa chính quyền và người dân, tạo niềm tin của nhân dân với chính quyền. Có như vậy, tình hình an ninh, trật tự ở nông thôn mới được giữ vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.