Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những kẽ hở tiền tỷ “chui” lọt

Đà Đông| 14/01/2012 06:14

(HNM) - Những ngày cuối cùng của năm 2011, công luận lại một phen bàng hoàng trước thông tin những ván cờ tướng cá cược đến hàng tỷ đồng của hai quan chức ở tỉnh Sóc Trăng.

Điều khiến dư luận bất bình là những ván cờ tiền tỷ này diễn ra đã lâu nhưng vụ việc chỉ được phát hiện khi một vị để số nợ lên tới hơn 20 tỷ đồng mà không có khả năng chi trả, khi bị đòi nợ, sợ ảnh hưởng đến sự an nguy của cả nhà đã chủ động đến cơ quan CA trình báo.

Sau vụ việc, nhiều người đã đặt ra câu hỏi, liệu với đồng lương công chức vẫn bị coi là thấp, vị quan chức kia lấy tiền đâu ra để có thú tiêu khiển tốn kém đến vậy? Phải chăng có số tiền lớn như vậy là do còn từ nguồn thu bất chính? Tuy nhiên, khi trả lời cơ quan báo chí, một đại diện lãnh đạo tỉnh cho biết, hằng năm, cán bộ đảng viên đều kê khai tài sản theo quy định nhưng cơ quan chức năng không phát hiện gì bất thường ở bản kê khai của các vị quan chức đó.

Điều này một lần nữa lại làm dư luận đặt câu hỏi, việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, đảng viên được triển khai mấy năm qua liệu đã thực sự phát huy hiệu quả? Hay chúng ta chưa có cơ chế để quản lý việc kê khai và công khai tài sản của các đối tượng trên một cách hữu hiệu?

Nghị định 68 về minh bạch thu nhập, tài sản có hiệu lực từ ngày 30-9-2011 nêu rõ, công chức bị kết luận là không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ, bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật: khiển trách; cảnh cáo, hạ bậc lương; giáng chức; cách chức (tùy theo tính chất, mức độ). Nghị định cũng nhấn mạnh người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, sự trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai. Đặc biệt, việc kê khai bổ sung theo định kỳ hằng năm chỉ thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động tổng thu nhập trong kỳ kê khai từ 50 triệu đồng trở lên hoặc phải kê khai theo quy định.

Tuy nhiên, ngay khi vừa được ban hành, nhiều chuyên gia luật pháp đã cảnh báo một kẽ hở trong Nghị định 68, đó là việc quan chức xé nhỏ tài sản cho vợ, con cái - nhiều người lại chưa đủ tuổi thành niên. Hay quan chức gửi tiền tại các tài khoản ở nước ngoài. Thanh tra Chính phủ - cơ quan tham mưu đã thừa nhận cần có thời gian mới "bịt" được lỗ hổng đó. Trở lại với những ván cờ có "giá" tiền tỷ ở tỉnh Sóc Trăng, có phải vì những kẽ hở như vừa nêu ở trên nên vị quan đó vẫn có tiền đánh bạc mà cơ quan chủ quản vẫn không tìm thấy sự bất thường trong việc kê khai tài sản?

Từ kê khai đến công khai, minh bạch tài sản được đánh dấu là một bước tiến trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam. Song để việc kê khai, công khai tài sản đi vào thực chất và thật sự minh bạch, vẫn cần nhiều hơn nữa nỗ lực từ các cơ quan chức năng và sự giám sát của toàn xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những kẽ hở tiền tỷ “chui” lọt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.