(HNMO) - Người di cư trèo rào vào biên giới Mỹ, pháo hoa mừng năm mới tại Sydney, biểu tình lan rộng tại Ấn Độ chỉ vì hai phụ nữ vào đền thiêng... là những hình ảnh thế giới ấn tượng nhất tuần qua.
Trong bối cảnh Mỹ siết chặt biên giới và phải chờ đợi quá lâu để được xét duyệt đơn tị nạn, hàng trăm người nhập cư đến từ khu vực Trung Mỹ mạo hiểm leo qua hàng rào biên giới giữa Mexico và quốc gia này, chấp nhận bị lực lượng an ninh bắt giữ. Ảnh: AP
Một bé gái cầu nguyện bên những bó hương nghi ngút khói ở buổi lễ tưởng niệm những nạn nhân của trận sóng thần năm 2004 tại bãi biển Marina (thành phố Chennai, Ấn Độ). Thảm hỏa kinh hoàng cùng năm do trận động đất 9,2 độ Richter ở Ấn Độ Dương tạo ra trận sóng thần cao 30 m ập vào bờ biển của hơn 10 quốc gia, khiến hơn 225.000 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters
Màn trình diễn pháo hoa thắp sáng cầu cảng và nhà hát Opera Sydney (thành phố Sydney, Australia) đúng khoảnh khắc chuyển giao năm mới 2019. Đây là hoạt động thường niên tại địa điểm nổi tiếng của thành phố, thu hút hơn 1,5 triệu người dân và du khách đến chiêm ngưỡng. Ảnh: Reuters
Giáo hoàng thể hiện kỹ năng biểu diễn với quả bóng bên cạnh những nghệ sĩ xiếc đến từ Cuba tại buổi thuyết giáo hằng tuần ở sảnh Paul VI, Tòa thánh Vatican. Ảnh: Reuters
Floyd Mayweather chỉ cần hơn 2 phút để hạ gục đối thủ là Tenshin Nasukawa đến từ Nhật Bản tại RIZIN Fighting 14 - sự kiện MMA cuối cùng của năm 2018. "Độc cô cầu bại" người Mỹ sở hữu bảng thành tích ấn tượng với 50 trận toàn thắng. Dù đã giải nghệ, trận đấu "mang tính giải trí" với tay đấm trẻ tuổi vẫn mang lại cho Mayweather số tiền 9 triệu USD. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp với các quan chức cấp cao trong ngày thứ 12 đóng cửa một phần Chính phủ. Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố sẵn sàng đóng cửa Chính phủ nhiều năm, không ký bất kỳ dự luật ngân sách nào cho đến khi Quốc hội thông qua khoản chi 5,7 tỷ USD xây tường biên giới phía Nam. Ảnh: Reuters
Xung đột giữa lực lượng cảnh sát và đám đông quá khích biểu tình phản đối tại thành phố Kochi (Ấn Độ) sau khi hai phụ nữ bước vào đền Sabarimala. Ngôi đền thiêng hơn 800 năm tuổi từ lâu đã cấm nữ giới đặt chân đến nhưng Tòa án Tối cao nước này đã gỡ bỏ lệnh cấm vì cho rằng đây là hủ tục thể hiện sự phân biệt đối xử. Ảnh: Reuters
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.