Ung thư đại trực tràng hay còn gọi là ung thư ruột già là loại ung thư hay gặp đứng hàng thứ 2 ở nữ và hàng thứ 3 ở nam giới trên thế giới. Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan trên thế giới.
BS.TS. Vũ Trường Khanh - Phó trưởng khoa Tiêu Hóa bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Việt Nam cũng tương tự như vậy, ung thư đại tràng là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 sau ung thư dạ dày, ung thư phổi và ung thư gan.
Ung thư đại trực tràng là một trong những ung thư đường tiêu hóa có tiên lượng tốt, tuy nhiên, nếu được phát hiện muộn thì cũng giống như tất cả các loại ung thư khác, khả năng điều trị ít hiệu quả. Vì vậy, cần phát hiện khi ung thư còn ở giai đoạn sớm hoặc các tổn thương tiền ung thư.
Theo BS.TS. Vũ Trường Khanh, nếu phát hiện ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm có nghĩa là khi tế bào ung thư chỉ nằm tại lớp niêm mạc, thì có thể áp dụng phương pháp nội soi cắt tách dưới niêm mạc lấy bỏ toàn bộ vùng ung thư tại lớp niêm mạc mà vẫn giữ nguyên được đại trực tràng (Phương pháp này làm tương tự như đối ung thư dạ dày sớm: xem trong bài cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi điều trị ung thư dạ dày sớm và tiền ung thư).
Sau khi cắt tách niêm mạc bệnh nhân khỏi hoàn toàn mà không phải chịu phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại tràng, đồng thời bệnh nhân không phải dùng tia xạ hoặc hoặc hóa chất để điều trị.
Ung thư đại tràng trực tràng có thể gặp ở bất cứ vị trí nào của đại tràng: trực tràng, đại tràng sigma, đại tràng xuống, đại tràng ngang, đại tràng lên và manh tràng. Đại tràng sigma và trực tràng tương ứng với vùng hạ vị hay vùng trên xương mu và dưới rốn. Đại tràng xuống tương ứng với bên trái của ổ bụng. Đại tràng ngang tương ứng với vùng dưới mũi ức và trên rốn hay vùng thượng vị. Đại tràng lên tương ứng với vùng bên phải của ổ bụng. Manh tràng tương ứng với hố chậu phải hay ngang với bên phải của rốn. Khoảng 42% ung thư đại tràng nằm tại vị trí đại tràng phải, bao gồm: manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, gần 60 % ung thư năm tại đại tràng trái bao gồm: đại tràng xuống, đại tràng sigma và trực tràng.
Ảnh minh họa. |
Nguyên nhân gì gây ung thư đại, trực tràng?
Cho tới nay cũng giống như nhiều loại ung thư khác người ta cũng chưa biết được nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng. Trên 75-95% ung thư đại trực tràng xuất hiện ở những người mà không có liên quan tới yếu tố về gen.
Phần lớn ung thư đại trực tràng xuất hiện từ các polyp ung thư hóa. Polyp tuyến là loại hay ung thư hóa khi mà kích thước > 1cm.
Những người mà có bố mẹ và anh em ruột bị ung thư đại trực tràng thì khả năng người đó bị ung thư đại trực tràng cao gấp 2-3 lần so với người không có tiền sử gia đình bị ung thư đại trực tràng.
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng: nam giới hay bị hơn nữ, người lớn tuổi hay bị hơn so với người trẻ tuổi.
Dấu hiệu ung thư trực tràng
Ung thư đại tràng điển hình biểu hiện bằng đi ngoài ra máu, ỉa lỏng phân lẫn máu như máu cá nhưng cũng có khi ỉa nhiều máu, đau bụng. Tùy theo vị trí của ung thư mà có vùng đau tương ứng khác nhau.
Bệnh nhân có thể ỉa lỏng ngày một hoặc nhiều lần, cũng có thể táo bón: 2 hoặc hoặc 3 ngày đi ngoài một lần phân cứng hoặc phải rặn nhiều khi đại tiên, khuân phân có thể nhỏ hơn bình thường.
Gầy sút là biểu hiện muộn, có thể chán ăn, buồn nôn. Đối với ngời lớn tuổi (>50 tuổi) khi có đại tiện phân máu thì trước khi chẩn đoán bị bênh trĩ bao giờ cũng phải loại trừ người đó có ung thư đại trực tràng hay không.
Lưu ý trước và sau nội soi đại tràng
BS.TS. Vũ Trường Khanh cho biết, bữa tối trước ngày soi đại tràng bệnh nhân ăn bình thường, nhưng không ăn rau và chất xơ
- Đối với người đại tiện hành ngày bình thường: bệnh nhân uống thuốc rửa ruột trong khoảng 3 giờ.
- Đối với người bị táo bón: cần uống thuốc nhuận tràng làm mềm phân trong 3-4 ngày để giúp bệnh nhân đi ngoài bình thường trước khi soi.
- Đối với bệnh nhân nghi bán tắc ruột: như đau bụng thành cơn, không đại tiện được không được cho dùng thuốc rửa ruột mag phải thụt tháo làm sạch đại tràng trước khi soi.
- Đối với những người trên 50 tuổi nên xét nghiệm công thức máu và đông máu trước khi nội soi, vì nếu phát hiện có polyp sẽ tiên hành cắt luôn trong quá trình nội soi, tránh cho bệnh nhân phải nội soi lần sau.
Đối với nội soi đại tràng có tiền mê và gây mê, sau khi soi bệnh nhân không tự điều khiển các phương tiện giao thông.
Cũng theo TS. Khanh, cho tới nay không có xét nghiệm nào có khả năng dự báo là một người bị ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm, ngay cả với xét nghiệm CEA (Carcinoembryonic antigen). CEA có thể tăng trong máu ở người ung thư tụy, ung thư dạ dày, ung thư tuyến giáp, ung thư vú và tăng cả trong những bệnh không bị bệnh ung thư như: viêm loét đại tràng chảy máu, xơ gan, bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh crohn và suy tuyến giáp.
Chính vì vậy, CEA cũng được khuyến cáo không nên sử dụng như một xét nghiệm để sàng lọc phát hiện ung thư đại tràng. Như vậy, để phát hiện sớm và chữa khỏi ung thư đại tràng thì cách tốt nhất là nội soi đại tràng toàn bộ, đặc biệt là đối với người có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.