Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những điều cần biết về hiện tượng ChatGPT

Thanh Hà| 09/02/2023 07:55

(HNMO) - Ngay trong những ngày đầu năm mới 2023, sản phẩm của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) - ChatGPT do Công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển dưới dạng chatbotAI đã trở thành một hiện tượng đối với người yêu thích công nghệ và cộng đồng mạng.

Biểu tượng ChatGPT của Công ty OpenAI. Ảnh: Internet.

Nên coi ChatGPT chỉ là một nguồn tham khảo

Anh Nguyên Huy, làm việc tại một công ty truyền thông ở Hà Nội chia sẻ: “Tôi thử nhiều dạng câu hỏi, đề tài với ChatGPT. Cảm nhận chung, ChatGPT phản hồi thông tin về công nghệ khá ổn, tuy nhiên với thông tin xã hội dường như chưa chuẩn. Có lẽ ứng dụng này cần thời gian để “nạp” thêm dữ liệu”.

Không giấu được sự thất vọng sau khi cùng nhóm đồng nghiệp ra đề bài cho ChatGPT “viết đoạn văn về tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố”, chị Hoài Thanh, nhân viên một ngân hàng thương mại tại Hà Nội nhận xét: “Cùng câu hỏi, nhưng mỗi người nhận được kết quả khác nhau. ChatGPT đưa ra thông tin không chính xác, nhầm lẫn tên tác giả, tác phẩm, nêu sai ý nghĩa tác phẩm…”.

Nhiều người dùng nhận được câu trả lời không chính xác từ ChatGPT về tác phẩm "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố.

Theo chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC, thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông), OpenAI sử dụng các bộ dữ liệu có sẵn được thu thập từ nhiều nguồn để “dạy” ChatGPT. Do vậy, ChatGPT hiện chỉ có thể xem như một nguồn thông tin tham khảo, kết hợp kiểm chứng thêm bằng những nguồn khác. Người dùng không nên quá tin tưởng vào ChatGPT, bởi độ chính xác của câu trả lời còn hạn chế.

Tận dụng ChatGPT ở một số lĩnh vực

Ảnh minh họa. Internet.

Cũng theo vị chuyên gia bảo mật này, hacker đang sử dụng ChatGPT cho các mục đích xấu, như viết các nội dung email lừa đảo, fake news, gợi ý tạo ra các mã độc.

Thậm chí, sự phát triển nhanh của AI sẽ tạo thêm một loạt hình thức lừa đảo mới, như sử dụng công nghệ để giả giọng con người hoặc che đậy danh tính thực nhằm mục đích lừa đảo, phá hoại, bôi nhọ người khác hay "qua mặt" các hệ thống an ninh.  

“Công nghệ luôn tồn tại hai mặt sáng và tối. Do vậy, nếu không có sự sàng lọc về dữ liệu, hay dữ liệu đầu vào không chuẩn, ChatGPT sẽ trở thành thảm họa. Ngược lại, nếu được cung cấp nguồn dữ liệu “đầu vào” tốt, ChatGPT sẽ ngày càng trở nên thông minh và được sử dụng rộng rãi hơn ở nhiều lĩnh vực...”, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu nhấn mạnh. 

Đến nay, các chuyên gia công nghệ đều cho rằng, ChatGPT đã trở thành một hiện tượng nhờ khả năng đọc hiểu câu hỏi về nhiều lĩnh vực khác nhau và hồi đáp nhanh chóng. Thực tế thì chỉ sau 5 ngày ra mắt, ChatGPT đã có 1 triệu người sử dụng; sau 2 tháng đạt 100 triệu người dùng, điều mà các ứng dụng nổi tiếng phải mất nhiều thời gian hơn mới đạt được.

So với các chatbot hiện nay, ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi liên quan đến kiến thức, tạo các đoạn văn bản tự động theo yêu cầu, dịch văn bản từ ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác... do vậy có thể được ứng dụng vào nhiều mục đích khác nhau, đặc biệt là ở vai trò của một trợ lý ảo hoặc các hệ thống tổng đài tự động chăm sóc khách hàng. Nhiều dự đoán ChatGPT sẽ tạo ra các đoạn văn bản bằng AI theo một cách rất giống con người, tương tự như trào lưu vẽ tranh bằng AI được người dùng đón nhận. Trong tương lai không xa, việc giao tiếp với ChatGPT còn có thể tiến thêm một bước với sự xuất hiện của trợ lý ảo có diện mạo và giọng nói sống động. 

Tuy nhiên, chất lượng và độ chính xác của câu trả lời do hệ thống tạo ra phụ thuộc vào quá trình đào tạo AI từ nguồn dữ liệu “đầu vào”. Vì vậy, các chuyên gia công nghệ cho rằng, ChatGPT chỉ có thể hỗ trợ con người trong một số khía cạnh, công việc mang tính chất tổng hợp, lặp đi lặp lại và không có khả năng thay thế con người. Các thuật toán của AI vẫn chưa thể tạo ra những nội dung có chất lượng cao, đặc biệt là ở những lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm, chuyên môn sâu và khả năng sáng tạo.

Chia sẻ về sự ra đời của ChatGPT, ông Nguyễn Mạnh Quý - Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel cho rằng, ChatGPT là một trong những chatbot thông minh nhất hiện nay và là một bước đột phá mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Các công ty công nghệ tại Việt Nam có thể tận dụng những công nghệ lõi về trí tuệ nhân tạo của các tập đoàn lớn trên thế giới để phát triển những sản phẩm của riêng mình. Hiện Viettel đang tập trung nghiên cứu phát triển AI với 3 lĩnh vực chính: Xử lý tiếng nói và ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và phân tích dữ liệu. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những điều cần biết về hiện tượng ChatGPT

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.