(HNM) - Sau khi ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2017, Bộ GD-ĐT đã có những phân tích sâu hơn về những điểm mới so với quy định của năm trước đó và đưa ra những lưu ý để tránh nhầm lẫn và bỡ ngỡ cho thí sinh cũng như các trường.
Cổng thông tin hỗ trợ lọc thí sinh ảo
Theo Bộ GD-ĐT, Quy chế tuyển sinh 2017 có điểm mới đáng lưu ý đầu tiên đối với việc xét tuyển đợt 1 là thí sinh sẽ được đăng ký xét tuyển cùng với thời gian đăng ký dự thi; không bị giới hạn số lượng nguyện vọng, số trường khi đăng ký xét tuyển; các nguyện vọng của thí sinh được sắp theo thứ tự ưu tiên.
Đặc biệt, sau khi có kết quả thi THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong thời hạn quy định và được xét trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển theo quy định của trường.
Tư vấn tuyển sinh đại học năm 2016 tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải. Ảnh: Thái Hiền. |
Đối với các trường, điểm mới quan trọng nhất là có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Một trong những yêu cầu đối với các nhà trường là phải xây dựng đề án tuyển sinh, trong đó, phải công khai thông tin của nhà trường về điều kiện bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm và các trang thiết bị chính yếu, học liệu), đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo... Bộ GD-ĐT tiếp tục tạo điều kiện để các trường được tự nguyện phối hợp thành nhóm trường để thực hiện việc xét tuyển.
Để giảm lượng thí sinh ảo, danh sách thí sinh trúng tuyển của các trường sẽ được nhập lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT để hệ thống tự động loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh và giữ lại nguyện vọng cao nhất cho thí sinh. Cổng thông tin tuyển sinh sẽ hỗ trợ thí sinh và các trường trong công tác tuyển sinh, bao gồm các thông tin về: Chỉ đạo điều hành công tác tuyển sinh; cơ sở dữ liệu về kết quả kỳ thi THPT quốc gia; đề án tuyển sinh/điều kiện tuyển sinh của các trường; hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh và các thông tin khác cần thiết cho công tác tuyển sinh.
Bộ GD-ĐT khẳng định: Những thay đổi trong Quy chế tuyển sinh không làm ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị đăng ký xét tuyển đại học của thí sinh. Những thay đổi này được thực hiện theo nguyên tắc và lộ trình hướng tới sự tự chủ trong tuyển sinh của nhà trường và mở rộng nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh.
Cần tham khảo điểm chuẩn trong 2-3 năm
Về việc không bỏ điểm sàn như đã từng dự tính, Bộ GD-ĐT cho biết: Dự thảo ban đầu đã không đưa ra vấn đề bỏ điểm sàn, Bộ chỉ dự kiến không quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào chung mà giao về cho các trường tự quy định cho phù hợp với điều kiện của từng trường và yêu cầu của từng ngành đào tạo. Dự kiến này là có cơ sở, tuy nhiên xã hội chưa yên tâm về việc để cho các trường tự xác định chất lượng đầu vào.
Vì vậy, năm 2017, Bộ yêu cầu tất cả các trường đều phải xây dựng đề án tuyển sinh, công khai thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng. Năm 2018, các trường sẽ phải bổ sung thêm thông tin về tỷ lệ việc làm của sinh viên sau một năm tốt nghiệp để giúp thí sinh có thông tin tham khảo khi đăng ký xét tuyển, xã hội sẽ giám sát việc thực hiện các điều kiện bảo đảm chất lượng của các trường. Trên cơ sở đó, từ năm 2018, các trường sẽ tự xác định điểm sàn.
Theo Quy chế tuyển sinh năm 2017, thí sinh được đăng ký xét tuyển ngay từ lúc đăng ký dự tuyển và các sở GD-ĐT cũng phải tham gia sâu vào công tác tuyển sinh. Năm nay, Quy chế quy định Sở có quyền và trách nhiệm phối hợp thực hiện các công việc tiếp nhận đăng ký xét tuyển ban đầu của thí sinh, thu lệ phí, nhập dữ liệu đăng ký xét tuyển ban đầu lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, tiếp nhận điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh sau khi có kết quả thi THPT quốc gia và nhập dữ liệu điều chỉnh lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ.
Sự tham gia của Sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong việc liên lạc, sửa sai, bổ sung, điều chỉnh đăng ký xét tuyển. Cơ sở dữ liệu về tuyển sinh cũng được các trường và Bộ cập nhật, nếu có sai sót thì sẽ được phần mềm báo lỗi.
Để đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT lưu ý, trước hết, thí sinh cần xác định ngành nghề mà mình yêu thích (có sở trường, có khả năng và mong muốn được làm việc). Sau đó, thí sinh xác định những trường đang đào tạo ngành nghề đó để lựa chọn từ 1 đến 3 trường phù hợp, gồm một trường ở mức cao hơn khả năng có thể đạt được để phấn đấu; một trường ở mức trung bình, bằng với khả năng của thí sinh, và một trường ở mức hơi thấp hơn khả năng để đề phòng rủi ro.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.