(HNMCT) - Để có thể tồn tại trước những biến đổi lớn lao về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, hầu hết các cộng đồng đều nỗ lực thay đổi không ngừng để thích nghi với thực tại. Có không ít cộng đồng tuy đã cố gắng thay đổi nhưng vẫn thất bại rồi lụi tàn. Thế nhưng cũng có khi, sự đổi đời lại đến với cả cộng đồng một cách hết sức tình cờ, dễ dàng chỉ bằng việc... sơn lại nhà.
Guatapé - Colombia
Thị trấn Guatapé (tỉnh Antioquia, Colombia) tuy có phong cảnh tuyệt đẹp nhờ vào hồ nước nhân tạo Embalse Guatapé nhưng lại nằm ở một vùng đồi núi hẻo lánh, gần như cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Người dân Guatapé là hậu duệ của những thổ dân da đỏ bản địa vốn có phong tục lấy nhựa cây làm sơn tường, tuy nhiên, trải qua thời gian, phong tục này cũng mai một dần. Để khôi phục truyền thống của cha ông, họ đã tìm lại công thức pha chế sơn cổ của tổ tiên, từ đó tiến tới thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thị trấn. Mặt tiền những ngôi nhà liền kề một tầng nay trở thành nền để các họa sĩ địa phương thể hiện trí sáng tạo. Từ mô típ trang trí truyền thống đến cảnh sinh hoạt hằng ngày của người dân đều được sơn lên tường bằng những gam màu bắt mắt.
Bất kỳ ai đến Guatapé cũng có cảm giác như mình đang lạc vào một thế giới trong tranh. “Tiếng lành đồn xa”, chẳng mấy chốc khách du lịch trên khắp Colombia tìm đến Guatapé nhằm tận mắt chiêm ngưỡng những ngôi nhà ngộ nghĩnh.
Balat - Thổ Nhĩ Kỳ
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định chuyển thủ đô từ Istanbul về Ankara, vị thế của Istanbul dần đi xuống. Để thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ, chính quyền địa phương đưa vào thực hiện một dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Phường Balat, khi đó bị xem là một khu “ổ chuột” với những ngôi nhà xuống cấp, nằm trong số những nơi sẽ bị giải phóng mặt bằng toàn bộ. Để cứu vãn khu phố, người dân Balat đã quyên góp tiền để cải tạo lại những ngôi nhà 50 tuổi, thậm chí là 100 tuổi. Họ bắt đầu sơn chúng bằng những màu nổi bật nhất. Điều này khiến nhiều người cảm thấy kỳ lạ, vì khi đó kiến trúc Thổ Nhĩ Kỳ nghiêng về màu trung tính. Tuy vậy, tính toán của người dân địa phương đã đem lại “quả ngọt”. Balat trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch đến Istanbul. Họ thường ngồi ở một trong nhiều quán cà phê kiểu cổ, ngắm nhìn những căn nhà màu sắc.
Santa Marta - Brazil
Brazil là quốc gia mà khoảng cách giàu - nghèo thể hiện rất rõ. Tại Rio de Janero, người lao động nghèo gần như bị cô lập trong những khu “ổ chuột” xuống cấp và đầy rẫy tệ nạn. Khu Santa Marta nằm ở phía nam Rio de Janero là một trong những nơi như vậy. Để động viên tinh thần của người dân, một nhóm bạn trẻ cùng 2 họa sĩ đến từ Hà Lan nảy ra ý tưởng sơn lại và vẽ tranh tường cho 34 ngôi nhà trong khu. Đây chính là “ngòi nổ” để kéo Santa Marta ra khỏi sự nghèo khổ. Khách du lịch bắt đầu đổ đến Santa Marta để chụp ảnh những ngôi nhà nói trên. Ca sĩ nổi tiếng Michael Jackson từng đến đây để thực hiện MV They Don't Care About Us. Nhờ thế, chính quyền Rio de Janero sau đó đã đầu tư xây dựng cho người dân hệ thống điện chiếu sáng, nước sạch và cả cáp treo từ dưới chân đồi lên.
Juzcar - Tây Ban Nha
Trường hợp của ngôi làng Juzcar có phần “tréo ngoe” hơn những trường hợp kể trên. Đã từ lâu Juzcar và khu vực thung lũng Valle del Genal xung quanh là điểm đến của khách du lịch Tây Ban Nha muốn tìm một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi. Khung cảnh hoang sơ biến nơi đây trở thành bối cảnh lý tưởng cho bộ phim Xì Trum (2011), phim chuyển thể từ series truyện tranh cùng tên của Pháp. Sau khi quay xong tại Juzcar, các nhà sản xuất bộ phim đã thuyết phục người dân sơn lại từ nhà ở đến nghĩa địa toàn một màu xanh lục như một cách để quảng bá cho bộ phim.
Kế hoạch của họ đã thành công và lượng khách du lịch đổ đến Juzcar tăng trông thấy. Đây giống như một món quà từ trên trời rơi xuống trong bối cảnh cả nền kinh tế Tây Ban Nha trong cơn suy thoái. Vì thế mà trưởng làng David Fernandez quyết định biến Juzcar trở thành ngôi làng Xì Trum đúng nghĩa. Người dân lập cả một viện bảo tàng cho những nhân vật của series truyện tranh này. Những cửa hàng đồ lưu niệm mọc lên để bán cho khách du lịch những chiếc áo, đồng hồ... in hình Xì Trum. Thậm chí nhà hàng duy nhất trong làng cũng phục vụ món mì ý nhuộm màu xanh lục. Hiện nay, ngôi làng đón trung bình khoảng 250 lượt khách mỗi ngày.
Rõ ràng, không chỉ làm đẹp cho cảnh quan và nâng cao tinh thần mọi người, việc thay đổi vẻ bề ngoài của những khu phố cũ một cách ấn tượng còn thúc đẩy du lịch phát triển, từ đó tạo thu nhập ổn định cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.