Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những con số biết nói

Phong Thu| 12/04/2011 06:55

(HNM) - Những năm gần đây, các cơ quan hành chính nhà nước đã đẩy mạnh thực hiện việc công khai, minh bạch, giúp người dân tiếp cận tốt hơn với cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới nhất về vấn đề này cho thấy, việc làm này chưa đạt yêu cầu, cũng như chưa làm giảm động cơ tham nhũng của cán bộ, công chức.


Thiếu công khai, minh bạch


Nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho công dân tại bộ phận một cửa liên thông Sở KHĐT - Cục Thuế - Công an TP. Ảnh: Linh Tâm


Đầu tháng 4 vừa qua, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã công bố kết quả điều tra về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2010. Kết quả này cho thấy, trong 30 tỉnh, thành phố được khảo sát, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đứng đầu bảng. Các tỉnh Yên Bái, Kon Tum đứng cuối bảng. Lâu nay, lĩnh vực đất đai vốn thiếu minh bạch nên nhóm nghiên cứu đã chọn kế hoạch sử dụng đất làm một chỉ số đo tầm quan trọng và khả năng ảnh hưởng của nó đến đời sống nhân dân. Quy hoạch sử dụng đất không minh bạch được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, nhất là khi đất thổ cư và đất nông nghiệp đang được chuyển đổi cho các mục đích phát triển kinh tế với tốc độ nhanh chóng. Đáng buồn là tỷ lệ người dân biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay của xã, phường nơi họ đang cư trú thấp: chưa đến 25% số người ở 2/3 số tỉnh, thành phố được khảo sát biết thông tin về vấn đề này. Kể cả ở những tỉnh, thành phố có số người biết cao nhất như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Long, con số này cũng chỉ vào khoảng 30-45%; còn ở Kiên Giang, Cao Bằng, Điện Biên chỉ là 10%. Về mức độ "dân bàn", chỉ có 10,4% trong tổng số người trả lời có góp ý cho biết là ý kiến của họ đã được tiếp thu; tỷ lệ này là 0% ở 8 tỉnh (Đồng Nai, Yên Bái, Lai Châu, Hà Nam, Nam Định, Hà Tĩnh, Phú Yên và Tiền Giang). Hải Phòng là thành phố duy nhất có chỉ số này cao, với 67,5% số người đã góp ý kiến cho rằng ý kiến của họ đã được tiếp thu. Việc biết giá đền bù đất chính thức do chính quyền địa phương phê duyệt là chỉ số được xem như thước đo hữu hiệu và trực tiếp về công khai, minh bạch cũng cho thấy tỷ lệ không cao. Chỉ có 39,4% số người trả lời biết đến đâu để tìm thông tin. Tỷ lệ này đạt mức cao nhất ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Yên và Nam Định (với trên 50%) và giảm dần xuống 20% ở các thành phố khác và Lạng Sơn chỉ có 5% số người được hỏi biết tìm đến địa chỉ cung cấp thông tin.

Phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả

Về phòng, chống tham nhũng, PAPI chia thước đo hiệu quả kiểm soát tham nhũng thành 4 nội dung, trong đó có 3 loại hình mà người dân Việt Nam gặp phải nhiều nhất: tham nhũng trong chính quyền địa phương; tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; thân quen trong tìm việc làm tại cơ quan nhà nước. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, kiểm soát tham nhũng có mức độ biến thiên cao nhất trong tất cả các nội dung mà sự phân lớp giữa các tỉnh rất rõ. Các tỉnh khu vực phía Nam kiểm soát tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn (12 trong số 15 tỉnh đầu bảng đều thuộc khu vực phía Nam) và người dân phía Nam thường tận dụng hệ thống khiếu kiện chính thức nhiều hơn người dân miền Bắc. Về thước đo tổng thể kiểm soát tham nhũng, TP Hồ Chí Minh có kết quả tốt nhất, Kon Tum có kết quả kém nhất. Thực tế cho thấy, những địa phương có ít vụ việc tham nhũng thường tạo điều kiện tốt cho con người phát triển. Trong số 30 tỉnh được khảo sát, không có tỉnh nào phủ nhận 100% các chỉ số liên quan đến tham nhũng. Các tỉnh Bình Định, Long An, Bình Phước có 50% số người trả lời không có hiện tượng tham nhũng ở tất cả các chỉ số. Trong khi đó, Đà Nẵng, Hà Nội và Điện Biên lại có rất ít người phủ nhận tình trạng phải trả phí không chính thức khi sử dụng các dịch vụ y tế và giáo dục. Theo PAPI, tỷ lệ người biết về Luật Phòng, chống tham nhũng đạt mức trung bình là 45%. Tỷ lệ người dân biết về Luật Phòng, chống tham nhũng cao nhất là ở TP Hồ Chí Minh (66%), Đồng Nai (63%), Đà Nẵng (59%). Những tỉnh miền núi như Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái và Bắc Giang chỉ có dưới 25% số người được hỏi biết về luật này. Điều này cho thấy, công tác phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng chưa thực sự hiệu quả.

TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng cho rằng: Dù là lần đầu tiên PAPI được công bố và cũng chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng đây thực sự là những con số "biết nói" và các cơ quan công quyền cần nhìn vào đó để biết điểm mạnh, điểm yếu của mình để điều chỉnh, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những con số biết nói

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.