Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những chuyến xe đặc biệt của 115

Thu Hằng - Kim Vũ| 26/03/2020 06:58

(HNM) - Những ngày qua, khi Hà Nội chìm vào giấc ngủ, thì những chuyến xe cấp cứu 115 vẫn lao vút trong đêm để làm nhiệm vụ. Ngoài việc xử lý kịp thời các ca cấp cứu như ngày thường, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội còn làm nhiệm vụ đặc biệt - vận chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 (F0), đón người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 (F1) đưa đến bệnh viện và khu cách ly tập trung của thành phố. Trong những ngày "chống giặc", công việc tăng gấp 2-3 lần, nhưng các kíp trực luôn sẵn sàng, khi có lệnh là lên đường làm nhiệm vụ với quyết tâm chung tay đẩy lùi dịch Covid-19.

Lực lượng cấp cứu 115 sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ chống dịch bất kể ngày, đêm. Ảnh: Đỗ Hà

Sẵn sàng lên đường

"Nếu ngày bình thường, công việc chính của chúng tôi là đến nhà dân hoặc nơi có tai nạn trên địa bàn Hà Nội để cấp cứu, vận chuyển kịp thời bệnh nhân đến bệnh viện, thì từ ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 160 y, bác sĩ, lái xe… còn đảm nhiệm công việc vận chuyển bệnh nhân dương tính với Covid-19, các trường hợp F1 về bệnh viện và khu cách ly tập trung. Chúng tôi gọi đó là những chuyến xe đặc biệt", Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội Trần Anh Thắng bắt đầu câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới như vậy.

Quả thật nơi đây có rất nhiều điều đặc biệt, đầu tiên là những câu chuyện bị ngắt quãng của phóng viên với Phó Giám đốc Trung tâm khi anh liên tục phải chỉ đạo công việc qua điện thoại, rồi việc y, bác sĩ, lái xe xin lệnh cấp cứu, xử lý tình huống khi có trường hợp không chịu hợp tác... "Công việc của cấp cứu 115 là vậy đấy! Việc gì cũng phản ứng nhanh, chậm vài phút thôi là có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh", anh Thắng chia sẻ và cho biết, một ca trực cấp cứu của đội ngũ y, bác sĩ, lái xe kéo dài 24 giờ đồng hồ (từ 8h sáng hôm trước đến 8h sáng hôm sau). Tuy nhiên, do đặc thù công việc, có kíp trực phải làm đến 25-27 giờ đồng hồ mới kết thúc.

Để giúp phóng viên hình dung cụ thể công việc của các kíp trực, anh Thắng đưa chúng tôi vào nơi "trực chiến". 11h ngày 23-3, tại tầng 1 trung tâm, chiếc xe số 02, biển số 31A-8156 đã sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Chỉ sau vài phút nhận lệnh, chiếc xe hú còi rồi phóng vút về phía cuối phố Phan Chu Trinh. Đó là một kíp trực thực hiện nhiệm vụ đi đón một trường hợp F1 tại quận Thanh Xuân. Trên chuyến xe có bác sĩ, điều dưỡng và lái xe với những bộ quần áo bảo hộ kín mít.

Ngay khi xe số 02 xuất phát thì xe số 06, biển số 31A-8051 cũng tiến vào cổng trung tâm sau khi hoàn thành việc đưa các trường hợp từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đến khu vực cách ly tập trung. Xe dừng bánh, 3 thành viên kíp trực sử dụng đèn tia cực tím để đốt khử khuẩn, dùng máy sấy chống ẩm cho xe. Sau đó lái xe Đào Tiến Dũng cùng đồng nghiệp cởi bộ quần áo bảo hộ ra, vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước khi bước vào phòng trực, chuẩn bị cho các chuyến đi mới. "Chỉ cần nghe tiếng chuông báo có F1 phải đưa đi cách ly thì kíp trực của chúng tôi lập tức vào vị trí. Sau 5 phút là có thể lên đường. Có ca trực nhiều việc đến nỗi anh em tôi phải mặc vào và thay ra hơn chục bộ quần áo bảo hộ, nhưng ai nấy đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ", anh Dũng tâm sự.

Chia sẻ về những khó khăn trong công việc sau khi kết thúc ca trực với 24 giờ đồng hồ không được chợp mắt, Kíp trưởng cấp cứu Ngô Thị Bích Hạnh cho biết, nhiều người rất ủng hộ và hợp tác nhưng có những trường hợp rất khó khăn. "Đơn cử như một trường hợp F1 ở quận Hoàn Kiếm. Mặc dù trước đó người nhà chủ động thông báo với cơ quan chức năng để đưa đi cách ly, nhưng khi chúng tôi có mặt, người đàn ông thuộc diện F1 này nhất định không chịu hợp tác. Vì vậy, kíp trực buộc phải ra về. Đến sáng hôm sau, phải mất tới 2 tiếng vận động, thuyết phục, người đàn ông mới đồng ý cho lực lượng 115 đón về nơi cách ly tập trung", chị Hạnh kể.

“Muốn thắng giặc thì phải chiến đấu”

Đó chính là khẩu hiệu của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội kể từ khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp. "Sau khi Hà Nội ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên (bệnh nhân thứ 17) đến nay, công việc của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, lái xe nơi đây tăng lên gấp 2-3 lần so với ngày thường. Hiện nay, mỗi ca trực có trên 50 người, 15 kíp trực với 15 xe cấp cứu, tác chiến tại 5 khu vực quận, huyện: Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Long Biên, sẵn sàng chờ lệnh để lên đường", Phó Giám đốc Trung tâm Trần Anh Thắng chia sẻ.

Được biết, từ ngày 7-3 đến nay, đa số các cuộc điện thoại gọi đến Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đều liên quan đến dịch Covid-19. Sau khi sàng lọc, phân loại các trường hợp, tổng đài viên sẽ lập danh sách những trường hợp F1, báo cáo lãnh đạo trung tâm để thực hiện nhiệm vụ thu dung ngay lập tức. Đối với những trường hợp khác sẽ báo về địa phương để nắm tình hình và lưu hồ sơ. 

Công việc nhân lên, khi làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 toàn bộ kíp trực phải mặc bộ đồ bảo hộ phòng dịch. Có những ngày, một kíp trực phải đón các trường hợp F1 đưa đến khu cách ly tập trung và cấp cứu ngoại viện tới 12-13 chuyến, không ai được nghỉ ngơi, thế nhưng ai cũng xác định "muốn thắng giặc thì phải chiến đấu". Theo Phó Giám đốc Trung tâm Trần Anh Thắng, sau mỗi chuyến làm việc thâu đêm, mỗi người đều tranh thủ ngả lưng. Nhưng có nhiều kíp trực, vừa chợp mắt được vài phút thì lại có chuông báo lên đường. Với nỗ lực, trách nhiệm của mình, tính đến 7h ngày 25-3, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đã tham gia vận chuyển hơn 1.130 trường hợp F0, F1 trên địa bàn Hà Nội.

Đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, lái xe của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền ghi nhận, ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Hà Nội, trung tâm đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Sở Y tế, thực hiện vận chuyển những trường hợp thuộc diện phải cách ly tập trung theo quy định đến nơi tổ chức cách ly của thành phố và khử khuẩn phương tiện vận chuyển tránh lây nhiễm chéo, bảo đảm phòng hộ cho nhân viên y tế theo đúng quy định.

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, do đó công việc của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng lái xe... của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội thời gian tới sẽ còn vất vả. Và sẽ còn nhiều chuyến xe làm nhiệm vụ đặc biệt của trung tâm góp phần đồng lòng, chung sức đẩy lùi Covid-19. Phó Giám đốc Trung tâm Trần Anh Thắng khẳng định, tập thể trung tâm tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đồng thời đề nghị, mỗi người dân Thủ đô đồng hành ủng hộ các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt là thực hiện nghiêm các khuyến cáo, nếu có dấu hiệu mắc Covid-19, phải tự cách ly, không đi lại, kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ, qua đó bảo vệ sức khỏe của bản thân và cả cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những chuyến xe đặc biệt của 115

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.