Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những chuyển động lớn từ dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh

An Tôn - Minh Sơn| 22/02/2023 07:36

(HNMO) - Các địa phương có tuyến Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh đi qua đang khẩn trương hoàn tất những phần việc cuối cùng để có thể đồng loạt khởi công tuyến đường quan trọng này trong nửa đầu năm 2023 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2026.

Sơ đồ toàn tuyến đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng bộ vào cuộc

Dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh dài hơn 76km, đi qua các tỉnh Bình Dương (10,76km), Đồng Nai (11,26km), Long An (6,8km) và thành phố Hồ Chí Minh (47,51km). Dự án có quy mô hoàn chỉnh gồm 8 làn xe cao tốc, đường song hành đô thị; tổng mức đầu tư hơn 75.378 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và địa phương. 

Tính đến tháng 2-2023, cả 4 tỉnh, thành phố nơi tuyến Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh đi qua đã hoàn thành công tác phê duyệt và bàn giao ranh giới dự án; đang lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phấn đấu bàn giao ít nhất 70% mặt bằng trong tháng 6 và 100% mặt bằng dự án trước ngày 31-12-2023.

Tỉnh Bình Dương đang triển khai thu hồi 85,86ha đất phục vụ dự án, ảnh hưởng tới 1.600 hộ dân và tổ chức với tổng kinh phí hơn 13.500 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 2-2023, tỉnh đã thông báo thu hồi đất và đang tiến hành định giá bồi thường.

Bình Dương đã chủ động hoàn thành hơn 15,3km đường Vành đai 3 từ tháng 5-2021.

Đáng chú ý, tỉnh Bình Dương đã chủ động thu hút vốn nhà đầu tư để hoàn thành hơn 15km đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh (đường Mỹ Phước - Tân Vạn) từ năm 2021. Phát huy tính chủ động, sáng tạo và mạnh dạn trong cách làm hạ tầng giao thông, tỉnh dự kiến khởi công dự án vào ngày 30-4-2023, sớm hơn so với yêu cầu của Chính phủ.

Tại tỉnh Long An, dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có tổng chi phí gần 1.200 tỷ đồng. UBND tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành nhằm thực hiện theo tiến độ là giữa tháng 4-2023, sẽ phê duyệt, triển khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đến tháng 6-2023 sẽ khởi công dự án.

Các địa phương đã cơ bản cắm xong mốc xác định ranh giới dự án.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang triển khai thu hồi hơn 412,5ha đất vùng dự án, ảnh hưởng tới 1.683 trường hợp; phấn đấu ban hành, thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ, giải tỏa mặt bằng trong tháng 4-2023; phấn đấu bàn giao khoảng 90% diện tích mặt bằng và khởi công dự án vào tháng 6-2023.

Về các dự án thành phần xây dựng, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, tính đến tháng 2-2023, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An đã phê duyệt cơ bản. Tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương đang hoàn tất thủ tục phê duyệt.

Giải quyết những tồn đọng

Tính đến tháng 2-2023, Đồng Nai là địa phương duy nhất còn gặp vướng mắc trong triển khai thu hồi giải tỏa mặt bằng cho dự án đường Vành đai 3 qua địa phương này (gồm cả đoạn tuyến do tỉnh triển khai và đoạn tuyến dự án thành phần 1A do Bộ Giao thông Vận tải giao cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư).

Tỉnh Đồng Nai mới bàn giao được 20% diện tích mặt bằng cho chủ đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.

Cụ thể, với đoạn tuyến do địa phương thực hiện, tỉnh Đồng Nai chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về tim mốc ranh giới nên địa phương chưa thể hoàn thiện thủ tục để ban hành thông báo thu hồi đất. Với dự án thành phần 1A, tính đến tháng 2-2023, tỉnh mới bàn giao được 20% diện tích mặt bằng (khoảng 1km) cho chủ đầu tư thi công đoạn tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1). 

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, ban đầu, dự toán kinh phí giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1A là khoảng 358 tỷ đồng. Tuy nhiên, do quá trình thực hiện kéo dài khiến chi phí tăng lên hơn 650 tỷ đồng, nên cần điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án. Đây là nguyên nhân chính gây chậm trễ bàn giao mặt bằng.

Phối cảnh cầu Nhơn Trạch trên tuyến Vành đai 3 nối thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương phối hợp giải quyết các tồn đọng trong tháng 2-2023 để triển khai các dự án thành phần theo tiến độ.

Một vấn đề nữa là nguồn vật liệu xây dựng của dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh có thể bị thiếu hụt. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến dự án cần hơn 1,6 triệu mét khối đất đắp nền đường; hơn 7,2 triệu mét khối cát đắp nền đường; gần 1,5 triệu mét khối cát xây dựng và hơn 4,4 triệu mét khối đá xây dựng. 

Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với 5 địa phương phía Nam tạo nguồn cát cho dự án đường Vành đai 3.

Hiện nguồn đất đắp nền và đá xây dựng cơ bản được đáp ứng đủ, nhưng cát xây dựng mới chỉ đáp ứng được 70% khối lượng và cát đắp nền mới chỉ được cung ứng 50%. Nguyên nhân là nguồn cung từ một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt do các địa phương có ít mỏ khai thác và còn phải dành lượng cát lớn phục vụ các dự án hạ tầng giao thông khác của vùng và các địa phương.

Giữa tháng 2-2023, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị UBND 5 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp hỗ trợ nguồn cung cấp vật liệu phục vụ xây dựng đường Vành đai 3; đồng thời chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các bên liên quan triển khai các phần việc cần thiết để bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng cho dự án.

Nút giao 3 tầng An Phú, một nút giao lớn trên tuyến Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh.

Theo yêu cầu của Chính phủ, các địa phương nơi tuyến đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh đi qua phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ, làm tốt các mặt công tác, cố gắng khởi công dự án vào tháng 6-2023 để thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào tháng 6-2025, hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2026.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chuyển động lớn từ dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.