Tính đến giữa tháng 2-2025, tiến độ nhiều gói thầu xây dựng đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh đang đạt kết quả tốt và dự kiến sẽ "tăng tốc" thời gian tới.
Tại địa bàn thành phố Thủ Đức, các nhà thầu đang khẩn trương thi công 14km đường Vành đai 3, bao gồm cả các đoạn chạy trên cao và nút giao với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Nút giao này cũng là điểm đầu của đoạn tuyến và kết thúc tại nút giao Tân Vạn.
Trên đoạn tuyến này, đáng chú ý là gói thầu XL3 xây đường trên cao dài hơn 3km xuyên qua khu đô thị hiện hữu. Tính đến tháng 2-2025, các nhà thầu đã xây xong trụ cầu cạn, đang gác dầm một số đoạn để hoàn thiện. Gói thầu XL3 hiện đã đạt hơn 40% khối lượng công việc, phấn đấu hoàn thành cuối năm 2025.
Tại huyện Hóc Môn, tuyến Vành đai 3 dài hơn 10km, cắt qua các trục đường lớn như quốc lộ 22 và Nguyễn Văn Bứa trước khi tiếp tục vào huyện Bình Chánh. Được khởi công từ tháng 7-2023, đến nay, tiến độ cả đoạn tuyến nói chung và nhất là các gói thầu xây dựng cầu vượt qua quốc lộ 22 và đường Nguyễn Văn Bứa đang đạt tiến độ tốt, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Tại huyện Củ Chi, gói thầu đáng chú ý trong đoạn tuyến đường Vành đai 3 qua địa phương này là cầu Bình Gởi vượt sông Sài Gòn nối sang tỉnh Bình Dương. Theo quy hoạch, cầu Bình Gởi được xây dựng dài khoảng 1km, rộng 20m, có 4 làn xe, tổng mức đầu tư 570 tỷ đồng.
Công trình khởi công tháng 10-2023, dự kiến hoàn thành tháng 6-2025.
Đặc biệt, một gói thầu quan trọng của tuyến Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh đang đạt tiến độ thi công rất tốt, đó là đường dẫn và cầu Nhơn Trạch từ thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) vượt sông Đồng Nai nối sang huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai.
Cầu Nhơn Trạch và đường dẫn có tổng chiều dài 8,22km, bao gồm 6,3km qua tỉnh Đồng Nai và 1,92km qua thành phố Hồ Chí Minh. Dự án khởi công vào tháng 9-2022, tổng mức đầu tư hơn 6.955 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng trong nước, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài hơn 76km qua địa phận thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Đây là dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng của cả vùng Đông Nam Bộ và các vùng phụ cận.
Theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, năm 2025, dự án sẽ thông xe một số đoạn; thông xe kỹ thuật vào tháng 4-2026 và đưa vào khai thác toàn tuyến vào tháng 9-2026.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.