Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những chiến sĩ ngày ấy... bây giờ

NGUYỄN LÊ| 30/04/2018 07:44

(HNM) - Dù bị tù đày, bị kẻ thù đánh đập dã man đến sức tàn lực kiệt nhưng với tinh thần kiên cường, bất khuất, lớp lớp chiến sĩ chống Mỹ năm xưa đã cùng nhân dân ta làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


Người thương binh vượt khó

Chúng tôi đến thăm thương binh Ngô Tấn Quân (ngụ phường 9, quận 11) vào những ngày cuối tháng 4. Ông tham gia cách mạng từ năm 1964 - khi mới 14 tuổi, hiện là thương binh thời kháng chiến chống Mỹ. Ông kể, sau Mậu Thân (cuối năm 1968), trong lúc chiến đấu với địch ở nội thành Sài Gòn, ông bị địch bắt. “Trong những năm tháng giam cầm, tôi bị địch đánh đập, tra tấn dã man. Chúng lột da đầu gối, bẻ gãy xương sườn hòng bắt khai đồng đội, căn cứ. Nhưng dù thân thể chịu đau đớn như thế nào, tôi vẫn kiên định. Sau ngày 3-9-1969, toàn khu tù chính trị ở Nhà tù Chí Hòa đồng loạt để tang Bác Hồ suốt tuần lễ, chúng bắt và đánh đập anh chị em tù chính trị dã man. Tôi bị chúng biệt giam cùng hơn 200 anh chị em khác. Sau đó chúng đày đi Côn Đảo bởi tôi nằm trong danh sách số tù ngoan cố nhất”, ông Ngô Tấn Quân kể.

Ngày 30-4-1975, xe tăng của Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, tiến vào bắt sống Tổng thống ngụy Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh tư liệu


Sau ngày hòa bình lập lại, ông về công tác tại Quận đội quận 11. Do di chứng từ những năm tháng tù đày, tra tấn, sức khỏe rất kém, ho, suyễn thường xuyên, nhưng giai đoạn này ông trở thành tấm gương sáng về câu chuyện thương binh vượt khó. Ban ngày công tác, ban đêm ông cố gắng học bổ túc văn hóa. Có những hôm mưa tầm tã, con hẻm vào trường nước ngập lênh láng, nhưng ông vẫn dầm mưa, lội nước, với chiếc xe đạp cọc cạch bám lớp, bám trường, không bỏ học đêm nào. Kết quả thi cấp 2 ông đạt thủ khoa thành phố, rồi tiếp tục lấy bằng cấp 3 loại giỏi. Nhưng sau đó ông đổ bệnh nặng, phải cấp cứu và nhập viện. Dù vậy, ông vẫn quyết tâm và cuối cùng đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh với bằng cử nhân loại khá.

Tôi hỏi: “Kinh tế gia đình khó khăn, làm sao ông có thể vừa đi làm, vừa học, vừa nuôi được các con ăn học?”. Ông nhẹ nhàng: “Tôi tranh thủ đi đàn cổ nhạc ở các quán ăn, từ 17h đến 23h, được quán cho ăn một bữa cơm, mỗi đêm trả 30.000 đồng. Được cái tiền khách “bo” trung bình 100.000 - 200.000 đồng/đêm. Thu nhập này gấp 5 lần lương của chuyên viên 4 nên tạm đủ lo cho gia đình”.

Có bằng cử nhân kinh tế, năm 2005, Thành ủy TP Hồ Chí Minh điều ông về công tác tại Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - phù hợp với chuyên môn mà ông được đào tạo. Từ thời điểm này ông có “điều kiện” để “sống cho người khác”. Với cương vị là Phó Tổng Giám đốc, ông đã vận động cán bộ công nhân viên toàn tổng công ty góp ngày công lao động (thành tiền) để trao tặng hàng trăm căn nhà tình nghĩa, tình thương (mỗi năm hơn 5 tỷ đồng) cho gia đình các đồng chí, đồng đội. Mặc dù sức khỏe không được tốt, các vết thương vẫn tái phát thường xuyên, nhất là khi thời tiết thay đổi, nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với những đóng góp của mình, ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Trong một ngày năm 2012, ông bất ngờ phải đi cấp cứu bởi chứng ho tối mày tối mặt. Các bác sĩ đã tầm soát và phát hiện ông bị ung thư thanh quản. Dù không thể nói chuyện được, phải ăn bằng ống, thở bằng ống nhưng hiện ông vẫn cùng chi bộ góp quỹ chăm lo các gia đình nghèo, trao học bổng cho các cháu thiếu niên trong khu phố, trong phường...

“Tôi chưa hưu ngày nào”

Trong khi đó, dù đã 75 tuổi nhưng bà Ngô Thị Cẩm Tiên (nữ chiến sĩ giao liên kháng chiến chống Mỹ, bí danh Chính Nghĩa), hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến quận 11 vẫn tất bật chăm lo đời sống cho các cựu chiến binh, những đồng chí, đồng đội hiện đã hưu trí tại địa phương. Gặp chúng tôi vào một buổi chiều cuối tháng 4, bà Chính Nghĩa nói ngay: “Tôi chưa hưu ngày nào!”. Từng tham gia phong trào học sinh - sinh viên Cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, rồi làm chiến sĩ giao liên và bị địch bắt tù đày. Cũng giống như ông Ngô Tấn Quân, nữ chiến sĩ Chính Nghĩa bị địch tra tấn rất dã man. Di chứng để lại sau đó khiến bà lập gia đình nhưng không thể sinh con.

Điều khiến chúng tôi ấn tượng sâu sắc là những chuỗi ngày bà âm thầm, miệt mài vận động từng đồng để chăm lo những thương bệnh binh, đồng đội thông qua Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến quận 11. “Lúc đó, Câu lạc bộ không có đồng quỹ nào, nhiều đêm tôi không ngủ, trằn trọc suy nghĩ không biết kiếm đâu ra tiền. Vận động chính quyền, mặt trận, hay doanh nghiệp, nhà hảo tâm rất khó vì không quen biết ai, tôi liền quyết định “xin” tiền những người bạn từng ngồi tù chung khi bị địch bắt năm xưa. Tuần đầu tiên, muốn thăm bệnh ai phải đi “xin” tiền. Tôi chấp nhận “đụng đâu xin đó” để Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến có kinh phí chăm lo cựu chiến binh”, bà Chính Nghĩa kể. Có lần, ngay trong đám giỗ, sau chia sẻ thẳng thắn của bà, một người từng quen biết đang làm giám đốc một công ty gia công thủy tinh đã ủng hộ ngay 5 triệu đồng cho Câu lạc bộ.

Sau đó, bà Chính Nghĩa liền đề xuất làm hai thư ngỏ vận động kinh phí, một thư ngỏ gửi các cơ quan Đảng; một thư ngỏ mời doanh nghiệp, “Mạnh Thường Quân”. Năm 2002, bà cầm thư ngỏ lên gặp trực tiếp Bí thư, Chủ tịch UBND quận 11 đề nghị hỗ trợ kinh phí. Nhờ cố gắng này của bà, Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến được “rót” kinh phí 122.000.000 đồng/năm. Đến nay, kinh phí tăng lên 222.000.000 đồng/năm.

Khi được hỏi vì sao bà lại gắn bó bền bỉ với công việc này đến vậy, bà Chính Nghĩa giãi bày: “Nhờ có nguồn quỹ này mà Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến đã duy trì thăm nom, hỗ trợ bệnh đau, ma chay cho các bác, các anh, các chị cựu chiến binh. Dù vật chất không đáng bao nhiêu nhưng đó là niềm động viên rất lớn, như một sự ghi nhận công lao to lớn của họ. Đâu phải ai rời khỏi chiến trường về lại cuộc sống đời thường đều biết làm kinh tế. Số người có đời sống khá giả rất ít, đa phần rất nghèo. Nhiều người không có con cái do di chứng chiến tranh, họ cô đơn và thiếu thốn lắm”, bà Chính Nghĩa nghẹn giọng.

Rồi thoáng chốc, ánh mắt bà sáng lên khi “khoe” thành tích của Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến qua việc chắt chiu nguồn quỹ ít ỏi để mừng thọ các cụ. Bà Chính Nghĩa bộc bạch: “Nhiều cụ cầm phong bì mừng thọ chỉ vài chục nghìn đồng cũng vui rồi. Quan trọng không phải vật chất mà chính là nghĩa tình đồng đội, sự ghi nhận công lao của thế hệ sau đối với thế hệ đi trước đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của dân tộc”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những chiến sĩ ngày ấy... bây giờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.