Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những cây cầu nối nhịp bờ vui

Đức Hải| 20/02/2015 15:33

(HNM) - Mới sáng ra mà nóng đã gay gắt, báo hiệu mùa khô khắc nghiệt đang tới. Nắng lấp loáng trên sông Tiền, loang từng vệt sẫm trên lưng áo đồng phục thợ cầu... Vậy mà gương mặt đen sạm, lấm tấm mồ hôi của Đội trưởng Đội Công trình 8 Trần Quang Tiến lại bừng sáng nụ cười

1. Mới sáng ra mà nóng đã gay gắt, báo hiệu mùa khô khắc nghiệt đang tới. Nắng lấp loáng trên sông Tiền, loang từng vệt sẫm trên lưng áo đồng phục thợ cầu... Vậy mà gương mặt đen sạm, lấm tấm mồ hôi của Đội trưởng Đội Công trình 8 Trần Quang Tiến lại bừng sáng nụ cười: "Trời đẹp anh ạ, bù lại hôm qua...". Chiều muộn hôm trước, trận mưa cuối mùa sầm sập trút xuống làm lỡ kế hoạch đổ bê tông ca tối, nom Tiến lúc ấy ỉu xìu như bánh tráng nhúng nước. Đang những ngày cuối năm con ngựa nên chả riêng Tiến mà mục tiêu tiến độ đang giục giã tất thảy 200 cán bộ, công nhân của Công ty cổ phần Cầu 12 (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CIENCO1) tại công trường thi công cầu Cao Lãnh...

Chiều hôm trước khoác ba lô vào công trường, người đầu tiên tôi gặp là Phó Giám đốc Công ty Khuất Quang Huy, đồng thời là Giám đốc Ban điều hành thi công dự án cầu Cao Lãnh (của Công ty Cầu 12). Thoáng ngỡ ngàng bởi lãnh đạo công trường còn khá trẻ thì nhận ra giọng xứ Đoài không lẫn đi đâu được. Sinh năm 1977, quê xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, Hà Nội, năm 2000 Huy tốt nghiệp khoa Cầu đường của Đại học Xây dựng rồi đầu quân về Công ty Cầu 12 và gắn bó từ đó đến nay, đã tham gia các dự án xây dựng cầu khắp Bắc - Trung - Nam. Huy bảo, bố mẹ, vợ con đều ở quê, lâu lâu tranh thủ về được vài ngày, "may vợ em là giáo viên nên nhà cửa, con cái cũng ổn anh ạ!"...

Ảnh minh họa. Ảnh: Xuân Chính



Sau màn chào hỏi, Huy lấy ra hai chiếc mũ bảo hiểm rồi vừa dẫn tôi đi một vòng công trường, từ mố cầu cạn đầu tiên đến trụ tháp giữa sông, vừa nói: Theo dự án được phê duyệt, cầu Cao Lãnh dài hơn 2.000m, bề rộng mặt cầu 24,5m, với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; tháp dây văng cao 120m. Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 3.000 tỷ đồng, nhà thầu chính là Liên danh Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc và Công ty Vinaconex E&C của Việt Nam, dự kiến hoàn thành sau 43 tháng. Là thầu phụ, Công ty Cầu 12 đảm nhiệm thi công nửa cầu phía bờ Nam, thuộc địa phận huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Còn vài "nút thắt" mặt bằng địa phương chưa giải tỏa xong nên chưa được bàn giao, nhưng đến thời điểm này đơn vị đã đạt 110% khối lượng công việc của năm 2014, vượt kế hoạch được giao...

Giải thích chuyện cánh thợ cầu rặt giọng Bắc, Huy nói: "Những dự án công ty tham gia đều có quy mô lớn và độ khó trong thi công, đòi hỏi đội ngũ làm cầu chuyên nghiệp, vì vậy phần lớn quân cán phải điều từ ngoài kia vào". Lực lượng của công ty tại cầu Cao Lãnh ngoài Ban điều hành còn có Đội Công trình 8 của Tiến và Đội Công trình 11 mà Đội trưởng là kỹ sư Phạm Cảnh Toàn. Còn khá trẻ nhưng họ đã nhiều năm gắn bó với nghề và địa bàn các tỉnh phía Nam. Phó Giám đốc Huy mới 38 tuổi nhưng đã 9 năm lăn lộn khắp các công trình từ miền Trung trở vào. Đội trưởng Toàn quê gốc Việt Trì đất tổ Phú Thọ; nhà cửa, vợ con ở quận Cầu Giấy; bằng tuổi Huy nhưng thâm niên "đi B" tới 12 năm. Kỹ sư Tiến nhà bên Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, mới 35 tuổi song cũng đã 7 năm gắn bó với sông nước miền Tây. Có điều thú vị là cả Huy và Tiến cùng cưới vợ 1 ngày, cùng có con gái đầu 5 tuổi và con trai út 3 tuổi…

Nhìn những chàng kỹ sư trẻ nhưng dày dạn "trận mạc", điều hành công việc đâu vào đấy, tôi lại nhớ tới vị "tư lệnh" của họ. Trước hôm vào Cao Lãnh, tôi đã tranh thủ gặp Giám đốc Công ty cổ phần Cầu 12 Ngô Bá Toản sau khi anh vừa đi dự lễ khởi công cầu Cốc Pài ở huyện biên giới Xín Mần tỉnh Hà Giang về. Là đơn vị làm cầu chủ công của ngành GT-VT nên Công ty cổ phần Cầu 12 phải "rải quân" gần như khắp cả nước. Khó có thể kể hết tên hàng trăm cây cầu mà đơn vị đã thi công (kể từ ngày thành lập 17-8-1952), trong đó có những cây cầu đóng vai trò huyết mạch giao thương quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương như cầu Cao Lãnh này. Hôm đó Giám đốc Toản cũng thông báo rằng công ty đã hoàn thành vượt mức kế hoạch của năm 2014, đạt giá trị sản lượng 935 tỷ đồng…

2. Nói đến Tây Nam bộ là người ta nghĩ về một vùng sông nước nhằng nhịt, với 2 nhánh lớn của dòng Mê Kông chảy vào Việt Nam là sông Tiền, sông Hậu, xuôi xuống hạ lưu tạo thành 9 nhánh sông với tên gọi Cửu Long. Kể từ thuở mở đất, hàng trăm năm nay người dân nơi đây chỉ quen với khái niệm "ghe", "thuyền", "đò", "bắc" (phà)... Đò giang cách trở đã hạn chế sự phát triển của vùng đất Tây Nam bộ - Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù tiềm năng về lúa gạo, thủy sản, trái cây còn rất lớn. Bởi thế, những cây cầu là mơ ước ngàn đời của người dân Tây Nam bộ.

Năm 2000, tròn 25 năm sau ngày giải phóng, cầu Mỹ Thuận, cây cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam bắc qua sông Tiền được khánh thành, trở thành sự kiện làm nức lòng người dân vùng sông nước. Năm 2010, cầu Cần Thơ, cây cầu dây văng lớn nhất khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ, được hoàn thành, đưa vào sử dụng, nối đôi bờ sông Hậu, chấm dứt cảnh "qua sông phải lụy phà" mỗi dịp đi lại từ TP Hồ Chí Minh đến Cà Mau tỉnh cực Nam Tổ quốc. Từ đây, câu ca "Ai qua Tiền Giang tới phà Mỹ Thuận/Ai vô Hậu Giang tới bắc Cần Thơ" chỉ còn gợi nhớ một thời quá khứ. Trước đó, năm 2005, cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền cũng được hoàn thành, phá thế "cù lao" của "quê hương đồng khởi" Bến Tre.

Mặc dù không còn là "ốc đảo", song giao thương của 13 tỉnh, thành phố Tây Nam bộ chủ yếu chỉ dựa vào trục "độc đạo" quốc lộ 1, vẫn thiếu những cây cầu làm nên trục dọc giao thông kết nối nội vùng. Và đó là lý do để hàng loạt cây cầu đã và đang tiếp tục được xây dựng trên vùng đất này, như cầu Cái Lớn, Cái Bé (Kiên Giang), cầu Đầm Cùng, cầu Năm Căn (nối "ốc đảo" Đất Mũi Cà Mau)... Đặc biệt, trong năm 2013, nhiều cây cầu lớn tiếp tục được khởi công như Mỹ Lợi (bắc qua sông Vàm Cỏ, nối Long An và Tiền Giang), Cổ Chiên (bắc qua sông Tiền, nối Bến Tre và Trà Vinh), cầu Vàm Cống (qua sông Hậu, nối Cần Thơ và Đồng Tháp) và cầu Cao Lãnh. Phó Giám đốc Huy tự hào nói rằng hầu hết dự án giao thông ở Tây Nam bộ đều có sự tham gia của các đơn vị thuộc CIENCO1, trong đó Công ty cổ phần Cầu 12 đã thi công xong cầu Cái Lớn, Cái Bé ở Kiên Giang, giờ đang tập trung thi công cầu Cao Lãnh.

3. Đứng trên đà giáo trụ tháp, tôi nhìn về phía hạ lưu cách khoảng non cây số nơi con phà Cao Lãnh nêm kín người và xe cộ đang ì ạch bơi giữa dòng Tiền Giang mênh mông mà hình dung tới ngày "con rồng" thép với những khối bê tông khổng lồ này hoàn thành. Khi đó cũng là lúc chấm dứt những chuyến phà đã mấy chục năm cần mẫn đưa khách qua sông. Như lời ông Nguyễn Văn Tiểng, người đã có ngót 30 năm làm công việc thu vé phà Cao Lãnh thì với 3-5 chiếc phà, mỗi ngày trung bình có khoảng 200 chuyến chở hàng chục nghìn lượt người qua lại hai bên bờ sông Tiền. Tôi nhớ tới niềm vui giản dị của cậu thanh niên tên Hoàng tôi gặp trên phà Cao Lãnh tối hôm trước, nhà ở TP Cao Lãnh nhưng làm công nhân may của một công ty bên huyện Lấp Vò: "Mỗi ngày hai lượt qua phà, đi lại, chờ đợi mất hàng tiếng đồng hồ. Tới đây có cầu, tan giờ làm chắc chỉ hai chục phút là em về tới nhà...". Cây cầu dây văng không chỉ nối huyện Lấp Vò với thành phố tỉnh lỵ Cao Lãnh đang đô thị hóa mạnh mẽ bên kia sông, mà còn kết hợp với cây cầu Vàm Cống (khởi công tháng 9-2013) để kết nối cả khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long; không chỉ đánh thức tiềm năng của vùng Đồng Tháp Mười mà còn tạo động lực liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực Tây Nam bộ. Không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, những cây cầu còn làm vơi đi sự chênh lệch về đời sống cũng như thu nhập của người dân vùng sông nước với khu vực trung tâm vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.

Những cây cầu mang dấu ấn tài hoa của thợ cầu xứ Bắc đang tiếp tục nối những bờ vui, để người Đất Mũi sau 40 năm giải phóng không còn phải mơ được "nghe tiếng còi ô tô giữa quê mình", để những cô gái miệt vườn theo chồng về miệt thứ (vùng đất U Minh thuộc Cà Mau, Kiên Giang) không còn mang nỗi sầu xa xứ...

Những cây cầu sẽ giúp Đồng bằng sông Cửu Long "cất cánh" bay lên...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những cây cầu nối nhịp bờ vui

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.