(HNMCT) - Âm nhạc là loại hình nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển tâm hồn con người, đặc biệt là với lứa tuổi thiếu nhi. Nhưng làm thế nào để xây dựng được một kho tàng âm nhạc thiếu nhi phong phú, mang hơi thở thời đại, tạo ra những sân chơi thiết thực phù hợp với lứa tuổi của các em vẫn là những câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng.
“Chiếc áo quá khổ”
Chuyện thiếu nhi hát ca khúc người lớn là vấn đề dư luận luôn đau đáu từ nhiều năm nay, đặc biệt là từ khi các gameshow ca nhạc cho thiếu nhi “bùng nổ” trên sóng truyền hình, với rất nhiều “sân chơi” như: Đồ Rê Mí, Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Thử tài siêu nhí, Gương mặt thân quen nhí, Sinh ra để tỏa sáng, Thần tượng tương lai... Dù mục tiêu của mỗi chương trình khác nhau nhưng phần thi tài năng được lựa chọn nhiều nhất chính là ca hát. Và đã có rất nhiều chuyện “dở khóc, dở cười” xoay quanh việc chọn bài hát dự thi cho các em.
Trong đêm chung kết chương trình Đồ Rê Mí 2015, cô bé Bảo Ngọc sau khi trình bày ca khúc Sống như những đóa hoa của nhạc sĩ Tạ Quang Thắng đã thành thật trả lời mình không hiểu gì về nội dung bài hát. Hay trong gameshow Tuyệt đỉnh song ca nhí năm 2018, hai thí sinh Tấn Bảo, Nhật Duy cũng khiến người xem hoang mang khi thể hiện liên khúc bolero với ca từ trong các bài hát Chuyến tàu hoàng hôn, Người đi ngoài phố, Xóm đêm... Trong chương trình Biệt tài tí hon mùa thứ 2, bé Ngô Nguyễn Trâm Anh mới 8 tuổi cũng thể hiện những lời ca não nề trong bài Mưa nửa đêm...
Ngay ở những sân chơi học đường, chuyện các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở say sưa hát những ca khúc không dành cho thiếu nhi đang thịnh hành cũng không phải hiếm. Không ít phụ huynh cảm thấy giật mình khi con mình, có khi mới chỉ lớp 1, lớp 2, lại nghêu ngao hát những bài “hit” như: Chắc ai đó sẽ về, Người lạ ơi, Mình cưới nhau đi, Để Mị nói cho mà nghe...
Âm nhạc thiếu nhi đang “lạc giọng”?
Nhiều người cho rằng việc các em phải hát bài người lớn là do chúng ta quá thiếu ca khúc thiếu nhi, ít nhạc sĩ mặn mà sáng tác cho các em. Nếu so với giai đoạn những năm 1960 đến 1980 với các tên tuổi sáng tác nhạc thiếu nhi lừng lẫy như Phong Nhã, Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Đức Toàn, Xuân Giao, Hoàng Hà, Trần Hữu Pháp, Phan Nhân, Mộng Lân, Tân Huyền, Văn Dung, Hoàng Long - Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích, Nghiêm Bá Hồng... thì ở giai đoạn này, công chúng cảm thấy khó khăn hơn rất nhiều khi phải kể tên các nhạc sĩ chuyên sáng tác cho thiếu nhi. Lực lượng nhạc sĩ trẻ đam mê với mảng đề tài này càng ít.
Theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh: Nhạc sĩ trẻ sáng tác bài hát cho thiếu nhi hiện nay rất thiếu. Họ quan tâm hơn đến những đề tài khác, nhất là về tình yêu, sự trăn trở trên con đường lập nghiệp... Còn theo ca sĩ, đạo diễn Bông Mai, các nhạc sĩ ít sáng tác đề tài này bởi nó khó nổi tiếng, không thu được hiệu quả kinh tế ngay.
Tuy nhiên, trong tham luận mới công bố về “10 năm âm nhạc thiếu nhi Hà Nội” (2010 - 2020), nhạc sĩ Hoàng Lân lại đưa ra những thông tin chứng tỏ mảng sáng tác cho thiếu nhi cũng có những đóng góp đáng ghi nhận. Trong đó có những đêm nhạc cho thiếu nhi được tổ chức hoành tráng, các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi được diễn ra hằng năm cũng như hoạt động giới thiệu ca khúc thiếu nhi mới sáng tác của Hội âm nhạc Hà Nội...
Nhạc sĩ trẻ Nguyễn Văn Chung cũng thừa nhận số nhạc sĩ sáng tác nhạc thiếu nhi hiện nay không ít. Vấn đề nằm ở chỗ, rất nhiều tác giả sáng tác không ít bài hát cho thiếu nhi nhưng không đủ sức đưa ra thị trường, không đủ điều kiện hòa âm, phối khí. Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng mạnh mẽ, sức lấn át của âm nhạc cho người lớn trên các phương tiện truyền thông cũng khiến công chúng cảm thấy dường như mảng sáng tác này đang bị bỏ quên.
Song, dù nhìn nhận ở góc độ nào thì một thực tế không thể phủ nhận là có quá ít ca khúc mới sáng tác dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi được các em say mê. Nguyên nhân, theo nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh thì: “Nhiều bài hát chưa thực sự phù hợp với tâm sinh lý, sở thích của thiếu nhi hiện nay”. Nhiều bạn nhỏ thừa nhận nghe nhạc thiếu nhi “không thấy hay”. Các em hát những ca khúc người lớn vì giai điệu “bắt tai” mà đôi khi không hiểu gì về ca từ. Nhạc sĩ Trần Nhật Bằng cũng cho rằng: Nhạc thiếu nhi muốn hấp dẫn phải có sự đa dạng, tiếp thu cái mới mẻ của âm nhạc trong nước và thế giới chứ không thể cứ mãi như xưa, càng không thể cứ hô hào khẩu hiệu hay giáo dục khô khan.
Hành động vì trẻ thơ
Tháng 4 vừa qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã được Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả cho 300 ca khúc thiếu nhi. Với văn bản pháp lý này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã trở thành nhạc sĩ trẻ có nhiều sáng tác âm nhạc cho tuổi thơ nhất hiện nay. Trước khi đến với âm nhạc thiếu nhi, Nguyễn Văn Chung là tác giả của những ca khúc về đề tài tình yêu ăn khách như: Vầng trăng khóc, Chiếc khăn gió ấm, Mùa đông không lạnh, Mộng thủy tinh... Nhưng như anh chia sẻ, từ khi có con, anh cảm thấy cần phải có trách nhiệm hơn với lứa tuổi thiếu nhi. Đó cũng là động lực để anh thử thách mình với đề tài thiếu nhi và thành công với nhiều ca khúc được yêu thích như: Nhật ký của mẹ, Thư của mẹ, Bé mừng sinh nhật, Mẹ ơi có biết, Cảm ơn thiên thần...
Dự án âm nhạc Sing Channel do cố nhạc sĩ An Thuyên và các nhạc sĩ Hoàng Long - Hoàng Lân, Phan Phương khởi xướng đang được đạo diễn Bông Mai và nhạc sĩ An Hiếu (hai người con của nhạc sĩ An Thuyên) tiếp tục triển khai với thông điệp “Hãy để trẻ em Việt Nam được hát bài hát Việt Nam”. Phát triển trên nền tảng gần 3.000 bài hát thiếu nhi của các nhạc sĩ sinh từ năm 1930 trở lại đây, dự án đã được xuất bản dưới tên Tổng tập các bài hát thiếu nhi Việt Nam “Giai điệu tuổi thần tiên”.
Bên cạnh đó là những sân chơi cho thiếu nhi vẫn được duy trì đều đặn như cuộc thi Giai điệu tuổi hồng dành cho học sinh phổ thông toàn quốc được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức định kỳ hai năm một lần, Liên hoan Giai điệu Sơn ca của Đài Tiếng nói Việt Nam, Liên hoan Búp sen hồng do các nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh, thiếu niên các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tổ chức...
Tuy nhiên, nỗ lực của một vài cá nhân, tập thể chưa đủ để thay đổi diện mạo của âm nhạc thiếu nhi hiện nay. Trong bài nghiên cứu Âm nhạc thiếu nhi Việt Nam qua những chặng đường lịch sử, đăng trên website của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tác giả Hoàng Long - Hoàng Lân nhận định: “Đến nay, âm nhạc thiếu nhi và phong trào ca hát của trẻ em trong học đường, trong các câu lạc bộ, nhà văn hóa, trên đài phát thanh, truyền hình đã phát triển rộng rãi khắp mọi nơi trên đất nước ta qua một chặng đường hơn 65 năm. Chiều dài thời gian này chưa phải là nhiều, nhưng cũng đủ hình thành nên một nền âm nhạc dành riêng cho tuổi thơ với các sắc màu vô cùng phong phú. Từ chỗ chỉ có vài ba bài hát lẻ tẻ trước cách mạng, đến xuất hiện hàng ngàn, hàng vạn bài ở khắp mọi miền đất nước mà chưa ai có thể thống kê một cách đầy đủ. Từ chỗ chỉ có rất ít người viết nhạc cho trẻ em đã hình thành cả một đội ngũ đông đảo, hùng hậu với những nhạc sĩ có trình độ chuyên môn cao hoạt động trên các lĩnh vực sáng tác cho trẻ...”.
Tuy nhiên, cũng thật đáng tiếc khi âm nhạc thiếu nhi giai đoạn từ năm 1995 đến nay bị đánh giá là chững lại, thừa mà thiếu, thiếu mà thừa như đã đề cập ở trên. Điều này càng trở nên day dứt khi hôm nay chúng ta có nhiều điều kiện để sáng tác, đưa âm nhạc đến với thiếu nhi hơn trước đây.
Nhìn lại để thấy, cần đặt ra đòi hỏi lớn hơn đối với không chỉ người sáng tác, mà còn cả với những người lớn nói chung về trách nhiệm tạo dựng một thế giới âm nhạc cho tuổi thơ phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Âm nhạc, với tư cách là công cụ để nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn, giáo dục nhân cách, phải được sử dụng một cách có hiệu quả để thực tiện tốt nhất các mục tiêu về phát triển toàn diện trẻ em, cũng là để hướng tới xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.