Nhà máy Xơ sợi (NMXS) Đình Vũ của Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) đã đang nỗ lực tiến những bước vững chắc...
Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cán bộ công nhân viên PVTEX đang nỗ lực từng ngày vận hành trở lại từng dây chuyền sản xuất trong NMXS Đình Vũ. Theo đề án xử lý các dự án yếu kém của ngành Công Thương đã được Thủ tướng phê duyệt, đối với PVTEX ưu tiên phương án khởi động lại, song song với việc tìm kiếm đối tác hợp tác sản xuất kinh doanh hiệu quả sau đó tiến hành thoái vốn của nhà nước. Trước đó, PVTEX được sự hỗ trợ của PVN đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực xơ sợi đánh giá thiết bị công nghệ. Qua đó, cho thấy hệ thống các dây chuyền công nghệ của PVTEX được cung cấp bởi các nhà bản quyền uy tín ở Thụy Sỹ, Đức, các dây chuyền thiết bị thuộc loại hiện đại nhất hiện nay, tuy đã dừng máy gần 3 năm nhưng được bảo quản tốt nên tình trạng thiết bị vẫn tốt, không bị xuống cấp.
Ở góc độ thị trường, những diễn biến đã mang lại kết quả khả qua. Riêng thị trường trong nước nhu cầu ngày càng tăng cao, cụ thể nhu cầu xơ lên tới 400.000 tấn/năm, trong khi nếu cả PVTEX và Fomosa vận hành hết công suất chỉ cung cấp được 255.000 tấn. Còn nhu cầu sợi DTY là 170.000 tấn/năm, trong khi lượng cung trong nước chỉ đạt 90.000 tấn. Ngoài ra khách hàng trong nước đánh giá cao chất lượng sản phẩm của PVTEX đã đạt được trong năm 2015 và cam kết sẵn sàng tiêu thụ khi PVTEX trở lại hoạt động, như Vinatex đã ký cam kết bao tiêu 100% sản lượng tiêu thụ tại các công ty thành viên.
Trên cơ sở đánh giá trên, với sự hỗ trợ của PVN và cổ đông chính là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), PVTEX đã khởi động lại 3 dây chuyền DTY vào ngày 20-4-2018. Sau 6 tháng vận hành thương mại trở lại, PVTEX đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, bao gồm công suất, chất lượng, năng suất và lợi nhuận. Chất lượng sản phẩm của PVTEX đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và được tiêu thụ tốt. Cụ thể, PVTEX đã ký 60 hợp đồng với 20 khách hàng, trong đó có cả những khách hàng nước ngoài như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, trong năm 2019, Tập đoàn và PVTEX sẽ tiếp tục thực hiện vận hành lại toàn bộ nhà máy, tiến hành tái cơ cấu lại vốn cho PVTEX và tập trung thực hiện quyết toán dự án NMXS Đình Vũ. Cùng với đó, PVTEX đã tiến hành mời chào hợp tác rộng rãi trong nước và quốc tế và đã chọn lựa được đối tác hợp tác là liên danh giữa Tập đoàn An Phát Holdings - đơn vị mạnh về tài chính và năng lực quản trị với Tập đoàn Reliance (Ấn Độ) - là Tập đoàn sản xuất xơ sợi lớn thứ 2 thế giới và Fortrec (Singapore) - là đơn vị có thế mạnh về thương mại và logistic.
Thông tin vui đưa đến là đến giữa tháng 1-2019, PVTEX đã tiếp tục nâng công suất lên 10 dây chuyền sản xuất sợi DTY và sẽ nâng công suất phân xưởng sản xuất sợi DTY lên tối đa trong quý I và quý II-2019. Mặt khác, PVTEX và các đối tác đang tích cực đàm phán hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh cho cả nhà máy. Trong đó, dự kiến quý I-2019 sẽ ký kết hợp đồng hợp tác vận hành toàn bộ nhà máy và quý III-2019 sẽ khởi động lại toàn bộ nhà máy.
Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVTEX Đào Văn Ngọc, PVTEX giống như “bệnh nhân đã chết lâm sàng”, nay NMXS Đình Vũ đã đứng dậy được và đã bước đi những bước đầu tiên. Tuy nhiên, con đường phía trước của PVTEX còn rất dài, nhiều khó khăn, thách thức. PVTEX sẽ tiếp tục phải đối mặt với vấn đề về tài chính, chất lượng lao động, áp lực cạnh tranh từ thị trường… nhưng luôn tin tưởng, sự quyết tâm của đối tác hợp tác và sự ủng hộ tin tưởng của các khách hàng cùng với tinh thần đoàn kết, nghị lực của người Dầu khí, tập thể PVTEX sẽ khôi phục lại sản xuất kinh doanh của cả nhà máy trong năm 2019 và từng bước đưa nhà máy vào hoạt động hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.