(HNM) - Từ nhiều năm qua, những bức tranh của nữ họa sĩ người Việt Đinh Thị Thắm Poong dần trở thành quen thuộc trong các sự kiện nghệ thuật dành cho dân trung lưu ở thủ đô London của Anh quốc.
Mới đây, hội chợ tranh vẽ với mức giá từ 40 đến 4.000 bảng Anh có sự tham gia của 113 phòng tranh ở London đã trưng bày những bức vẽ mới nhất của chị, do nhà bảo trợ Raquelle Arzan đem sang.
Họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong (phải) trong một cuộc triển lãm |
Không rầm rộ ồn ào, nhưng có một dòng tranh Việt Nam chậm rãi du nhập vào thị trường Anh trong những năm qua. Sau những tai tiếng về tranh giả của các họa sĩ hàng đầu, giờ đây giới thưởng ngoạn muốn nhắm vào các họa sĩ ít nổi tiếng hơn, nhưng đã thành danh để có thể dễ dàng kiểm chứng xác nhận nguyên tác. Xu hướng đó đang được thể hiện rõ qua những phòng tranh nhỏ hay các nhà kinh doanh nghệ thuật tầm cỡ trung bình ở Anh.
Đầu tư vào họa sĩ trẻ đã tốt nghiệp ngành mỹ thuật ở Hà Nội từ năm 1993, doanh nhân Raquelle Arzan giải thích đó là vì nhìn thấy trong các tác phẩm của Đinh Thị Thắm Poong điểm tương đồng về khái niệm và cảm xúc mà giới mua tranh ở London sẽ đánh giá cao: Bản sắc, cộng đồng, sự gắn bó và lệ thuộc. "Tranh của Thắm Poong sử dụng kỹ thuật cổ điển phương Tây để diễn tả cảm nhận của chính cô trong vai trò một nghệ sĩ người Việt, khiến cho các tác phẩm pha trộn đậm đà phương Đông với phương Tây, quá khứ và hiện tại, đời thực và tâm linh" - bà Arzan chia sẻ. Cũng giống như nhận xét của nhiều học giả bình luận tranh của Đinh Thị Thắm Poong, bà Arzan ghi nhận rằng con người mà đặc biệt là phụ nữ là nội dung cơ bản trong các tác phẩm. Những gương mặt đời thường của người phụ nữ không phải là ngẫu nhiên xuất hiện trong tranh của Đinh Thị Thắm Poong. Thực tế cho thấy trong sự phát triển của xã hội Việt Nam qua nhiều thế kỷ luôn luôn có sự đóng góp rất tích cực và chủ động của người phụ nữ, đặc biệt ở nông thôn. "Thiên nhiên được thể hiện bằng cây cỏ, hoa lá, chim cá, còn những người phụ nữ của Thắm Poong thì trùm khăn đỏ trên đầu, thường địu con trên lưng, băng qua rừng, sau những bụi cây, làm công việc hái lượm hăng ngày, đôi chân gắn chặt với mặt đất như những chiếc rễ cây xung quanh" - bà Arzan nói.
Nhiều họa sĩ trẻ đang thành danh ở Việt Nam đã tìm được người bảo trợ nghệ thuật để đưa tranh ra thế giới. Những câu chuyện tương tự đang ngày càng được phổ biến ở nhiều nước Châu Âu khác từ Na Uy, Pháp… cho đến Hàn Quốc và Thái Lan. Qua thời gian, bà Raquelle Arzan càng tin tưởng vào sự lựa chọn và cảm nhận ban đầu của mình. "Tôi thấy Đinh Thị Thắm Poong là tiếng nói đặc biệt trong thế giới nghệ thuật. Tác phẩm của chị thể hiện thế giới đang sống qua lăng kính đặc biệt mà chị tập trung vào con người, vào cảm xúc, tự nhiên và mối quan hệ qua lại giữa các đối tượng vừa kể. Không chỉ cái đẹp trong các tác phẩm của Đinh Thị Thắm Poong thật mạnh mẽ mà câu chuyện trong đó cũng vậy".
Vì thế bà Arzan đã đem tranh của nữ họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong đi giới thiệu ở nhiều bảo tàng và phòng tranh ở Châu Á, Châu Âu và Hoa Kỳ, gặp được tiếng nói đồng điệu của những người cũng đang sưu tập tranh của cô. "Trong một thế giới mà nghệ thuật trở thành hàng hóa thì các tác phẩm của Đinh Thị Thắm Poong nổi bật lên nhờ sự kết hợp nổi bật của tâm hồn và sự quyến rũ thì lại rất là đại chúng" - bà Arzan nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.