Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bông hoa trên cao nguyên đá

Tuấn Lương| 09/02/2010 06:59

(HNM) - Ma Lé, xã nghèo của huyện Đồng Văn (Hà Giang), nơi địa đầu Tổ quốc nổi tiếng với cột cờ Lũng Cú, nơi cao nguyên bạt ngàn đá. Ngày áp Tết Canh Dần, bên chén rượu ngô mới cất, chúng tôi được nghe chuyện của những giáo viên "cắm" bản, những chiến sỹ biên phòng và tình yêu của họ.

Nơi cực Bắc của Tổ quốc

8h sáng, 14 người chúng tôi đi 4 xe ô tô từ Hà Nội theo quốc lộ 2 thẳng hướng Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang). Đoàn công tác mang theo 50 chiếc chăn, 600 chiếc áo ấm, 2 tạ bột canh i-ốt, 100kg giò, 100 chiếc bánh chưng cùng rượu, bánh kẹo, thuốc lá… Đây là quà do Quận ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ quận Hai Bà Trưng vận động một số doanh nghiệp và người dân trên địa bàn ủng hộ "chăn ấm cho chiến sỹ, áo ấm cho giáo viên "cắm" bản. Còn rượu, bánh chưng, giò… thì chia đều cho bà con đón Tết. Gọi là chút tấm lòng của người dân Thủ đô gửi tặng đồng bào, chiến sỹ nơi địa đầu Tổ quốc!", đồng chí Trưởng đoàn dặn.

Trao quà Tết cho bà con dân tộc xã Ma Lé.

Mưa suốt cả chuyến đi. Nhiều đoạn núi cao, đường trơn trượt. Đoàn xe cứ lầm lũi đi trong mưa, vượt cổng trời Quản Bạ, qua cao nguyên bạt ngàn đá ở huyện Yên Minh rồi sang huyện Đồng Văn… mù trong sương. Một người đã nhiều lần đi Hà Giang bảo: "Vùng này đất không quá ba bước bằng, trời không quá ba ngày nắng! Địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Nhiều chỗ, bà con dân tộc phải gùi đất lên núi, bỏ đất vào hốc đá, gieo hạt ngô, hạt lúa mỳ. Cuộc sống cơ cực lắm, bữa ăn của không ít gia đình vẫn chủ yếu là mèn mén (ngô tẻ xay đồ chín)".

Chập tối, đoàn đến xã Ma Lé (huyện Đồng Văn), nơi có Đồn Biên phòng Lũng Cú. Lúc này, mưa bắt đầu ngớt. Đông đảo bà con các dân tộc Mường, Dao, Tày… và chiến sỹ biên phòng đã tập trung đón đoàn. Đúng hôm Ma Lé mất điện (ở đây, điện lưới mất thường xuyên), không chậm trễ, đèn pha của 4 chiếc ô tô chiếu sáng rực để đoàn chuyển quà xuống trao ngay cho bà con và chiến sỹ. Phó Bí thư Đảng ủy xã Ma Lé Trần Minh Phương xúc động: "Ma Lé có 648 hộ với hơn 3.200 dân. Suốt 4 tháng nay, Ma Lé khô hạn, không một giọt mưa. Bà con không thể cấy trồng, cuộc sống càng thêm khó khăn. Hai hôm nay mới có trận mưa to, quý quá! Tết thì đã cận kề. Quà của bà con Hà Nội thực sự là nguồn động viên to lớn với chúng tôi trong những lúc khó khăn này".

Đất hóa tâm hồn

Bữa cơm tối được các chiến sỹ biên phòng đồn Lũng Cú và giáo viên Trường THCS Lũng Cú, Trường Tiểu học Ma Lé sửa soạn rất nhanh. Trong lâng lâng men rượu ngô, chúng tôi được nghe những câu chuyện thật cảm động. Có những cô giáo là dâu của đồn biên phòng, ban đầu chỉ định ở Lũng Cú vài năm, xong nhiệm vụ rồi về xuôi, nhưng nay đã là năm thứ 9, thứ 10. Cô giáo Phạm Thị Tuyển (quê Nam Định) lên đây dạy học từ năm 2001, yêu và lấy anh Nguyễn Hữu Nam (quê Hà Nội). Giờ 2 vợ chồng đã có 1 cháu trai 4 tuổi. Cô giáo Tuyển đã trở thành Hiệu phó nhà trường và anh bộ đội biên phòng Nam đã đeo hàm Thiếu tá nhưng gia đình vẫn phải sinh hoạt trong căn nhà công vụ chật chội. "Bộ đội biên phòng thì phải gắn với biên giới, vợ chồng em chỉ biết động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Gia đình có yên ấm thì mới yên tâm công tác", cô Tuyển tâm sự. "Ngày Nhà giáo Việt Nam ở đây thế nào?" - tôi hỏi. Tuyển thoáng buồn rồi cười rất tươi: "Đương nhiên là thiệt thòi nhưng có những kỷ niệm mà chắc chắn miền xuôi không có được. Có lần, học trò của em đi bộ 20km ra huyện mua hoa về tặng cô. Về đến nơi hoa héo hết, học trò mếu máo thưa cô là hoa chết rồi. Hình ảnh này sẽ theo em đến suốt cuộc đời". Hay gia đình Thiếu tá Hà Công Hải và cô giáo Vũ Thị Thu nay đã có hai con trai kháu khỉnh. Thấm thoắt cũng gần chục năm gắn bó nơi địa đầu Tổ quốc. Hàng trăm học trò đã được cô giáo Thu dạy chữ. Khắp miền đất biên cương này không có nơi nào thiếu bước chân anh Hải.

Trẻ nhất nơi đây có lẽ là cô giáo Trần Thị Dự (quê Hải Dương). Hỏi lên Lũng Cú lâu chưa, cô giáo nói mới 2 năm, chưa chồng và cũng chưa cả người yêu. Hằng ngày, cô phải đi bộ 5km chênh vênh núi đá tới trường. Vất vả là vậy nhưng niềm vui lớn nhất của cô chính là các em học sinh người Mông, người Tày, người Dao. Ban đầu mới lên, cô dạy trò tiếng Kinh, các trò lại thay nhau dạy cô thổ ngữ. Cứ thế mà gắn bó với nhau. Cô Dự kể, có năm vào ngày 20-11, các cô giáo rủ nhau xuống huyện lỵ Đồng Văn tự mua quà gửi theo đường bưu điện về tặng lẫn nhau. Đều là cảnh xa quê nên gắn bó còn hơn ruột thịt.

Không thể không kể đến Phó Bí thư Đảng ủy Trần Minh Phương, quê Phú Thọ, lên Ma Lé nhận nhiệm vụ từ đầu năm 2007. Nhìn anh cán bộ xã chân chất, tôi vô cùng ngạc nhiên khi được biết anh là Thiếu tá bộ đội biên phòng. Đã đi nhiều đồn, gặp nhiều thầy giáo và thầy thuốc mang quân hàm xanh nhưng đây là lần đầu tiên tôi được gặp Phó Bí thư Đảng ủy xã mang quân hàm xanh. Anh Phương bảo: "Nhiệm vụ mà. Ba năm tôi về công tác, Ma Lé từ hơn 50% hộ nghèo giờ giảm xuống còn 40% thôi đấy. Số đảng viên mới cũng đã tăng lên đáng kể". "Thế bao giờ về Phú Thọ?" - tôi hỏi. "Chắc còn lâu lắm! Yêu nơi này rồi!" - anh Phương cười.

*
* *

Lũng Cú - Đồng Văn, nơi ba phần tư diện tích tự nhiên là đá. Đến cái giường nằm, cái bếp lò của người Mông cũng kê vào tảng đá, rồi tường bao quanh nhà, chuồng bò, chuồng ngựa tất cả đều xếp bằng đá, vì vậy trên cao nguyên này vào mùa đông chỉ có một màu đá xám mênh mông. Mùa xuân đang về, những con người bình dị như Phó Bí thư Phương, như vợ chồng anh Hải - chị Thu, anh Nam - chị Tuyển, cô giáo Dự… chính là những bông hoa chợt nở bừng trên Lũng Cú - Đồng Văn, xua tan cái lạnh giá mùa đông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những bông hoa trên cao nguyên đá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.