(HNMO) - Có người đã gần 30 năm sống ngoài đảo, xa gia đình, người thân; có người gần 70 tuổi vẫn miệt mài, hăng say gieo mầm chữ cho những đứa trẻ nghèo khó; có người tự tin, anh dũng khi phá án nhưng không thể trôi chảy khi nói về những thành tích của mình...
Tham dự buổi Giao lưu với các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước chiều 6/12 có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; Trưởng Ban dân vận Trung ương Hà Thị Khiết; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình Xây dựng nông thôn mới Vũ Văn Ninh; Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và 1.800 đại biểu chính thức của Đại hội.
Cuộc giao lưu lấy hình ảnh chủ đề là chiếc quạt thi đua yêu nước được Bác Hồ tặng cho đồng chí Hoàng Đạo Thúy vào năm 1948 với lời nhắn nhủ: Thổi cho tinh thần và phong trào thi đua yêu nước ngày càng lớn mạnh.
Các đại biểu cùng vẫy quạt tiếp sức, cổ vũ cho phong trào thi đua yêu nước |
Chia sẻ về ý nghĩa chiếc quạt, ông Nguyễn Mạnh Hà, Viện nghiên cứu lịch sử cho biết, thời điểm năm 1948, cách mạng nước ta đang ở trong vòng vây và chưa có quốc gia nào trên thế giới công nhận Việt Nam là nước độc lập. Trong bối cảnh đó, chiếc quạt của Bác dành tặng người đứng đầu phong trào Thi đua yêu nước khi đó có ý nghĩa vô cùng to lớn. Mỗi nan quạt đại diện cho một giai tầng trong xã hội và các giấy dán liền giữa các nan quạt chính là đại diện cho sự đoàn kết của mọi người dân, các nan quạt chung về một mối thể hiện sự chung lòng yêu nước, không toan tính, vì mục tiêu chung đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, giúp phong trào kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết sớm thành công.
Bồi hồi xúc động nghe lại lời hiệu triệu thi đua yêu nước năm xưa, toàn thể gần 2.000 đại biểu có mặt tại Trung tâm Hội nghị quốc gia đã cùng đứng dậy, hưởng ứng, tiếp nối lời hiệu triệu, vẫy cao chiếc quạt, thể hiện sự chung sức, chung lòng trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
Tiếp đó, các đại biểu tham dự chương trình đã cùng giao lưu, gặp gỡ, trò chuyện với 7 tấm gương tiêu biểu.
Mở đầu buổi giao lưu, các đại biểu đã gặp gỡ với ông Phan Tấn Bện, nhà sáng chế chiếc máy cuốn rơm để không bỏ phí những cọng rơm, rạ vốn thường bị đốt bỏ.
Ông Phan Tấn Bện (giữa) |
Chia sẻ với các đại biểu, ông Bện cho biết, chiếc máy của ông giúp việc thu gom rơm được khoa học, sạch sẽ, không bị dính bẩn, lấy rơm được nhiều hơn, sát bờ và có thể chạy được trên sình lầy cũng như đất khô, rất cơ động. Động lực để ông sáng chế chiếc máy là xuất phát từ thực tế nhìn hình ảnh dân đốt rơm lãng phí như Công tử Bạc Liêu đốt tiền, trong khi những chiếc máy cùng chức năng do các nước khác sản xuất lại có nhiều hạn chế. Trên cơ sở đó, ông Bện đã cho ra được chiếc máy gom rạ khắc phục được nhược điểm của những chiếc máy nhập ngoại và thậm chí đã xuất khẩu sang một số nước.
Nhân vật giao lưu thứ hai là cô giáo Nguyễn Thị Thông, 68 tuổi, người đã lập chiến công thầm lặng nhưng đã đóng góp cho xã hội những niềm vui, những thành công, đặc biệt là cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn thất học, mồ côi ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Cô giáo Nguyễn Thị Thông |
Nói về việc làm tốt đẹp của mình, cô giáo Nguyễn Thị Thông chia sẻ, cô là người giáo viên được Đảng, Nhà nước đào tạo để trồng người nên cô không thể "làm ngơ" khi nhìn thấy những trẻ em phải thất học vì khốn khó; những người già, người có tuổi vì điều kiện khó khăn mà không được học chữ nên khi đi các nơi, đến các cơ sở không biết đọc các chỉ dẫn, dẫn đến gặp nhiều chuyện "dở khóc dở cười".
Nhờ học tại các lớp của cô, nhiều em đã có thể học lên cao hơn, theo kịp các bạn bè cùng trang lứa; nhiều em khuyết tật đã có thể tự tin hòa nhập cộng đồng.
Một tấm gương sáng trong lực lượng Công an nhân dân là Đại úy Nguyễn Thành Hưng, đang công tác tại Cục cảnh sát Hình sự, Bộ Công an. Ngay từ bé, đồng chí đã mang trong mình ước mơ được đem lại bình yên cho người dân. Quá tình công tác, đồng chí đã tham gia hơn 20 chuyên án lớn, trong đó có các vụ khám phá âm mưu cài mìn, khủng bố, sản xuất vũ khí và gần đây là vụ thảm sát tại Tương Dương, Nghệ An.
Đại úy Nguyễn Thành Hưng |
Không ngại bất cứ nhiệm vụ nào, bất chấp hiểm nguy, Đại úy Nguyễn Thành Hưng cho biết, trong quá trình công tác, chính sự yêu thương, trợ giúp từ các đồng nghiệp, ước mong được giữ trọn niềm tin của nhân dân vào sự bình yên cuộc sống đã giúp đồng chí luôn tự tin, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trước mỗi chuyên án thành công, đồng chí thanh thản hơn và thêm vững tâm hơn trước mọi nhiệm vụ được giao.
Tấm gương giao lưu thứ tư trong chương trình là người đã âm thầm đóng góp cho mối quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và Tòa thánh Vatican cũng như Giáo hội Việt Nam, một người sống phúc âm trong lòng dân tộc - ông Lê Đức Thịnh. Ông là người Việt Nam đầu tiên được Giáo hoàng tặng tước hiệu Hiệp sĩ đại thánh giá, tước hiệu cao nhất dành cho các tín đồ Thiên Chúa giáo.
Ông chia sẻ, bí quyết khiến một người Thiên chúa giáo tìm được tiếng nói chung với những người khác đức tin là tình yêu dân tộc, đất nước. Ông cho biết, đất nước ta sau khi thống nhất đã trải qua hàng thế kỷ bị xâm lược, chia cắt, sự chia cắt về lãnh thổ đương nhiên sẽ có sự chia cắt về lòng người, nên ông khao khát dân tộc không còn cảnh chia cắt, dân tộc được hùng cường. Những nỗ lực hết mình của ông không nhằm để được tôn vinh, mà là để cho con cháu đời sau.
Ông Lê Đức Thịnh |
Điều ông muốn làm nhất hiện nay và tin rằng qua Đại hội thi đua lần này, mỗi người con dân đất Việt sẽ nâng đỡ nhau, nhất là đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo hay không có đạo, người trong Đảng hay ngoài Đảng, người dân Việt ở trong nước hay Việt kiều ở nước ngoài hãy xóa hết định kiến, bắt tay nhau xây dựng đất nước ta hùng cường.
Gặp gỡ với người đã từng gắn bó và ở trên đảo Phú Quý gần 30 năm, các đại biểu không khỏi xúc động khi biết rằng, bác sĩ Bùi Đình Lĩnh đã phải đánh đổi rất nhiều vì sự an toàn sức khỏe cho mỗi người dân trên đảo. Điều ông ân hận, tiếc nuối nhất khi cha mẹ qua đời đã không thể có mặt ở nhà, những giây phút trưởng thành của con, những giây phút sum vầy vào những ngày trọng lễ của dân tộc ông cũng không thể chứng kiến... Nhưng chính sự yêu thương, tin tưởng của mỗi người dân trên vùng đảo địa đầu Tổ quốc đã níu chân ông, tiếp thêm cho ông động lực to lớn để gắn bó với vùng đảo này.
Bác sĩ Bùi Đình Lĩnh |
Ông chia sẻ, là người thày thuốc phải luôn thương yêu người bệnh, coi người bệnh như chính người thân, ruột thịt của mình. Vì sống xa gia đình, ông coi người dân trên đảo như người thân ruột thịt và coi đảo là quê hương, không còn khái niệm đi hoặc về nữa, mình phải có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân trên đảo. Có những lúc, có hoàn cảnh dẫn ông đến những đắn đo nhưng may mắn, nhờ có sự động viên của người vợ trung hậu, đảm đang và người con gái biết yêu thương, chia sẻ với bố, ông đã vượt lên được hoàn cảnh, tiếp tục với nhiệm vụ của mình.
Cùng được tôn vinh trong chương trình có vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên. Do cô đang bận thi đấu tại Mỹ nên không thể tham gia chương trình, bố mẹ cô đã tới tham dự thay con. Nhắn nhủ với đứa con gái xa nhà, cha mẹ cô mong con cố gắng tập luyện, thi đấu thật tốt để mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Tấm gương tham gia giao lưu cuối cùng là ông Lê Văn Xê, người đã mang giống chanh không hạt từ Mỹ về Việt Nam. Ông không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp nhiều người dân ở Long An làm giàu nhờ loại cây này, nhiều người đã xây được nhà lầu, chấm dứt những ngày lao đao, khốn khó vì trồng mía. Hiện tại, ông đang phát triển giống bưởi da xanh không hạt và giống cam mới.
Chia sẻ với các đại biểu, ông cho biết, ước mơ lớn nhất của ông là nông nghiệp Việt Nam phát triển hiện đại, người dân được trang bị khoa học kỹ thuật để tránh rủi ro do thiếu hiểu biết. Trong bối cảnh hội nhập, khi nhiều sản phẩm nông nghiệp tràn vào Việt Nam và Việt Nam đang bị "chảy máu" ngoại tệ rất nhiều, ông Xê cho rằng, người nông dân cần tổ chức sản xuất trở lại, tránh tự phát, vì tự phát là tự sát, cần có định hướng, liên kết, có kế hoạch sản xuất.
Ông cũng cho rằng, tiến tới, người nông dân cần hạn chế bán thô sản phẩm, xây dựng nhà máy chế biến những sản phẩm tươi thành nhiều sản phẩm nông nghiệp đa dạng khác để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Buổi giao lưu đã khép lại sau hơn 2 giờ đồng hồ với những xúc cảm thật đẹp. Những nụ cười, những giọt nước mắt rơi trong câu chuyện của mỗi tấm gương đã đồng điệu cùng những nụ cười, những giọt nước mắt của hàng nghìn người tham dự chương trình và nó cho thấy, thi đua yêu nước không cần phải từ những hành động, những việc làm quá lớn lao, mà đơn giản, nó có thể bắt nguồn từ những con người thật bình dị, khiêm nhường, với những việc làm, những hành động bình dị có, phi thường có, nhưng tất cả đều xuất phát từ trái tim, từ tình yêu với đồng bào, đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.