Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bệnh thường mắc khi thời tiết chuyển mùa

Theo Báo SK&ĐS| 30/10/2011 17:17

Trong những ngày thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột, độ ẩm tăng cao là yếu tố thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh. Những bệnh liên quan đến thời tiết bắt đầu tăng lên đột biến. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là người già và trẻ em.


Trẻ mắc bệnh hô hấp tăng cao

Những ngày vừa qua, số trẻ nhập viện tại Bệnh viện Nhi T.Ư tăng đột biến với hơn 2.000 ca/ngày, nhiều trẻ mắc các bệnh cảm cúm, viêm họng, viêm phổi, sốt virut,…trong đó khoảng 80% mắc các bệnh về đường hô hấp. Những bệnh hô hấp thường gặp là viêm mũi cấp, viêm VA, viêm Amidan, phế quản, phổi,…Chiếm tỉ lệ lớn là trẻ dưới 2 tuổi. Khi bị viêm mũi, thường sau 3-4 ngày, bệnh sẽ giảm dần rồi hết. Nếu kéo dài trên 1 tuần mà không đỡ, bệnh đã biến chứng do bị nhiễm khuẩn như: lan tới hốc mắt gây không nhìn rõ hoặc mù vĩnh viễn; Viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn dễ gây ra nếu không được điều trị kịp thời dẫn đến thể nặng và gây ra các biến chứng như viêm não, viêm tim, viêm cầu thận, thấp khớp cấp… Vì vậy cần phòng bệnh cho trẻ trong thời tiết giao mùa.

Sốt virut: Sốt virut là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ lây qua đường hô hấp với các biểu hiện sốt cao 30-41 độ C, trẻ mệt mỏi, quấy khóc, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ... Chủ quan tự ý mua thuốc kháng sinh về điều trị mà không nhập viện ngay khiến trẻ bị biến chứng viêm phổi, viêm màng não… rất nguy hiểm.

Cảm cúm: Bệnh do virut gây ra và lây lan qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Trẻ nhỏ rất dễ bị lây bệnh này khi thay đổi thời tiết, các triệu chứng thường thấy là nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu... nếu trẻ sốt cao cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Các chuyên gia khuyến cáo trong thời điểm giao mùa như hiện nay, cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ, chú ý giữ nhiệt độ cơ thể trẻ không để quá nóng hoặc quá lạnh. Chế độ dinh dưỡng bổ sung nhiều vitamin cho trẻ, ăn đồ lỏng dễ tiêu… Khi thấy trẻ bị sốt cần cách ly để tránh lây lan và đưa đi khám ngay tại các cơ sở y tế.

Người già cũng nhập viện

Theo thông tin từ Viện Lão khoa quốc gia, trong những ngày thời tiết thay đổi, nắng mưa thất thường, lượng người già nhập viện vì các bệnh mạn tính như: viêm đường hô hấp, tăng huyết áp, xương khớp,… tăng cao. Dưới đây là một số bệnh mà người cao tuổi thường gặp.

Mất ngủ: Rất nhiều người cao tuổi thường phàn nàn về giấc ngủ nhất là khi thời tiết thay đổi. Có người vào giấc ngủ rất khó mãi mới ngủ được. Nhưng phần lớn ngủ chập chờn, không say, giấc ngủ bị đứt quãng nhiều lần, khi thức dậy cảm thấy không thoải mái, uể oải. Để có giấc ngủ ngon người cao tuổi cần tránh mọi tác nhân kích thích như: ruợu; hút thuốc lá, thuốc lào; chè đặc, cà phê;... Cần tập luyện đều đặn, phù hợp với như: đi bộ, xoa bóp, thư giãn rất tốt cho tuổi già và giấc ngủ.

Viêm đường hô hấp: Đường hô hấp rất nhạy cảm với thời tiết hanh, khô hoặc ẩm thấp. Trong điều kiện thời tiết như thế, các bệnh như: viêm mũi họng, viêm khí quản, phế quản, hen, rất dễ tái phát. Những dấu hiệu cơ bản thường gặp như ho, sốt, có đờm, khó thở, khò khè... Người cao tuổi về đêm cần được giữ ấm chân và họng, ăn uống đủ chất sẽ phòng tránh được các bệnh đường hô hấp.

Đau lưng: Đau lưng là một bệnh thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt đối với người mắc bệnh mạn tính: thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, gai đôi cột sống... thì dễ bị tái phát dẫn đến khó nằm, khó ngủ, nằm đau, ngồi cũng đau. Khi bệnh tái phát cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Đối với trường hợp bình thường thì biện pháp xoa bóp là hiệu quả nhất vì làm tăng lượng lưu thông máu đến vùng bị tổn thương này. Hãy xoa bóp chính giữa cột sống và khối cơ hai bên ở vùng thắt lưng. Việc sử dụng thuốc giảm đau phải tuyệt đối phải theo chỉ định của bác sĩ.

Tăng huyết áp: Do nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm, cùng với tâm lý lo lắng, căng thẳng, tức giận… làm cho huyết áp không dễ khống chế. Huyết áp tăng cao sẽ có nguy cơ gây ra các biến chứng như: xuất huyết não, đứt mạch máu do thiếu máu và nhồi máu cơ tim dẫn đến tử vong.

Theo các chuyên gia, người cao tuổi cần tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột, ăn các thực phẩm giàu năng lượng để duy trì cân bằng thân nhiệt. Một điều cần thiết khác là giữ giấc ngủ yên trong đêm. Có thể dùng một số bài thuốc Đông y chống mất ngủ như uống tâm sen, vì việc thường xuyên mất ngủ sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bệnh thường mắc khi thời tiết chuyển mùa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.