(HNMO) - Hiện nay đã bước vào mùa mưa bão. Đây cũng là mùa nhiều bệnh phát sinh và phát triển như đau mắt đỏ, nấm kẽ chân, tả... Vì vậy, việc phòng bệnh là rất quan trọng.
Trong năm nay, một số cơn bão đã ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta gây thiệt hại khá lớn. Những ngày qua, nhiều tỉnh miền Trung bị ngập lụt, giao thông chia cắt do áp thấp nhiệt đới đổ bộ gây mưa lớn.
Trao đổi với phóng viên HNMO, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, thông thường trong và sau mưa lũ, các vi sinh vật gây bệnh cùng rác thải, chất thải và xác động vật hòa trộn vào dòng nước, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những bệnh thường gặp là nấm kẽ chân, đau mắt đỏ, tả, sốt xuất huyết.
Bệnh nấm kẽ chân
Bệnh nấm kẽ chân, dân gian còn gọi là bệnh nước ăn chân. Bệnh có xu hướng xuất hiện vào mùa mưa bão do chân luôn ẩm ướt. Bệnh có tổn thương là các đám đỏ da, mụn nước, trợt da, chảy dịch. Nguyên nhân thường do nấm trichophyton rubrum, xuất hiện ở các kẽ ngón chân. Bệnh không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho người bệnh, đặc biệt là rất ngứa.
Bệnh đau mắt đỏ
Là tình trạng viêm nhiễm mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở mọi lứa tuổi, rất dễ lây và gây thành dịch qua đường hô hấp, hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gỉ mắt của người bệnh.
Đây là bệnh lành tính, tuy không nguy hiểm nhưng rất dễ mắc và dễ lây lan trong cộng đồng. Mặc dù vậy, người mắc cần đi khám bởi có một số trường hợp có thể có biến chứng giảm thị lực không hồi phục.
Bệnh tả
Là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch qua đường tiêu hóa, do khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra. Biểu hiện chủ yếu của bệnh là nôn và tiêu chảy dẫn đến mất nước và điện giải trầm trọng, gây sốc nặng. Nếu không được điều trị kịp thời người bệnh có thể tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết
Đây cũng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Bệnh xuất hiện quanh năm, tăng cao vào mùa mưa, đặc biệt là sau bão lũ. Biểu hiện của bệnh là sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 đến 7 ngày và kèm theo một số dấu hiệu như: Xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Nhưng có trường hợp nặng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Chuyên gia này cho biết, để phòng tránh dịch bệnh trong mùa mưa lũ, người dân cần thực hiện nhiều biện pháp.
Trước hết, cần vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn; luôn đảm bảo bàn chân sạch sẽ, khô ráo, tất và giày dép cũng cần được vệ sinh sạch sẽ...
Cùng với đó là thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ của bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.