Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bất ngờ từ “Ao làng”

An Nhi| 06/09/2016 07:17

(HNM) - Vở tuồng “Ao làng” của Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa dàn dựng để kịp đưa đến Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc - 2016 tại Đà Nẵng vào cuối tháng 8, đã giành được HCV.



“Ao làng” do tác giả Chu Thơm viết kịch bản theo đặt hàng riêng của Nhà hát Tuồng Việt Nam, có tên là “Chuyện bịa của làng Vồm”. Đây là một sự đầu tư mạnh dạn bởi nói đến tuồng - môn nghệ thuật truyền thống với những lối diễn xuất, hát, múa, hóa trang đều khá cầu kỳ và nặng tính quy ước, thì gìn giữ cũng đã là thách thức. Thậm chí trong nghề cũng có nhiều tranh luận nên hay không phát triển đề tài hiện đại trong nghệ thuật tuồng, để tuồng không bị pha tạp, không lẫn với kịch nói. Thế nhưng, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, trước yêu cầu thu hút được khán giả ngày nay thì nghệ thuật tuồng cũng cần có những đột phá, chạm đến vấn đề của thời sự. Đề tài là một phần, còn phải dàn dựng, diễn xuất như thế nào mới hấp dẫn và toát lên nét đặc sắc của nghệ thuật tuồng mới là cái khó.

Kịch bản “Ao làng” nói về câu chuyện ở làng Vồm trước dự án mở đường, mọi người cùng bàn luận nên hay không nên lấp ao làng để nhường đất cho sự phát triển. Chuyện là, trong khi hầu hết người dân, đến cả lão làng trưởng họ đều đồng tình lấp ao thì ông quyền trưởng thôn lại ra sức phản đối, chỉ vì gia tộc nhà ông được hưởng lộc từ long mạch đi qua ao làng. Thế là bao tranh luận xảy ra, những tình huống dở khóc dở cười được đề cập không chỉ quanh mỗi cái ao làng ấy. Tác giả Chu Thơm cho biết: “Tôi mượn cái ao làng để nói về những bất cập ở nông thôn ngày nay, nói cả chuyện đời sống xã hội hiện giờ. Bởi làng của người Việt như một xã hội Việt Nam thu nhỏ”. Vì thế, vở tuồng ngoài những chuyện về sinh hoạt tập thể, cộng đồng gần gũi ở làng quê, còn chỉ ra những vấn đề như xả rác gây ô nhiềm môi trường, kẻ cậy quyền chèn ép người dân, chuyện trộm cắp, bán hàng đa cấp… Mà xem đây, mỗi người dù làng quê hay thành thị vẫn thấy gần gũi, quen thuộc.

Kịch bản đã được tác giả chú ý tạo cảnh, màn thuận lợi cho các trò diễn tuồng dù Chu Thơm không phải người viết chuyên về tuồng. May mắn nữa là tác phẩm có bàn tay NSƯT Sỹ Chức chuyển thể tuồng và NSƯT Bá Tài đạo diễn, đều là những tên tuổi sáng giá hiện nay trong nghề. Vở diễn về đề tài nông thôn nên đạo diễn khéo léo mượn những tích tuồng dân gian hay tạo ra các nhân vật gần với tuồng cổ như thầy cúng để thêm trò diễn. Nhưng đúng như lo ngại, "Ao làng" vẫn nhiều thoại hơn hát tuồng, một số đoạn hát cũng không được rõ lời nên cần phải chỉnh sửa, rèn luyện thêm. Diễn viên của Đoàn 2 với một số nghệ sĩ trẻ chưa nổi bật như mong đợi. Chỉ riêng NSƯT Nguyễn Văn Thủy trong vai quyền trưởng thôn là diễn xuất sắc và ấn tượng, nhận được nhiều sự hưởng ứng của khán giả.

Tuy nhiên, điểm cộng của vở diễn là sự uyển chuyển trong chuyển tải những vấn đề nóng, gây bức xúc của đời sống hôm nay vào nghệ thuật tuồng, nên xem vở trong khoảng 2 giờ không thấy cảm giác gượng ép, khiên cưỡng. Nhất là với khán giả ngày nay, mới đến nghệ thuật tuồng thì liều lượng như vậy dễ tiếp nhận. Đó là lý do “Ao làng” trở thành vở đề tài hiện đại duy nhất giành được một trong ba HCV của cuộc thi vừa qua.

Một vở diễn thành công không dừng lại ở tấm HCV này, quan trọng là đến được với khán giả và có sức sống lâu dài. Với “Ao làng”, hoàn toàn kỳ vọng sẽ được đón nhận nồng nhiệt ở các làng quê.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bất ngờ từ “Ao làng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.