Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bài học đạo đức sống động

Hồng Hạnh| 19/05/2012 15:24

(HNM) - Năm 1976, lần đầu tiên hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam được phản ánh trên sân khấu qua vở “Người công dân số 1” do Nhà hát Cải lương Trung ương thể hiện.


Thông qua hình tượng Bác Hồ, người nghệ sĩ mong muốn đem đến cho thế hệ trẻ những bài học đạo đức sống động. Đây là những điều các nhà nghiên cứu, đạo diễn, diễn viên... khẳng định tại hội thảo "Nghệ thuật sân khấu thể hiện hình tượng Bác Hồ" mới được tổ chức.

Hình tượng Bác Hồ qua các vai diễn


Hình tượng Bác Hồ trong  vở diễn “Những vần thơ thép” (Ảnh: gdtd.vn)

Sự thành công của vở diễn “Người công dân số 1” (Vũ Đình Phòng và Hà Văn Cầu) đã mở đường, gợi lòng tin cho giới văn nghệ sĩ mạnh dạn hơn trong sáng tác và biểu diễn hình tượng Bác Hồ trên sân khấu. Thời gian sau đó, khán giả đã được xem nhiều vở diễn hay về Bác, tiêu biểu như “Đêm trắng”, “Lịch sử và nhân chứng”, “Người không thể chết”…

Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, ngành Sân khấu đã phát động cuộc vận động sáng tác và biểu diễn về đề tài Hồ Chí Minh. Hình tượng Bác không chỉ xuất hiện trên sân khấu kịch nói, mà còn được truyền tải qua chèo, tuồng, ca kịch - vốn là những thể loại rất khó thể hiện hình tượng lãnh tụ. Hai vở diễn gây được tiếng vang trong công chúng và giành giải cao trong đợt hội diễn sân khấu toàn quốc mới đây là “Hồ Chí Minh - Hồi ức mầu đỏ” (Nhà hát Ca kịch Huế) và “Vần thơ thép” (Nhà hát Chèo Việt Nam) đã khẳng định sự thành công trong thể hiện hình tượng Bác qua loại hình nghệ thuật truyền thống. Để đạt được thành công này, như chia sẻ của NSND Bùi Đắc Sừ, khi thể hiện hình tượng Bác trong nghệ thuật chèo phải đặc biệt chú ý phần âm nhạc, thậm chí phải “bẻ” làn, “nắn” điệu sao cho phù hợp, tinh tế. Nếu không sẽ xảy ra phản cảm, gây hiệu ứng ngược.

Theo các nhà nghiên cứu, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, dù ở thể loại nào thì việc xây dựng, thể hiện hình tượng Bác Hồ đều được họ xác định đây là công việc khó, đòi hỏi ý thức nghiêm túc, tinh thần lao động nỗ lực để khán giả được thấy Bác một cách chân thực nhất. Làm sao để Bác trên sân khấu giống Người ở vẻ bề ngoài (mái tóc, chòm râu…), mà còn thể hiện được cốt cách, phong thái, tâm hồn của vị lãnh tụ vĩ đại bằng những cử chỉ, lời nói, hành động tưởng chừng rất nhỏ của Bác trong cuộc sống hằng ngày. Và thực tế các vở diễn đã chứng minh những nỗ lực của giới nghệ sĩ, không ít những kịch bản hay, được diễn xuất tốt đã có sức chinh phục người xem tới đỉnh điểm.

Để sống và làm việc theo gương Bác

GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cho rằng: Thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu không chỉ là thỏa mãn nỗi nhớ của công chúng về một con người vĩ đại, về một người cha, người lãnh tụ gần gũi bằng xương, bằng thịt, mà hơn thế, còn là để các lớp thế hệ con cháu hôm nay thấy rõ mục đích, lý tưởng sống. Sáng tác và thể hiện hình tượng Bác Hồ chính là việc làm thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Thực tế, bản thân mỗi nghệ sĩ khi xây dựng, đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phải trăn trở, tìm hiểu về những đức tính, thói quen của Bác để thể hiện sao cho giống, cho trúng cốt cách con người Bác. Quá trình ấy giúp người nghệ sĩ tự hoàn thiện mình hơn, sống tốt hơn. Nhà viết kịch Lê Quý Hiền tâm sự rằng, khi đọc được câu chuyện, khi đón Bác về thăm, một tỉnh đã mổ cả một con bò để tiếp Bác, sau đó dùng ngân sách nhà nước thanh toán, anh mới hiểu vì sao Bác đến các địa phương thường mang theo cơm để phòng lãng phí “khách ba, chủ nhà… vài chục”.

Để học tập theo Bác, mỗi chúng ta cần thấy rõ rằng, Người cũng là một con người bình thường, cũng giống như mình thì mới học được Bác. Vì vậy, yêu cầu đối với người nghệ sĩ là tái hiện lại những câu chuyện về Bác để thể hiện chân thực, gần gũi con người Bác và còn có ý nghĩa như lời nhắc nhở, căn dặn của vị cha già đối với các thế hệ con cháu.

Như GS Hoàng Chương nói , làm thế nào để đưa được tư tưởng Hồ Chí Minh vào sâu rộng trong nhân dân, cũng là làm thỏa mãn đòi hỏi được chiêm ngưỡng hình ảnh Bác có chiều sâu hơn, giống hơn, sống động và xúc động hơn của nhân dân - đó chính là trách nhiệm của các thế hệ nghệ sĩ . Việc đưa lên sân khấu hình tượng vị lãnh tụ kính yêu được xác định là trọng trách của giới văn nghệ sĩ hôm nay với mong muốn thông qua những tác phẩm chân thực lịch sử để lại cho đời, đặc biệt cho chủ nhân tương lai của đất nước, những bài học đạo đức sống động, sâu sắc và thiết thực. Với công chúng, việc tiếp nhận hình tượng Bác Hồ bằng xương, bằng thịt với những lời nói, việc làm cụ thể có thực sự ý nghĩa thuyết phục và tác dụng giáo dục đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói "Hình tượng Bác Hồ trên sân khấu rất cảm động và cần phải thông qua những nỗi xúc động ấy để mỗi người chúng ta sống, làm việc theo gương Bác".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bài học đạo đức sống động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.