Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhức nhối chuyện ngày thường

Nguyễn Triều| 05/06/2011 05:58

(HNM) - 1. Tôi không hút thuốc lá và cũng không ủng hộ, nhưng điều đó không hề ngăn cản 20 triệu người nghiện thuốc lá ở Việt Nam mỗi năm đốt 73 nghìn tỷ đồng (nếu tính trung bình mỗi người mỗi ngày đốt 10 nghìn đồng), chiếm chừng 8% tổng đầu tư của cả nước năm 2011! Thật tiếc là một thị trường rộng lớn như thế không được quản lý chặt chẽ, nên không chỉ người tiêu dùng mà cả Nhà nước và xã hội đều phải gánh chịu những thiệt hại to lớn.


Chừng vài chục năm trước nhãn hiệu thuốc lá Vinataba bắt đầu được ưa chuộng ở các tỉnh phía Bắc. Mấy năm rồi nó bị "đo ván" bởi nạn làm hàng giả. Hoảng sợ vì chất lượng Vina giả, dân nghiện chuyển sang dùng Thăng Long, một loại thuốc lá không chỉ rẻ, chất lượng lại bảo đảm. Nhu cầu tăng, giá lên vùn vụt và thế là "giả Thăng" xuất hiện. Chưa rõ tiếp đến các quý nghiện sẽ lại đốt giả gì nữa đây?

2. Nhiều năm qua và nhất là thời gian gần đây dư luận thực sự bị sốc vì những gì đang diễn ra trong cái gọi là Thế giới giải trí Việt. Cơ quan quản lý đã đưa ra không ít quy định về biểu diễn nhưng những người gọi là ca sĩ, nghệ sĩ, nhất là "sao trẻ", vẫn liên tiếp phô bày những màn trình diễn mà chỉ họ mới có và cố hấp dẫn người xem bằng những động tác phản cảm như thể một sáng tạo nghệ thuật do họ phát minh... Không chỉ "nhái" thế giới mà họ gọi là "Nghệ thuật bản năng gốc", họ còn tự nhái mình bằng loại hình biểu diễn đánh bùn sang ao, gọi là Nhép!

Không ít những "sao" như thế, những màn diễn như thế hằng ngày công chiếu trên màn ảnh nhỏ vào những "giờ vàng" trong những chương trình bò nhai rơm...

3. Chiến lược giáo dục và đào tạo của Việt Nam thường xuyên cải cách: Từ cách viết, cách phát âm chữ cái đến sách giáo khoa, chương trình giảng dạy... Công cuộc cải cách rộng lớn về quy mô; dài lâu về thời gian và tất nhiên là tốn kém về tiền của, kết quả ra sao con cháu sau này sẽ biết. Vấn đề nhức nhối hiện nay là ngày càng có nhiều hiện tượng dị thường như trường giả (không chỉ cấp mẫu giáo, phổ thông); thầy giả (có bằng tiến sỹ do ngoại quốc cấp mà chưa qua đại học ở Việt Nam chẳng hạn); học sinh giả (số này không cần thống kê)...

Theo quan niệm chung, chỉ hai số âm mới thành số dương nhưng ở ta ba âm (hay bao nhiêu âm tùy) cũng thành dương - trường giả, thầy giả, trò giả mà bằng tốt nghiệp lại thật. Thiết nghĩ không cần thêm nữa cho nhức đầu và tốn giấy mực?

Vấn đề là tại sao "giả" ngang nhiên hoành hành, coi thường pháp luật?

Ai có thể trả lời đầy đủ cho những câu hỏi nhức nhối tâm can mỗi người trong cuộc sống thường ngày? Nhưng vấn đề không dừng lại ở trả lời, nó đòi phải giải quyết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhức nhối chuyện ngày thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.