(HNM) - Nhà văn Lê Phương Liên, nguyên Trưởng ban Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam) là một cây bút sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Kể từ truyện vừa đầu tiên năm 1971, đến nay bà đã có nhiều tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi, tiêu biểu như "Những tia nắng đầu tiên", "Khi mùa xuân đến", "Cuộc phiêu lưu của chú rối Tễu"…
Bà cũng từng dự các khóa học về tâm lý trẻ em, xuất bản cho thiếu nhi ở Đức và Nhật Bản. Hànộimới xin giới thiệu bài viết của bà về văn hóa đọc cho trẻ em, mong góp một lời chia sẻ với các phụ huynh khi chọn sách cho con trẻ trong mùa hè đang tới.
Nhà văn Lê Phương Liên trong những ngày tham dự Liên hoan Châu Á với nội dung cho trẻ em. |
Giờ đây, ngay từ khi mới sinh ra, trẻ em đã được tiếp xúc với nhiều loại công nghệ giải trí hiện đại như: Ti vi, băng đĩa CD, video, những chương trình trong youtube… các loại iphone, ipad… Biết bao nhiêu trò hay ho vui nhộn của cả thế giới hội nhập về trong những cái máy bé tí mà ngay cả trẻ nhỏ 3, 4 tuổi cũng đã biết dùng nhoay nhoáy.
Vậy có phải chăng, càng biết sử dụng nhiều máy móc hiện đại thì trí tưởng tượng của con người càng phát triển?
Chắc nhiều bạn đã quen thuộc với hình ảnh "Nàng tiên cá" của phim hoạt hình Walt Disney, quen đến nỗi không còn hình dung ra "Nàng tiên cá" có thể mặc áo khác, có màu tóc khác và có gương mặt khác… Thế nhưng nếu bạn đọc có dịp đọc truyện cổ tích "Nàng tiên cá" của nhà văn Đan Mạch, Hans Christian Andersen, bạn sẽ có một cảm giác khác. Truyện cổ tích đó đã có nhiều bản dịch sang tiếng Việt và đã được nhiều nhà xuất bản phát hành rồi đấy. Ta hãy cùng đọc những đoạn văn này nhé:
"Xa tít ngoài khơi, nước xanh như cánh hoa cúc lam tươi nhất, trong như thủy tinh trong nhất, nhưng nước sâu thăm thẳm, sâu đến nỗi không tài nào buông neo tới đáy được. Muốn từ đáy biển lên mặt nước, phải xếp chồng không biết bao nhiêu tháp chuông nhà thờ. Ngay dưới biển là nơi dân biển sinh sống…".
Bạn có thấy đoạn văn khiến tâm hồn chúng ta bỗng như được phiêu diêu tưởng tượng đến một nơi xa xôi, sâu thẳm… đó là một cõi kỳ diệu nơi sinh sống của các nàng tiên cá. Và, các nàng tiên cá thì sống ra sao nhỉ:
"… Suốt ngày các nàng chơi đùa trong cung, ở các phòng lớn có hoa mọc trên tường. Cá bơi vào với các nàng, như chim én bay vào nhà khi ta mở cửa sổ. Cá đớp thức ăn trên tay các nàng và được các nàng vuốt ve…".
Trẻ đọc những dòng này sẽ tưởng tượng ra những cảnh đẹp dưới đáy biển, dù ta chưa bao giờ được biết đến, mà có khi hoàn toàn không giống với phim hoạt hình mà ta đã xem.
Việc thưởng thức ngôn từ hoàn toàn không giống với việc giải trí bằng cách xem phim ảnh, dù phim ảnh còn cả âm thanh tiếng động đi kèm... Hình ảnh của phim ta có thể lẫn lộn, có thể nhớ mang máng, có thể quên, nhưng hình ảnh của ngôn từ một khi đã in sâu vào tâm hồn với những nỗi xúc động bồi hồi thì sẽ khiến ta nhớ mãi.
Tôi đọc truyện "Nàng tiên cá" từ thuở còn là một thiếu nữ thơ bé và dường như không thể quên được cảm giác khi đọc đến những trang cuối, khi nàng tiên cá biến thành bọt biển rồi lại bay lên trở thành một cô gái không trung mà "… những tiếng nói của họ như lời ca du dương, nhưng mong manh đến mức tai người không nghe được, cũng như mắt người không thấy họ được…". Nỗi xúc động yêu thương "Nàng tiên cá" khiến tôi không thể nào mong muốn mình sẽ trở thành một đứa trẻ hư, độc ác để các cô gái thiên thần phải buồn và khóc. Để rồi mỗi giọt nước mắt sẽ thêm một ngày vào thời gian thử thách của các cô gái trong suốt như áng mây hồng bay qua ấy.
Trò chuyện như vậy để muốn nói rằng, thật là đáng tiếc nếu chúng ta đã để các cháu nhỏ bỏ mất thói quen đọc sách văn học, nghĩa là sách có nhiều chữ. Ngôn từ kỳ diệu sẽ đến với chúng vừa lặng lẽ lại vừa sôi động, trí tượng tưởng của chúng sẽ phát triển rộng mở hơn rất nhiều, hơn cả phim 3D… 4D… Nếu biết thưởng thức những tác phẩm hay của dân tộc Việt Nam và của thế giới thì trí tưởng tượng của chúng ta sẽ là mở rộng rất nhiều chiều…
Trí tưởng tượng thông qua việc đọc sách còn giúp chúng ta khám phá lịch sử dân tộc. Tôi không tin rằng con em chúng ta không yêu thích lịch sử nước nhà. Vấn đề là ở cách chúng ta truyền đạt thôi. Vừa qua, tôi có dịp đến Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng - thị trấn Đông Anh, Hà Nội. Xem các em học sinh diễn hoạt cảnh trích đoạn tác phẩm "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà bồi hồi. Khi cậu bé đóng vai Trần Quốc Toản, mặc áo bào, khăn đóng, đai lưng đeo thanh gươm gỗ, chân đi đôi hia, chững chạc giơ cao quả cam, xiết chặt bàn tay lại thì… cả ngàn học sinh xúc động vỗ tay vang dội. Tình cảm thiêng liêng của nhân vật anh hùng nhỏ tuổi từ những trang văn đã truyền cảm hứng đến các em, khiến các em có thể tưởng tượng và tái hiện không khí lịch sử từ hàng trăm năm về trước. Thật không sai khi ai đó nói rằng trẻ em được sống trong bầu không khí ngôn ngữ văn học sẽ như trà được ướp trong hương sen.
Trong một thị trường sách và các sản phẩm nghe nhìn quá sôi động như hiện nay, có phải trẻ em cũng đang chịu nhiều chi phối? Các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo… và mọi người lớn hãy bền bỉ, kiên trì hướng các em đến với những cuốn sách hay, sách có ích, rèn cho trẻ em thói quen đọc sách, thói quen tưởng tượng qua ngôn ngữ.
Sự kỳ diệu sẽ đến từ sau mỗi trang sách!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.