Theo dõi Báo Hànộimới trên

Như thế có là đáng lo?

Thái Sơn| 23/06/2015 06:02

(HNM) - Chiều 22-6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố chỉ số hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh (chỉ số MEI) của 14 bộ có liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Theo lãnh đạo VCCI, việc thực hiện "chấm điểm" chỉ số MEI của các bộ là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và triển khai Nghị quyết 19/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để có chỉ số MEI, VCCI đã tiến hành điều tra 228 hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho trên 409.000 doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh trong cả nước.

Chỉ số MEI đánh giá các bộ có 5 bảng xếp hạng riêng, gồm các chỉ số: Soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; Công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật; Tổ chức thi hành pháp luật; Rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật.

Với công bố của VCCI về chỉ số MEI, đáng chú ý là chỉ số Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Tại bảng xếp hạng chỉ số thành phần này, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn được đánh giá đứng đầu với 66 điểm, tiếp theo là Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải... Đáng lưu ý, những bộ ban hành văn bản quy phạm pháp luật có tác động mạnh hoạt động kinh doanh lại được đánh giá có chất lượng không cao. Cụ thể, như Bộ Công thương đứng thứ bảy với 62,5 điểm, Bộ Tài chính đứng thứ 10 với 60,3 điểm. Ba bộ xếp hạng cuối bảng gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường và cuối cùng là Bộ Y tế.

Vẫn biết kết quả về chỉ số MEI do VCCI công bố chỉ có giá trị tham khảo, tuy nhiên đây là một kênh thông tin quan trọng giúp các bộ nhìn nhận hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của mình. Đặc biệt trong đó, chỉ số Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật quyết định tới hiệu quả các hoạt động pháp luật khác của cơ quan chức năng. Cụ thể, văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (năm 2008) hoặc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND (năm 2004), trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Như vậy, sự chuẩn mực của các văn bản quy phạm pháp luật, hay nói cách khác là chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, trong đó có hoạt động kinh doanh.

Xin đề cập tới một số góc độ khác có liên quan tới các văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế là một số loại văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành ban hành trong thời gian vừa qua có tuổi thọ rất ngắn, nói cách khác là "chết yểu" bởi không thể áp dụng, vận hành trong đời sống xã hội. Lại có những trường hợp khiến người ta cảm giác cơ quan ban hành làm chiếu lệ, cho có, cho xong nên phải đối mặt với sự phản ứng gay gắt từ dư luận ngay từ khi soạn thảo. Đặc biệt, còn xuất hiện cả những trường hợp khi cấp có thẩm quyền ký và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới phát hiện ra sự "vênh" nhau hoặc chưa thống nhất giữa các ngành, các cấp, cũng như những quy định của pháp luật đã được ban hành trước đó. Cuối cùng, cơ quan xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải tốn nhiều thời gian, giấy mực, công sức và chắc chắn là cả… kinh phí để bàn thảo, sửa đổi, bổ sung. Sự lãng phí khó đo đếm cụ thể ấy cũng đã được nhiều đại biểu dẫn chứng, phân tích tại diễn đàn Quốc hội…

Như vậy, công bố của VCCI về chỉ số MEI, trong đó có chỉ số Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của các bộ hiện nay quả là đáng lo khi công tác này chưa nhận được sự chú trọng đúng mức hoặc thực hiện chưa có sự chuyên nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Như thế có là đáng lo?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.