(HNMO) - Một nhóm các nhà lập pháp Mỹ, ngày 9/5 đã ra tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc đã có hành động
Nhóm các thượng nghị sỹ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban Robert Menendez, cùng các ông Marco Rubio, Ben Cardin, Jim Risch, Patrick Leahy ra tuyên bố chung lên án việc Trung Quốc liên tục có những hành động gây rối ở Biển Đông.
Các nghị sỹ Mỹ lên án việc Trung Quốc đưa dàn khoan vào vùng biển của Việt Nam. |
"Hoạt động gần đây của Trung Quốc với việc đưa một giàn khoan dầu được hộ tống bởi tàu quân sự và các tàu khác vào vùng Biển Đông ngoài khơi bờ biển của Việt Nam, cùng với những hành vi hiếu chiến tiếp sau đó của tàu Trung Quốc, trong đó có việc đâm vào các tàu của Việt Nam, là rất đáng quan ngại. Những hành động này đe dọa hoạt động thương mại tự do toàn cầu trong một khu vực có tầm quan trọng", các thượng nghị sĩ nhấn mạnh trong bản tuyên bố.
Nhóm nghị sỹ lưỡng đảng này chính là những người mà hồi tháng 4 vừa qua đã đề xuất một nghị quyết của Thượng viện tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với tự do hàng hải và hoạt động trong khu vực, hối thúc tất cả các bên liên quan trong cuộc tranh chấp lãnh thổ cùng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao hòa bình cho các tranh chấp.
Giờ đây, nhóm các nghị sỹ này hối thúc các đồng nghiệp thông qua nghị quyết của Thượng viện Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ đối với hoạt động tự do lưu thông hàng hải trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải bằng con đường ngoại giao hòa bình.
Các thượng nghị sĩ cảnh báo rằng, việc tháng 11/2013 Trung Quốc thiết lập một "vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) trên biển bao gồm các đảo tranh chấp với Nhật Bản, và các hoạt động gần đây trên Biển Đông khiến dư luận phải đặt ra những câu hỏi về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với an ninh khu vực.
Trước đó, hôm thứ tư, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã nói với các phóng viên rằng Washington phản đối "bất kỳ hành động đe dọa" trong khu vực tranh chấp và hy vọng vấn đề chủ quyền có thể được giải quyết về mặt ngoại giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.