Ngày 13-4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thông báo nhóm điều tra viên quốc tế về vũ khí hóa học đầu tiên đã tới Syria.
Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an với chủ đề "Những mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế," Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết nhóm thứ hai tới quốc gia Trung Đông này trong ngày 13-4 hoặc một ngày sau đó.
Trước đó, ông đã cảnh báo tình hình tại Trung Đông đang hỗn loạn tới mức có thể trở thành mối đe dọa đối với an ninh và và hòa bình của quốc tế, trong đó cuộc chiến Syria là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Ông cũng khẳng định rằng không thể dùng giải pháp quân sự cho cuộc xung đột tại Syria, đồng thời hối thúc tất cả các quốc gia "hành xử một cách có trách nhiệm" và tránh để tình hình vượt tầm kiểm soát.
Binh sỹ Syria trong chiến dịch truy quét phiến quân tại Douma. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Cùng ngày, Ủy ban Điều tra quốc tế độc lập về Syria (COI) đã đưa ra tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo quản các bằng chứng liên quan đến vụ tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma, miền Đông Ghouta của Syria hồi tuần trước.
Tuyên bố của COI nêu rõ tất cả các bên liên quan cần phải đảm bảo không có bất cứ sự xâm phạm nào tới hiện trường khả nghi, vật chứng, nhân chứng hoặc nạn nhân trước khi các nhà điều tra và giám sát độc lập có thể tiếp cận hiện trường.
COI cũng bày tỏ hoan nghênh việc các nhân viên Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đang được triển khai tới Syria để điều tra về vụ tấn công mà phương Tây cáo buộc là sử dụng vũ khí hóa học ở Douma, cũng như việc Damascus cam kết đảm bảo các nhân viên của OPCW được phép tự do đi lại, tiếp cận tự do và toàn diện hiện trường để phục vụ công tác điều tra.
Được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thành lập, COI có chức năng thu thập bằng chứng về những tội ác quốc tế nghiêm trọng trong cuộc xung đột tại Syria kể từ năm 2011.
Đây là cơ quan Liên hợp quốc đầu tiên đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong một vụ việc tương tự hồi tháng 4 năm ngoái, cáo buộc quân đội chính phủ sử dụng vũ khí hóa học khiến hàng chục người thiệt mạng ở thị trấn Khan Sheikhun, bất chấp việc Syria kiên quyết bác bỏ.
Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà điều tra COI chưa từng được phép đặt chân tới quốc gia Trung Đông này. COI khẳng định rằng cơ quan này đang nắm giữ tài liệu về 34 vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học của các bên liên quan tại chiến trường Syria.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.