(HNM) - Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến cho những làng hoa tên tuổi của Hà Nội như Tây Tựu, Nhật Tân, Quảng Bá, Tứ Liên… dần bị thu hẹp, thậm chí biến mất. Năm 2008, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc về với Hà Nội, Thủ đô có thêm một vùng chuyên trồng hoa mới. Nhưng không phải mùa hoa nào cũng bội thu. Lặn lội cùng những người trồng hoa trong tiết hè nóng nực, mới thấy hết sự nhọc nhằn, gian khó của nghề "làm đẹp" cho đời.
Xã Mê Linh, huyện Mê Linh có 250ha đất trồng trọt, trong đó 10ha trồng hành tây, bí xanh, còn 240ha trồng hoa hồng tập trung ở làng hoa Hạ Lôi, Liễu Trì và Ấp Hạ với 2.700 hộ dân. Dọc theo quốc lộ 23B qua xã Mê Linh là những cánh đồng hoa ngút ngàn. Nghề trồng hoa mới đó mà đã bén duyên trên đất này hơn 10 năm nay, khẳng định một hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Người dân ở đây có thâm niên trồng hoa hồng, loài hoa rất khó tính với thời tiết. Trồng 2 năm mới cho hoa lứa đầu, nhưng bù lại hoa hồng có những ưu điểm nổi trội: Nếu như chăm sóc đúng kỹ thuật hoa sẽ cho bông trên 10 năm, trong khi đó các loại khác tuổi thọ rất ngắn. Về thời tiết, hoa hồng chỉ thích hợp ở nhiệt độ 17, 18 độ C, cao quá hoa không nở, nên mùa hè hay thất bát, ngoài việc bón phân, trừ sâu, bệnh, người trồng hồng còn phải theo dõi từng nụ hoa, vừa nhú phải cuốn lại không cho nở, đợi đúng ngày thu hoạch.
Người thưởng ngoạn đến với vùng hoa Mê Linh những ngày cận Tết hay những ngày tháng 3 rộn ràng, còn chúng tôi đến với vùng hoa Mê Linh trong cái nắng chói chang của mùa hè rực lửa. Người ta ví, buồn như đến vựa hoa Hà Nội trong nắng hạ chói chang. Câu nói ấy hàm chứa thật nhiều điều. Đã gần 12h trưa, nắng gắt mà các bà, các chị vẫn cặm cụi bên những luống hoa. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mê Linh Nguyễn Thị Hồng Thủy cho biết, phụ nữ Mê Linh 5h sáng đã có mặt ngoài đồng, hiếm có nơi nào đất đai được tận dụng tới từng mét vuông như ở đây.
Đến gia đình anh Nguyễn Văn Hạnh, chị Nguyễn Thị Kỳ ở xóm Đường, thôn Hạ Lôi, đúng vào bữa cơm trưa, mâm cơm chỉ có đĩa rau luộc và vài bìa đậu phu. Ngôi nhà cấp 4 nhỏ xíu nằm khép mình trong mảnh vườn hơn 200m2 đầy ắp rau màu. Anh Hạnh phân trần: mấy tháng nay bà con vất vả quá, giá hoa, rau cái gì cũng rẻ, bán cả ngàn bông hoa không đủ tiền mua cân thịt. Khó khăn tứ bề, vay được hai chục triệu của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính từng đồng, phần mua giống, phần mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… rồi tính làm sao đến cuối năm thu hoa để có tiền trả cho ngân hàng. 5 năm qua, vùng hoa này có sự đổi thay, nhiều giống hoa mới nhập về, chủng loại cũng phong phú hơn, hạ tầng vùng hoa cũng được Nhà nước quan tâm nhưng nông dân mong Nhà nước quan tâm nhiều hơn. Giá vật tư nông nghiệp leo thang từng ngày, thuốc bảo vệ thực vật, giống, phân bón cái gì cũng tăng trong khi hoa làm ra bán rẻ quá. Người trồng hoa chỉ trông vào mấy tháng cuối năm, hoa đẹp, được giá. Bốn tháng hè thì "treo niêu" hết, nên cần được "tiếp sức".
Bà Nguyễn Thị Phúc, cán bộ mặt trận của thôn Hạ Lôi chia sẻ, ở đất này, bà con sống được là nhờ vào hoa, nhưng còn nhọc nhằn, gian khó lắm. Đa phần hộ dân ở đây bám vào vài sào hoa, mùa xuân thu hoạch khá, còn mùa hè cầm cự được đã mừng, vì hoa rẻ hơn rau. Đa phần bà con đều làm nhỏ lẻ, trồng vài ba sào, gặp thuận lợi mới có đồng ra đồng vào còn lúc rớt giá thì khó khăn vô cùng. Đó là chưa kể tới rủi ro khác như thiên tai, bão lụt. Nhiều diện tích trồng hoa của Hạ Lôi nằm xen kẹt với các vùng đô thị, công nghiệp, việc tiêu thoát úng rất khó khăn, gặp một trận mưa rào là mất công chăm bón cả năm trời. Bà Phúc cho biết thêm: Xóm Đường, thôn Hạ Lôi có 518 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu thì có tới hơn 300 hộ có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm để đầu tư phát triển sản xuất hoa nhưng mới chỉ có 50 hộ tiếp cận được, chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu. Để vùng hoa Mê Linh trụ vững, rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng, cần hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng để tránh úng ngập cục bộ, ảnh hưởng đến chất lượng vùng hoa… có vậy, người trồng hoa Mê Linh mới hy vọng làm giàu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.