(HNM) - Những năm gần đây, khi nhu cầu về rau sạch ngày càng cấp thiết đối với bếp ăn của từng gia đình, thì cùng với đó nhiều người ở các tỉnh phía Bắc đã vào huyện ven đô Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh để làm nên một “vành đai rau xanh”. Có được thành quả như hôm nay, người trồng rau đã phải trải qua bao nỗi nhọc nhằn... Cũng từ đó đã tạo nên những câu chuyện đời thường bình dị bên cây rau sạch.
Ông Vũ Minh Đức cùng vợ rời quê từ huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) vào thuê đất trồng rau ở ấp 6 (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) từ năm 2013. Ông Đức cho biết, gia đình đã thuê 2.500m2 đất với giá 28 triệu đồng/năm. Để có được “cơ ngơi” rau xanh như hôm nay, ông đã phải đầu tư khá nhiều công sức và tiền của. Nhớ những ngày đầu vào lập nghiệp, ông Đức được một người sang nhượng lại khu vườn rau với giá 100 triệu đồng, gồm một căn chòi xập xệ và mảnh đất đã cải tạo từ ruộng lầy. Có được mảnh đất, ông Đức bắt tay vào xây dựng hạ tầng như lắp đặt bồn chứa nước, ống dẫn nước, mua máy làm đất, mua phân gà ủ hoai mục để tăng chất lượng đất...
Vợ chồng ông bà Vũ Minh Đức, Nguyễn Thị Thơm ở ấp 6 (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) thu hoạch rau cải ngọt. |
Sự vất vả, chăm chỉ làm lụng của vợ chồng ông Đức cũng đến ngày cho quả ngọt. Hôm chúng tôi đến thăm đã được chứng kiến một vườn rau xanh tốt, gồm nhiều loại như mồng tơi, xà lách, cải ngọt, cải nhúng... Bà Nguyễn Thị Thơm - vợ ông Đức cho biết, mùa này rau tương đối được giá. Bình quân, mỗi ngày ông bà cắt bán cho thương lái hoặc mang tới chợ đầu mối Hóc Môn chừng 120-170kg rau. Trừ các chi phí, mỗi năm cũng để dành được xấp xỉ 100 triệu đồng. “Hai vợ chồng lúc nào cũng luôn tay, luôn chân từ sớm đến tối mịt mới xong việc ngoài vườn. Gần sáng lại phải chở rau ra chợ đầu mối để bán cho kịp giờ”, ông Đức chia sẻ.
Với người trồng rau, họ vẫn biết rằng dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học là không tốt. Vì thế, khi nhu cầu rau sạch ngày càng tăng, những người trồng rau ở Hóc Môn đã chuyển hướng sang trồng rau hữu cơ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Chị Nguyễn Thị Dinh, theo chồng người Nam Định vào trồng rau mới được 4 tháng cho biết, tìm hiểu trên mạng internet có một số phương pháp dùng phân bón sinh học, chị và gia đình đã thử vì có một số hộ dân đặt hàng trồng rau sạch.
Nỗi niềm người trong cuộc
Tuy nhiên, người trồng rau ở Hóc Môn vẫn còn đó những nỗi niềm. Thực tế, mặc dù đã đầu tư cả trăm triệu đồng cho hệ thống tưới tiêu, lưới, giống... nhưng họ không được bảo đảm chắc chắn cho việc làm ăn ổn định lâu dài. "Bởi chủ đất chỉ đồng ý ở hợp đồng đầu tiên là cho thuê với thời hạn 3 năm. Sau đó là hợp đồng một năm để họ dễ tăng giá cũng như chấm dứt hợp đồng", chị Nguyễn Thị Dinh chia sẻ.
Tại ấp Tam Đông 2 (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn), vườn rau rộng 2.000m2 của gia đình chị Lê Thị Bình đang phấp phỏng lo ngại bị chủ đất thu lại. Chị Bình lo lắng: “Gia đình mới trồng rau được 3 năm, bao nhiêu vốn liếng dồn cả vào đấy, vẫn chưa thu hồi đủ thì chủ đất đã báo sẽ kết thúc hợp đồng để bán đất”. Từ xã Quỳnh Xuân (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vào huyện Hóc Môn thuê đất sản xuất tuy biết là tạm bợ nhưng theo chị Bình, trồng rau vẫn cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa. "Nếu bị chủ đất chấm dứt hợp đồng, chúng tôi sẽ phải tìm thuê khu đất mới và làm lại từ đầu", chị Bình cho biết.
Ở “làng rau” thuộc ấp Tam Đông 2 (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn), chúng tôi gặp ông Lâm Văn Dũng, một trong số ít người dân gốc địa phương có thâm niên trồng rau từ 8 năm nay. Ông Dũng có vườn rau rộng trên 2.200m2. "Nghề trồng rau sống về đêm là chủ yếu. Thường thì chúng tôi thu hoạch rau vào buổi chiều và chở ra chợ bán lúc đêm đã khuya. Những khi đắt hàng thì được về sớm, nếu không phải ở chợ đầu mối suốt đêm", ông Dũng nói. Trung bình gia đình ông Dũng thu hoạch khoảng 1,5 tạ rau/ngày.
Cùng chung nỗi niềm với bà con nông dân, bà Lê Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, cho biết: “Thực tế, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã còn nhiều nhưng hiệu quả kinh tế còn thấp. Nguyên nhân cơ bản do xã chưa có hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp chuyên thu mua rau của nông dân, đồng thời do chi phí sản xuất cao nhưng giá bán thấp và bấp bênh nên người dân không mạnh dạn đầu tư…”. Theo thống kê, hiện tại, toàn xã Đông Thạnh có 154 hộ trồng rau với tổng diện tích 44ha, trong đó có 153 hộ là người ngoại tỉnh, nhiều nhất đến từ Nam Định. Đa số các chủ vườn rau đều trồng các loại rau ăn lá như mồng tơi, rau dền, xà lách, cải ngọt...
Theo Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (giai đoạn 2016-2020), phấn đấu đến năm 2020 diện tích gieo trồng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn đạt 16.319ha, giá trị sản xuất đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, trên 90% các tổ chức, cá nhân tại các vùng sản xuất rau an toàn tập trung được giám sát kiểm tra, bảo đảm đủ điều kiện sản xuất, sơ chế sản phẩm rau, quả an toàn phù hợp theo tiêu chuẩn VietGAP. Riêng huyện Hóc Môn, phấn đấu đến năm 2020 diện tích canh tác rau an toàn là 200ha; định hướng năm 2025 là 215ha.
Nhằm góp phần giúp người trồng rau an toàn bảo đảm đầu ra ổn định, từ cuối năm 2017 đến nay, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp để cân đối cung và cầu, hỗ trợ sản xuất rau an toàn. Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã TP Hồ Chí Minh đã đề xuất với các sở, ban, ngành thành phố hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hiện đại nhằm phát triển một “vành đai rau xanh” an toàn quanh thành phố theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hy vọng với các giải pháp của các cấp, ngành TP Hồ Chí Minh cùng sự nỗ lực của người nông dân, nghề trồng rau sạch trên địa bàn huyện Hóc Môn nói riêng và thành phố nói chung sẽ phát triển ổn định, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.