(HNM) - Hôm qua, trên một tờ báo có thông tin về câu chuyện thật như đùa: Từ nhiều năm nay, hơn 500 học sinh và 42 giáo viên Trường mầm non xã Hữu Bằng (Thạch Thất - Hà Nội) phải đi mượn lớp, phải dùng chung một phòng vệ sinh và phải đi đại tiện vào… túi nylon.
Đó thực sự là giọt nước tràn ly bởi liên tục trong những ngày qua, truyền thông đại chúng đã đưa tin về tình trạng quá tải ở nhiều cấp học. Điều gây bức bối là thực trạng buồn không phải là mới, nhưng ngành GD-ĐT vẫn bó tay dù có trong tay "cây gậy" Luật Giáo dục và biết bao văn bản dưới luật quy định rõ ràng những gì có liên quan đến những trường hợp nêu trên. Luật là vậy, quy định là vậy, cụ thể và rạch ròi nhưng không thể điều tiết hiện thực như mong muốn bởi điều đó phụ thuộc vào những yếu tố khách quan khác. Có phải luật "chưa to"?
Muốn trả lời câu hỏi trên, có lẽ phải "khảo" thêm một số trường hợp khác. Hôm trước, qua ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo, thấy chị đi xe máy được CSGT mời vào lề đường xử lý. Từ lỗi chính là vượt đèn đỏ, "tự nhiên" lòi ra hai lỗi "phụ", ấy là xe không có đủ hai gương và chị chuyển hướng mà không bật đèn tín hiệu. Chuyện xong, chị xe máy lên yên, lẩm bẩm: "Đi mãi, có thấy ai phạt tội đi xe không đủ gương chiếu hậu đâu. Có mà phạt cả ngày không hết!".
Chị nói sai, bởi rõ ràng là có quy định, chỉ có điều là vì lý do nào đó mà CSGT ít khi dừng xe không có gương chiếu hậu, và cũng không mấy khi phạt người điều khiển xe máy chuyển hướng mà không bật xi-nhan. Luật có, nhưng có lẽ vì "lỗi nhỏ", ít bị phạt nên lâu rồi người tham gia giao thông thấy "lạ" khi bị nhắc nhở mà thôi.
Cái sự "chưa to" của luật pháp còn ẩn hiện trong một số lĩnh vực khác nữa, như an toàn vệ sinh thực phẩm, thương mại, dịch vụ. Luật, văn bản dưới luật, quy định chung mà là "to thực sự" thì tại sao có chuyện dân bức bối vì bị "chém" khi gửi xe? Tại sao hàng quán vỉa hè, ngay cống rãnh, mất vệ sinh là thế mà vẫn tồn tại ngày này qua tháng khác? Tại sao dân kinh doanh không tuân thủ quy định bán hàng niêm yết giá mà vẫn chẳng làm sao? Bởi đó là "lỗi nhỏ" chăng?...
Người ta bảo con người có xu hướng thỏa mãn ý thích cá nhân. Cá nhân quá thì hành vi có khi đi ngược lợi ích cộng đồng, bởi thế mà cần phải có luật, quy định để giữ kỷ cương. Không có điều luật nhỏ, điều luật to. Đã là luật, là quy định thì ai, tổ chức nào cũng phải chấp hành, vấn đề là sự nghiêm minh trong thi hành luật ở mức nào mà thôi. Trong những điều dẫn ở trên, lỗi thuộc về người giám sát việc thực hiện luật, lỗi của công dân, những hành vi ấy dẫn đến hậu quả là luật "nhỏ đi" trong mắt người, tính nghiêm minh bị ảnh hưởng và dần dà, sự phạm luật trở nên "tự nhiên như hơi thở". Khi có nhiều người "quen" phạm luật, coi đó là bình thường thì đó thực sự là điều đáng lo.
Dân quen sống chung với vi phạm luật thì không chỉ họ, mà cả cơ quan giám sát thực hiện luật cũng phải xem lại trách nhiệm xã hội của mình!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.