(HNMO)- Ất Mùi tháng Chạp thiếu ngày, ngày 27 âm cũng chỉ loanh quanh 48h nữa bước sang năm mới. Chính vào thời khắc hối hả này, nhiều nhà trên phố mới đủng đỉnh quây quần gói bánh.
Bánh được gói tuỳ theo khẩu vị từng nhà mà cho thêm miếng thịt mỡ, thêm chút đậu cho ngậy, béo. Nhiều nhà cầu kỳ còn gói riêng bánh chay gạo nếp xôi gấc pha chút ngọt ngào của đường mật để dâng cúng tổ tiên.
Theo thói quen, bánh gói xong cũng nhằm lúc thành phố lên đèn, phố đã bớt bon chen, hè cũng thoáng hơn để bày bếp ngay trên vỉa hè góc phố.
Nồi bánh chưng được đun trên phố Phan Bội Châu chiều 27 Tết |
Như bao đời nay vẫn vậy, dù ông Táo mỗi nhà đã đổi thay hiện đại với bếp ga, bếp điện... nhưng hình ảnh 3 ông đầu rau kê ngay ngắn bằng gạch vẫn hiện hữu trên mỗi góc phố con đường. Nồi bánh chưng ăm ắp, thể hiện sự đủ đầy của một năm đã qua như xua tan băng giá mùa đông, gợi về những Hà Nội ấm cúng chứa chan tình người.
Và rồi bánh chín được dẫn lửa ngay bằng củi đốt gom từ cành khô, củi vụn trên đường. Giữa không gian chật chội của phường phố không thiếu những nguyên liệu để thúc bánh mau chín. Cũng vì đang là dịp cuối năm nhà nhà dọn dẹp trang hoàng đón Tết, củi khô chẳng phải tìm đâu xa cũng lấy từ nguồn dồi dào phong phú đó. Có nhà dọn dẹp bày biện cả tủ giường cũ chờ chị gánh gồng qua thanh lý nhưng khi hàng phố qua xin về luộc bánh cũng vui vẻ chở đến tận nơi. Tình làng, nghĩa xóm bỗng càng thêm đượm.
Bếp lửa nồng đượm gợi về sự quây quần ấm áp quanh nồi bánh |
Một dạo, những nồi bánh chưng trên phố như thế tưởng như mai một khi bánh được làm sẵn ngoài nhà hàng, bày bán sẵn trên những chợ lớn, chợ bé xuất hiện khắp ngõ phố Hà Nội. Một dạo, thói quen gói bánh vuông vức, đủ đầy là tiêu chuẩn của một bà nội tướng đích thực cũng phôi pha... Có lẽ vì thế bắt chợt bắt gặp một nồi bánh chưng đang nổi lửa trên phố lợi thổn thức nhớ về những mùa xuân đã qua ấm áp trong lòng phố...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.