Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ Lê Dũng

Phương Năm| 22/10/2022 11:50

(HNM) - Trước khi viết bài này, tôi xin phép hương hồn Phó Tổng Biên tập Lê Tiến Dũng cho tôi được xưng hô như ngày chúng ta còn công tác bên nhau.

Tôi được nhận vào Báo Hà Sơn Bình tháng 2-1983 thì đến tháng 7-1985, Lê Dũng về cơ quan. Tôi là "ma cũ", lại hơn tuổi nên Dũng gọi tôi là chị. Tôi còn nhớ trong khoảng thời gian từ năm 1981 đến 1985, Báo Hà Sơn Bình tuyển một loạt phóng viên, nhân viên mới. Người là bộ đội chuyển ngành, người từ cơ quan báo khác hoặc một ngành nào đấy chuyển sang. Song, hầu hết anh chị em đều được đào tạo rất cơ bản. Vì thế sau này, họ đều trở thành cán bộ nòng cốt của cơ quan, và Lê Dũng là một trong số đó.

Hình ảnh chàng phóng viên cao lớn, khỏe mạnh và có phần nghiêm nghị ngay từ những ngày đầu còn in đậm trong tâm trí tôi. Dũng vốn là kỹ sư Phòng Thủy lợi huyện Ứng Hòa chuyển đến. Sau này tôi được biết Dũng từng được Trường Đại học Thủy lợi giữ lại làm giảng viên, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên Dũng xin chuyển về công tác gần nhà. Ở huyện, Dũng có nhiều bài viết cộng tác với Báo Hà Sơn Bình nên được tuyển làm phóng viên.

Quê Dũng - xã Trầm Lộng là một trong những xã ở huyện Ứng Hòa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp. Đây là xã nằm trong vùng được mệnh danh Khu Cháy - nơi đã từng chịu đựng sự càn quét, bắt bớ, giết chóc tàn khốc nhất của giặc Pháp. Gia đình Dũng là một trong số ít gia đình được ghi danh có công với cách mạng đợt đầu tiên. Có lẽ vì thế nên sức khỏe của bố mẹ Dũng bị ảnh hưởng nặng nề, khiến Dũng không thể rời xa.

Dũng về Báo Hà Sơn Bình và được phân công vào Phòng Bạn đọc. Ngày ấy, công tác ở một tờ báo địa phương vô cùng vất vả. Tỉnh Hà Sơn Bình lại rất rộng, địa hình phức tạp, trải dài từ huyện Mai Châu giáp tỉnh Sơn La, Yên Thủy giáp Thanh Hóa, Phú Xuyên giáp Hà Nam. Phóng viên đi công tác chủ yếu bằng những chiếc xe khách cũ kỹ, long sòng sọc. Vì thế, mỗi lần đi viết điều tra theo thư bạn đọc cũng phải mất mấy ngày, thậm chí cả tuần. Người thận trọng và nghiêm túc trong nghề nghiệp như Lê Dũng thì càng cần nhiều thời gian hơn. Có lẽ vì thế mà sau này, Dũng đều được phân công làm trưởng các ban: Hành chính - Trị sự, Chính trị - Văn xã, Thư ký Tòa soạn. Và đến tháng 3-2000 thì Lê Dũng được đề bạt Phó Tổng Biên tập phụ trách nghiệp vụ.

Là người trầm tính, kín tiếng, lại được phân công "gác cổng" tất cả các chuyên trang Cuối tuần, Hằng tháng... nên gần như suốt ngày Lê Dũng “chôn chân” trong bốn bức tường, ít có điều kiện giao lưu với mọi người. Em là người rất chân thành, mộc mạc. Tôi nhớ dạo còn làm phóng viên, một hôm tôi được phân công đi viết một bài "chữa cháy" cho tòa soạn. Hôm ấy trời rất nắng, nơi đến lại cách tòa soạn đến gần 100 cây số cả đi lẫn về. Tôi lại đang loay hoay không biết phải xử lý ra sao khi chỉ có một chiếc xe đạp bó lốp. Dũng như hiểu được khó khăn đó của tôi, quay sang bảo:

- Chị cất xe đạp vào phòng. Em đi cùng.

Thế là hai chị em "cưỡi" chiếc Simson cũ Dũng vừa "tậu" được lên đường. Đó cũng là lần thứ hai Dũng chủ động giúp tôi giải quyết tình huống khó khăn.

Vốn tính Dũng ít va chạm, tiếp xúc nhưng khi cần thể hiện quan điểm gì thì rất sắc sảo, nghiêm túc và kiên quyết. Nhất là trong chuyên môn, nghiệp vụ, Dũng chỉn chu tới từng câu chữ. Thế nên, "sếp" Tổng Biên tập nào cũng yên tâm khi có Dũng ngồi nhà “gác gôn”.

Từ năm 2005, tôi có dịp làm việc với Lê Dũng nhiều hơn vì tôi được điều sang làm Trưởng ban Báo Điện tử. Dũng là người giỏi công nghệ nên được cơ quan phân công phụ trách thêm báo Điện tử. Đây cũng là thời gian chúng tôi làm việc với nhau rất ăn ý và vui. Là lĩnh vực mới nên tất cả đều vừa làm, vừa học, không khí sôi động hẳn lên. Nhất là khi tập trung vào những sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng, các kỳ họp HĐND hay đón giao thừa... Tôi nhớ có lần tôi đề nghị cho mấy bạn trẻ tham gia đọc, tin bài trong video clip. Trước đó, việc này do tôi đảm nhiệm vì tôi đã có 4 năm làm ở đài phát thanh. Dũng yêu cầu nghe thử trước khi đẩy lên mạng. Vừa nghe, Dũng vừa tủm tỉm cười. Đến câu cuối thì em cười lên thành tiếng rồi phán một câu rất khôi hài:

- U50 đọc vẫn ổn hơn U30. Thôi chị đọc đi!

Thế là cả hội phá lên cười. Chỉ có những lúc ấy mới thấy Dũng cởi mở và thoải mái.

Sau khi Báo Hà Tây sáp nhập với Báo Hànộimới được vài năm thì tháng 7-2011, tôi nghỉ hưu. Bẵng đi một thời gian, bỗng nghe tin Dũng mắc bệnh hiểm nghèo. Tôi sững sờ, không nghĩ một người còn sung sức như Dũng lại có thể bị quật ngã. Rồi vẫn nghe tin Dũng làm việc bình thường, vẫn thấy tên em xuất hiện đều đặn dưới chân trang các ấn phẩm của Báo Hànộimới. Em cũng không muốn ai đề cập đến bệnh của mình.

Đến tháng 7-2018 thì Lê Dũng nghỉ hưu theo chế độ. Nghĩa là Dũng đã làm việc đến ngày cuối cùng theo đúng quy định. Nhưng chỉ mấy tháng sau, ngày 31-12-2018, ngày cuối cùng của năm, Dũng đã rời cõi tạm để về chốn vĩnh hằng. Dẫu biết cuộc sống là vô thường nhưng tất cả vợ con, bạn bè, đồng nghiệp của em đều bàng hoàng khi điều đó xảy ra...

Nhớ về em, tôi nhớ về một người đồng nghiệp yêu nghề đến say mê. Một người lãnh đạo cẩn thận, tỉ mỉ, đầy tâm huyết và trách nhiệm. Một đảng viên thẳng thắn, không biết lấy lòng ai và khi cần đấu tranh thì cũng quyết liệt đến cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ Lê Dũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.