Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ không khí Tết sau Hiệp định Paris năm 1973

Hà Phong| 08/01/2023 06:45

(HNMCT) - 50 năm trước, chưa đầy một tháng sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, quân dân Hà Nội và cả nước lại hân hoan đón tin vui: Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết trong tiết xuân mới Quý Sửu 1973. Không khí Hà Nội đón Tết cổ truyền năm ấy thật không thể nào quên, nay còn in đậm trong ký ức của nhiều người.

Gian hàng Tết ở Hà Nội năm 1973. Ảnh: Tư liệu

Tết của đất trời - Tết trong lòng người

Sau Tết ông Công ông Táo, sáng 24 tháng Chạp (tức ngày 28-1-1973), người dân dừng xe đông nghịt dưới các loa truyền thanh công cộng quanh hồ Gươm và các quảng trường đón nghe tin Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết hôm 27-1-1973. Mặc dù đêm qua đài đã đưa tin, nhưng nhiều người vẫn muốn nghe lại bản tin quan trọng này, như muốn nhân lên trong lòng mình niềm vui hòa bình. Ai nấy đều phấn khởi, mừng vui khôn tả. Mỹ thua rồi, đã phải chịu hạ bút ký Hiệp định Paris, chấp nhận rút toàn bộ quân đội và cố vấn quân sự ra khỏi miền Nam, chấm dứt ném bom miền Bắc.

Các gia đình tất tả đón trẻ con từ nơi sơ tán trở về thành phố. Các cửa ngõ dẫn vào thành phố ùn ùn người xe. Bố mẹ tôi mỗi người một xe đạp, chở hai anh em tôi từ Hà Tây về, vừa đi vừa bàn kế hoạch đón Tết. Mẹ tôi bảo sẽ mua cho chúng tôi quần áo mới, bộ nào thật đẹp. Bố tôi dự định về ngoại thành nhà chú em, bắt đôi gà trống về cúng giao thừa và mồng một Tết. Ông nói sẽ lên chợ hoa Hàng Lược mua một cành đào to nhất nhì chợ về chơi Tết, đắt mấy cũng mua. Vào tới ven nội thành, loa truyền thanh vang vang bài hát mà cho đến tận bây giờ vẫn như còn văng vẳng trong tôi: “Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời/ Càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô/ Đường lộng gió thênh thanh năm cửa ô/ Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau/ Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng/ Của núi sông hôm nay và mai sau”

Tiết xuân năm ấy khá lạnh. Nhưng đường phố Hà Nội những ngày giáp Tết dường như đông vui, nhộn nhịp hơn hẳn mọi năm. Đường phố rợp cờ hoa rực rỡ, pano áp phích cổ động chiến thắng B52 vẫn căng khắp các ngã tư. Người ta bắt đầu diện những bộ quần áo sáng màu, không cần phải mặc áo màu xanh, màu tối để đánh lừa máy bay địch như thời chiến nữa. Bố tôi bảo: Tết này là tết của chính nghĩa và chiến thắng. Tết vui bởi tết chính ở trong lòng người. Tết hòa bình, đoàn tụ, ấm áp trong mỗi gia đình, không còn cảnh “một chốn đôi quê” nữa.

Tết hòa bình nhưng vẫn nâng cao cảnh giác

Tết hòa bình đầu tiên sau thời kỳ chiến tranh phá hoại phải nói là ăn Tết to và khá đầy đủ. Cơ quan bố tôi còn được chia mỗi người dăm cân thịt lợn, yến gạo nếp cùng ít nấm hương. Rượu chanh, rượu mơ bố tôi xách ở đâu về những mấy chai. Bánh kẹo mẹ tôi chất đầy trong tủ kính.

Giao thừa năm ấy, Hà Nội rực rỡ, ngoạn mục với khoảnh khắc bắn pháo hoa đón xuân mới trong hòa bình. Những bông pháo hoa nhiều màu sắc nở rộ trên bầu trời thành phố trong tiếng reo hò không dứt của người dân. Mọi người cảm thấy dường như pháo hoa Tết năm nay có gì đó thật đặc biệt. Trong lúc ấy, loa truyền thanh vẫn vang lên câu hát: “Ơi Đông Đô, hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây/ Ơi Thăng Long, ngày nay chiến công rạng danh non sông”.

Mồng hai Tết, chú tôi vẫn trực chiến tự vệ tại cơ quan. Dãy hầm tăng xê tại các khu phố vẫn được quét dọn, duy trì để phòng phía Mỹ lật lọng, lại cho máy bay oanh tạc Hà Nội. Trung đội tự vệ của khu phố tôi vẫn phân công nhau phối hợp với các cơ quan đóng trên địa bàn nâng cao cảnh giác, tiếp tục trực chiến trên các sân thượng. Ai cũng hiểu rằng hòa bình còn mong manh, mới chỉ được lập lại trên một nửa đất nước, miền Nam vẫn đang chiến tranh bởi bè lũ tay sai của đế quốc Mỹ.

Quả là cuộc kháng chiến vẫn còn gian nan. Sau Tết ít ngày, gia đình tôi nhận được tin anh rể tôi hy sinh tại miền Nam, ngay trong khoảng thời gian các bên thực hiện Hiệp định Paris, do phía quân ngụy vi phạm Hiệp định, mở các cuộc hành quân tàn sát nhân dân và hòng chiếm đất vùng giải phóng. Vì không khí đón Tết chung nên Lễ truy điệu liệt sĩ cho anh tôi được chính quyền phường lui lại sau Tết ít tháng. Và, mấy tháng sau, tôi cũng nộp đơn xung phong vào bộ đội, tình nguyện ra mặt trận chiến đấu…

Năm mươi cái Tết đã trôi qua, nhưng không khí đón Tết cổ truyền Quý Sửu 1973 còn in đậm trong tâm trí của người dân Hà Nội, cứ hiển hiện sống động mỗi dịp xuân về.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhớ không khí Tết sau Hiệp định Paris năm 1973

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.