Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ đêm 27 tháng 1 năm 1973

Đoàn Thiện Vy| 01/01/2023 06:45

(HNMCT) - Đó là một đêm đất trời Hà Nội rền vang tiếng pháo. Hòa cùng tiếng pháo nổ vang trời là những tiếng cười hả hê, tiếng hò reo tưởng như không dứt và những giọt nước mắt hân hoan.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Còn nhớ, sau đêm 29-12-1972, cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Không quân Mỹ vào Thủ đô Hà Nội kết thúc với thất bại thuộc về phía Mỹ. Kể từ sau đêm đó, Hà Nội trở lại không khí yên bình, trời đêm không còn dậy lên chuỗi âm thanh chết chóc của bom rải thảm.

Chính phủ Mỹ phải quay lại bàn đàm phán Paris, nơi hồi cuối tháng 10-1972, họ đã tráo trở với những thỏa thuận đạt được trong cuộc đàm phán. Chính phủ Mỹ đã quyết định đánh “canh bạc B52” với ý đồ buộc chúng ta phải nhượng bộ những yêu sách phi lý mà họ đưa ra.

Đoàn đàm phán của chúng ta tự tin, bản lĩnh tiếp tục bước vào vòng đàm phán Paris. Lúc này, phía Mỹ và phía chính quyền Sài Gòn không còn đưa ra được những yêu sách phi lý nữa. Cuộc đàm phán đạt được tiến bộ đáng kể. Ngày 10-1-1973, Hiệp định đã được các bên tham gia đàm phán ký tắt. Thắng lợi đã rất gần với chúng ta.

Hồi đó chưa có internet và điện thoại di động nên những thông tin từ Paris về tới Việt Nam phải mất nhiều giờ. Theo dự kiến, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được bốn bên tham gia đàm phán ký chính thức vào 11h30’ (giờ Paris), tức khoảng 17h30’ (giờ Việt Nam) ngày 27-1-1973.

Hồi hộp xen lẫn lo âu, khắc khoải. Từ đầu giờ chiều, phố phường Hà Nội chợt “chùng” xuống. Đường phố vắng người và xe. Sau này tôi mới biết rằng, vẻ vắng lặng khác thường ấy là bởi nhà nhà, người người đang nín thở hướng về Paris.

Hồi đó, công nghệ thông tin rất sơ sài. Những người có radio bán dẫn thường có thông tin sớm nhất qua bản tin tiếng Việt của Đài BBC phát đi từ thủ đô London của nước Anh. Đây có lẽ là kênh thông tin nhanh nhất vào thời điểm đó.

Nhà tôi cũng có một chiếc radio bán dẫn. Khi ấy, tôi đứng trước cửa nhà, ngóng nhìn đường phố. Còn bố tôi, do được phân phối một chiếc đài bán dẫn hiệu Xiongmao của Trung Quốc nên “rút” lên tầng hai, trùm chăn phủ phục trên giường như người bị ốm. Chỉ có điều, pin lắp vào đài là loại pin trung nên rất hiếm. Để nghe đài, bố tôi phải nối mấy quả pin Con Thỏ cỡ đại lại và dùng bìa các tông để giữ pin liên kết với nhau. Với khối pin dài và to hơn chiếc đài bán dẫn ấy, bố tôi một tay áp đài sát tai, một tay giữ chặt để pin khỏi tuột. Ông cứ trùm chăn phủ phục trên giường như thế suốt mấy tiếng đồng hồ mà không dám rời chiếc đài bán dẫn vì sợ có tin về. Ai cũng muốn là người reo lên sớm nhất và là người đầu tiên thông báo cho mọi người.

Thời điểm lễ ký chính thức diễn ra theo dự kiến, tôi vẫn đứng trước cửa nhìn đường phố và dỏng tai hóng lên tầng hai. Mẹ và chị tôi mấy lần gọi vào ăn cơm nhưng tôi thực sự không thấy đói. Đến khoảng 8h tối bắt đầu có tiếng pháo lẹt đẹt, rồi lan ra cả thành phố. Tôi chẳng đợi tiếng reo của bố nữa mà với tay lấy bánh pháo Bình Đà treo sẵn sau cánh cửa, vốn được để dành đến Tết, mà đốt ngay khi ấy. Tiếng pháo dậy cả trời đất, rền vang khắp phố. Nhà nhà, người người ùa xuống phố đốt pháo. Cả Hà Nội dậy tiếng hò reo: “Chiến thắng rồi”, “Hiệp định được ký kết rồi” cùng tiếng pháo mừng chiến thắng nổ vang trời. Có lẽ người Hà Nội đã chờ đợi thời khắc này từ những ngày trời đêm Thủ đô rơi đầy bom Mỹ.

Trong không khí ấy, tôi chợt thấy tiếc vì chỉ mua một bánh pháo và thầm ước có thêm một bánh “từ trên trời rơi xuống”. Bất chợt, có gì động vào lưng, tôi vội quay lại. Bố tôi khóe mắt đỏ hoe, dúi vào tay tôi một bánh pháo to và dài gấp đôi bánh vừa đốt. Tôi hơi ngỡ ngàng đôi chút bởi bố tôi là nhà giáo nên thường không thích tôi đốt pháo nghịch ngợm mỗi dịp Tết. Vậy mà bây giờ ông lại đưa cho tôi một bánh pháo. Thì ra, đến người nghiêm cẩn như bố tôi cũng không giấu được sự mong chờ này. Ông đã âm thầm đi mua và cất bánh pháo để cho ngày vui này. Hí hửng và phấn khích, tôi vội leo lên cây sấu trước cửa, treo bánh pháo bố mới đưa cho và đốt. Tiếng nổ đùng đoàng của bánh pháo dài 2 mét vang lên mạnh mẽ. Cũng như những lần trước, chuỗi âm thanh ấy lại tiếp tục lan sang những nhà khác.

Người Hà Nội 50 năm trước đã có một đêm không ngủ để ăn mừng chiến thắng bằng những tiếng pháo như thế...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ đêm 27 tháng 1 năm 1973

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.