Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ chợ Sủi xưa

Bài, ảnh: Trịnh Tuấn| 26/01/2012 08:31

(HNM) - Chợ Sủi (Phú Thị, Gia Lâm) sẽ là một trong 46 chợ trung tâm trong tương lai. Quy hoạch đã có, hình hài không biết ra sao, nhưng cái chợ Sủi của ngày xửa ngày xưa với cổ thụ tỏa bóng sum suê vẫn in đậm trong ký ức người dân Kinh kỳ hoài cổ.

Làng Phú Thị, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, tên nôm là Sủi đã có hơn 1.000 năm tuổi. Phú là giàu, Thị là chợ, nghĩa là làng Sủi có chợ sầm uất nhất vùng.

Chợ Sủi xưa, phiên chính họp vào ngày 2 và 7, phiên xép vào ngày 5 và 10. Chợ nằm cạnh đường cái. Áp chợ về phía bắc có đình, đền và chùa Sủi. Ngôi đền thờ bà Ỷ Lan, vốn là cô gái có tên Lê Thị Yến, nết na xinh đẹp. Nàng gặp vua Lý Thánh Tông, thản nhiên đứng bên gốc lan đối đáp trôi chảy với nhà vua. Vua cảm tài sắc, đem lòng yêu quý vời về cung, đặt tên là Ỷ Lan (gốc lan). Chùa Sủi thờ Phật, đình Sủi thờ Thành hoàng Liên Hoa, đền Sủi thờ Lý Thái Hậu Ỷ Lan. Phía trước chợ Sủi trước đây có cây đa, thân to, nhiều rễ, ôm chùm, "khám hóa" ẩn mình dưới gốc cây. Cây đa chợ Sủi là chứng nhân lịch sử, chứng kiến bao cảnh buồn vui của người dân. Thời phong kiến, kẻ xấu vào chợ ăn cắp bị tuần đinh bắt quả tang trói tay treo lên cây đa để răn đe.

Đầu chợ là đình chùa làng Sủi.


Đình chợ Sủi trước đây 7 gian, 2 trái. Hậu cung có pho tượng to như người thật, vẻ mặt phúc hậu, hai tay chắp trước bụng. Tương truyền đó là tượng ba chị em gái người làng Sủi đã công đức tiền, ruộng để xây dựng chợ. Khi ba người quy tiên, dân làng tạc tượng thờ ở đình chợ để tưởng nhớ công ơn. Ngày nay, đình chợ không còn, tượng ba bà được chuyển về chùa Sủi tiện cho việc hương khói.

Người làng Sủi đến nay vẫn truyền lại câu chuyện cảm động về nỗi oan khiên của Nguyễn Bông và cảnh ông bị chém đầu tại chợ Sủi (tương truyền Nguyễn Bông đã được nhà sư Đại Điên bày cách đầu thai làm Thái tử Càn Đức về sau là vua Lý Nhân Tông) và cũng tại chợ này, ngàn vạn người trong vùng đã hân hoan chào đón sứ giả truyền chiếu vua ban, xóa tội cho họ Nguyễn. Từ đó tới nay, trong lễ hội truyền thống tại chợ Sủi hằng năm, dân làng Sủi đều tổ chức hội Bông Sòng diễn lại tích: Sứ giả triều Lý minh oan cho Nguyễn Bông.

Đặc sản chợ Sủi được thể hiện ở câu ngạn ngữ "cháo Dương, tương Sủi, cà Hàn". Đi chợ Sủi mua được nhiều thứ như thuốc Nam sạp cụ Thơ Nhẫn, người làng Dương Đanh; giò chả nhà cụ Phó Chiếu; gạo, sắn, gà, lợn, chó, mèo, trâu, bò... và không thể thiếu món quà quê độc đáo: Bánh đa, tương Sủi.

Bánh đa Sủi khác với nhiều nơi ở nghệ thuật nướng. Các bà, các cô đặt bánh đa lên bếp lò rực đỏ, lật lên, úp xuống sao cho bánh chín dần, định hình "yên ngựa". Bánh bán theo chục, mỗi chục được buộc bằng cọng rơm. Món quà mang hồn quê, ngon, rẻ, lạ miệng, không chỉ con trẻ mới thích.

Thương hiệu Tương Sủi có hai loại: tương nấu và tương ngâm. Người làng Sủi thường xem thời tiết nóng, lạnh mà định ngày "ngả tương". Ngả "non" tương sẽ chua. Ngả "già" ngày tương bị thối (hỏng)...

Chợ Sủi nằm cạnh đường giao thông nên "nghề" buôn bán ở chợ Sủi phát rất mạnh. Đoạn đường qua chợ Sủi nay đã lên "phố". Phố - chợ với hai dãy nhà cao 3, 4, 5 tầng, cửa hàng bề thế, khách phương xa đến "cất" hàng tấp nập từ sáng sớm đến đêm khuya.

Người quản lý chợ Sủi trước đây gọi là Khán Thị. Các thế hệ gồm các cụ Khán Xuyến, Khán Khánh, Khán Long,  Khán Tăng kế tiếp nhau trông nom chợ. Chỉ những người có quầy bán hàng cố định trong chợ mới phải nộp cho làng một khoản lệ phí vào dịp áp Tết. Làng dùng số tiền này mua lễ vật cúng vào hội chợ diễn ra ngày mồng 5 tháng Giêng và ngày giỗ ba Bà Hậu chợ vào Tết Trung thu rằm Tháng Tám.

Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, chợ Sủi là trạm trung chuyển, tiếp tế lương thực, thuốc men giữa Hà Nội và vùng tự do của ta ở bên kia sông Đuống. Năm 1965, trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chợ Sủi là nhà kho lớn chứa quân trang, quân dụng. Khẩu hiệu "Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt" trước cổng chợ vẫn còn đó kỷ niệm một thời đêm Nam, ngày Bắc chưa dễ ai quên.

Chợ Sủi là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước. Khách đến thưởng ngoạn phiên chợ quê tiêu biểu của vùng Đồng bằng Bắc bộ với những món ăn dân dã, thăm di tích lịch sử, văn hóa với đền thờ bà Thái hậu Ỷ Lan nổi tiếng, biết vượt lên trên ràng buộc của lễ giáo phong kiến, chọn cho mình một cách sống, đặt lợi ích quốc gia thiêng liêng hơn tất cả. Sủi cũng là một làng quê có truyền thống hiếu học với nhiều tiến sĩ (hiện được ghi danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội), cử nhân, tú tài, trong đó nổi lên các danh nhân: Nguyễn Huy Lượng, Cao Bá Quát... Bà con tự hào về quê hương:

Nhất môn tam tiến sĩ
Đồng triều tứ thượng thư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhớ chợ Sủi xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.