(HNM) - Tôi đứng lâu trước mộ Anh hùng Tô Vĩnh Diện, nghĩ về chiến công của anh, nhớ về ngôi làng đã sinh ra anh.
Tôi đứng lâu trước mộ Anh hùng Tô Vĩnh Diện, nghĩ về chiến công của anh, nhớ về ngôi làng đã sinh ra anh. Làng Lan Khê ngày xưa (xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) là ngôi làng cổ có cách nay hơn 500 năm.
Ngày Tô Vĩnh Diện vào bộ đội, Lan Khê vẫn còn là một xã của huyện Nông Cống. Sau này, huyện Triệu Sơn được hình thành bởi một số xã của Thọ Xuân và của Nông Cống. Tên Triệu Sơn ngụ ý chỉ nơi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa. Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, nhà Lê có chính sách khai khẩn đất đai. Một số trai làng của Thọ Xuân rủ nhau theo dòng sông nhà Lê (sông đào có từ thời Lê Hoàn) xuôi xuống đến vùng đất chân núi Nưa (nơi trước đây, Bà Triệu đặt căn cứ) thì dừng lại khai phá. Đây là vùng núi non rậm rạp nhưng bằng phẳng. Nguyễn Chích cũng đã từng luyện quân khởi nghĩa ở vùng này trước khi theo Lê Lợi.
Lan Khê (sau này là xã Nông Trường) có truyền thống hiếu học, nhưng là vùng quê nghèo thuần nông. Gia đình Tô Vĩnh Diện cũng là gia đình nông dân nghèo. Anh sinh năm 1924, lên 8 tuổi đã phải đi ở cho địa chủ. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở vào giai đoạn quyết liệt nhất, quân ta đã qua thời kỳ cầm cự, chủ động mở những chiến dịch lớn, bộ đội về làng rất đông, mẹ Tô Vĩnh Diện cũng như các bà mẹ khác đều nhận các anh bộ đội làm con nuôi. Quân - dân chia sẻ, dành cho nhau từng cọng rau, củ khoai. Dân đói có bộ đội đỡ đần, khi mùa đến, những bát cơm dẻo thơm, dân nhường cho bộ đội. Chính trong những ngày đó, Diện cũng như trai tráng trong làng hiểu thêm đời chiến sĩ, gian khổ nhưng rất tự hào. Thế là anh cùng một số thanh niên xung phong nhập ngũ (năm 1949). Tháng 3 năm 1953, anh được triệu tập để tham gia lực lượng pháo phòng không. Khi đơn vị cao xạ được thành lập, Tô Vĩnh Diện cùng đơn vị sang Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) để huấn luyện, được chỉ định làm Trung đội phó thuộc Đại đội 829, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.
Tháng 12-1953, Tô Vĩnh Diện cùng đơn vị về nước và ngay lập tức hành quân lên Điện Biên Phủ để chuẩn bị tham chiến. Anh được điều về Đại đội 827 làm Trung đội phó Trung đội 2, trực tiếp phụ trách Khẩu đội 3. Khẩu đội anh được giao sử dụng khẩu pháo cao xạ 37mm (số hiệu 510681) do Liên Xô sản xuất và viện trợ cho Việt Nam. Đơn vị tập kết ở Bằng Tường, qua ngả Lạng Sơn về tập trung ở chiến khu Cao - Bắc - Lạng trong khí thế hừng hực chuẩn bị ra trận. Thấy bộ đội ta có súng to, người dân khắp vùng cùng dân công hỏa tuyến ùn ùn kéo đến xem. Có cụ già người dân tộc Tày trên 70 tuổi nói: Bố ở cách đây hơn 10 cây số, nghe tin bộ đội mình nhận được súng to, cả bản sung sướng lắm. Bố phải nắm cơm đi bộ lên tận nơi xem cái súng to này. Phen này thì ta thắng chắc rồi. Các con phải cho bố xem nó tận nơi mới được.
Anh hùng Tô Vĩnh Diện đã anh dũng hy sinh khi lấy thân mình chèn pháo. Tranh minh họa |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.