(HNM) - Nông dân Nguyễn Lam Sơn đã trở thành người đầu tiên ở Đồng Nai gửi đơn đến Tòa án nhân dân huyện Long Thành, khởi kiện Công ty Vedan yêu cầu bồi thường 500 triệu đồng. Trước khi Công ty Vedan hoạt động, ông có 7ha ao nuôi tôm. Vedan xả chất thải, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, làm gia đình ông điêu đứng.
Như vậy, đến thời điểm này, người nông dân bị thiệt hại bởi Vedan tại cả ba địa phương là TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai đều đã chọn con đường giải quyết tranh chấp bằng tòa án. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã khẳng định "đủ chứng cứ kiện Vedan, nếu đưa ra tòa là chắc thắng".
Người dân Việt Nam không có thói quen giải quyết các tranh chấp bằng con đường tòa án. Thông thường, hòa giải là biện pháp được viện đến đầu tiên trong các mâu thuẫn. Sau hòa giải là thỏa thuận liên quan đến bồi thường giữa các bên. Một trong những lý do là nhận thức pháp lý của người dân còn thấp và tập quán "trọng tình hơn lý". Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại là trong nhiều trường hợp, đặc biệt là tranh chấp với pháp nhân, người dân đã không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ cơ quan chức năng. Chẳng hạn, Vedan liên tục giở các trò lần lữa, mặc cả, thậm chí "ép" người nông dân nhưng gần hết thời hiệu khởi kiện, mới bị "đưa ra tòa". Thậm chí, có quan chức địa phương nơi Vedan "đứng chân" còn tỏ thái độ… hòa giải, thiếu nhất quán, chưa thật sự bảo vệ nông dân bị hại.
Chưa biết vụ kiện sẽ được xử như thế nào nhưng đây là một động thái tốt, cho thấy người dân đã ý thức được việc lên tiếng đòi quyền lợi cho bản thân. Điều đáng nói là đến thời điểm này, không chỉ có một Vedan Đồng Nai. Có hàng nghìn "Vedan khác" trên cả nước, đang hằng ngày, hằng giờ gây thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Từ vụ khởi kiện Vedan, người dân cũng cần ý thức được quyền lợi của mình để có hình thức giải quyết tranh chấp phù hợp với… các pháp nhân khác. Cụ thể, trong các vụ gây ô nhiễm như tại KCN Quang Minh (Hà Nội), Tungkuang (Hải Dương), nếu như không được xem xét bồi thường thiệt hại, người dân cũng nên đưa các "thủ phạm" ra tòa. Ở góc độ quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng cũng cần rút kinh nghiệm. Cùng với việc xử lý trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự thì họ còn phải "tích cực" vào cuộc buộc các đơn vị sai phạm có trách nhiệm dân sự - bồi thường thiệt hại cho người dân nhằm bảo đảm hài hòa quyền lợi Nhà nước, quyền lợi người dân. Chắc chắn nếu xử lý chặt chẽ, nghiêm minh như thế, "các Vedan" không thể nhờn hoặc "đùa" với luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.