(HNM) - Với ngành viễn thông, có thể nói 2014 là năm có nhiều thay đổi liên quan đến các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại hai tập đoàn VNPT, Viettel và tại ba nhà mạng di động lớn. Sự thay đổi về nhân sự, có ý kiến cho rằng đó là chuyện nội bộ, song điều đó cho thấy vị trí người đứng đầu tại các DN viễn thông luôn luôn
Khách hàng tìm hiểu các dịch vụ của Viettel. Ảnh: Nhật Nam |
Việc thay đổi nhân sự cấp cao diễn ra đầu tiên tại Tập đoàn Viettel từ ngày 1-3-2014 với việc Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng chính thức giữ vai trò Tổng Giám đốc (TGĐ) thay thế cho người tiền nhiệm nghỉ chế độ. TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng của Viettel có vai trò quan trọng trong sự phát triển của tập đoàn này nói riêng và lĩnh vực viễn thông nói chung khi ông từng được mệnh danh là "kiến trúc sư trưởng" đem lại thành công cho Viettel và việc được tiếp tục giao nhiệm vụ cho thấy vị này được kỳ vọng mang tới thành công khi Viettel đẩy mạnh kinh doanh ở nước ngoài.
Với Tập đoàn VNPT, gần đây nhất, trung tuần tháng 12-2014, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho ông Trần Mạnh Hùng đang là TGĐ Tập đoàn (Chủ tịch Hội đồng thành viên cũ Phạm Long Trận sẽ nghỉ chế độ từ ngày 1-3-2015). Với sự thay đổi này, chắc chắn thời gian tới VNPT cũng sẽ có sự thay đổi nữa về mặt nhân sự cấp cao, song nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của tập đoàn này vẫn là phải thực hiện hiệu quả quá trình tái cấu trúc mà Chính phủ đã giao. Cũng liên quan đến quá trình tái cấu trúc, trong năm 2014 Tập đoàn VNPT cũng đã có những thay đổi quan trọng về bộ máy và nhân sự. Cuối tháng 6-2014, VNPT cũng đã có quyết định bổ nhiệm chức danh Chủ tịch Công ty MobiFone cho ông Mai Văn Bình thời điểm trước khi bàn giao DN này về Bộ TT-TT (ngày 1-7-2014). Sau khi bàn giao, với vai trò là cơ quan chủ quản, trong tháng 8-2014, Bộ TT-TT cũng đã bổ nhiệm vị trí Giám đốc MobiFone cho ông Lê Nam Trà, người đang đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc công ty. Gần đây nhất, vào trung tuần tháng 12-2014, Bộ TT-TT cũng công bố việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch MobiFone. Với mạng di động Vinaphone, đầu tháng 4-2014, VNPT cũng đã có quyết định bổ nhiệm giám đốc mới của Vinaphone là ông Cao Duy Hải - người vốn là Phó Giám đốc MobiFone.
Sự thay đổi về mặt nhân sự như kể trên ở hai tập đoàn lớn và tại ba nhà mạng di động chủ chốt cho thấy, đó là những người được cơ quan chủ quản kỳ vọng tiếp tục giao nhiệm vụ để thực hiện các kế hoạch, chiến lược quan trọng tại đơn vị. Như đã nói ở trên, Tập đoàn Viettel trong 10 năm hoạt động đã đem lại sự thay đổi lớn cho thị trường viễn thông và nhiệm vụ trong thời gian tới mà đơn vị này đề ra mục tiêu là phải trở thành DN toàn cầu. Vì vậy, có thể dễ hiểu là bên cạnh việc giữ vững vị trí, họ sẽ phải có những bứt phá trong việc kinh doanh tại nước ngoài. Hoặc ở VNPT, nhiệm vụ trước mắt đang là hoàn thành việc tái cấu trúc và có thể hiểu là mục tiêu đặt ra cho ban lãnh đạo của tập đoàn này là phải đưa VNPT trở lại vị trí số 1 sau khi bị "rơi" vào giai đoạn thoái trào. Với MobiFone, người đứng đầu không chỉ được kỳ vọng tiếp tục phát huy thế mạnh của mạng di động có "nhiều cái nhất" (mạng có chất lượng dịch vụ tốt nhất, chăm sóc khách hàng tốt nhất, lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao nhất, năng suất lao động bình quân cao nhất), mà còn thực hiện thành công việc cổ phần hóa. Với Vinaphone, người đứng đầu nhà mạng này được mong muốn sẽ sớm "chèo lái" để đưa Vinaphone trở lại vị trí cao nhất trong số ba nhà mạng lớn, đồng thời là nguồn thu chủ lực của VNPT, nhất là khi MobiFone "tách" khỏi VNPT… Song, có thể thấy những vị trí "nóng" này không thuận lợi ít nhất là so với trước, vì thị trường viễn thông đã bão hòa, chi tiêu của khách hàng cho dịch vụ nhìn chung sẽ ở mức cố định, trong khi đó viễn thông lại bị các dịch vụ khác như OTT, các dịch vụ mạng xã hội… cạnh tranh khốc liệt. Do vậy, những vị trí này trở thành "ghế nóng". Đây là sự khác biệt lớn giữa các DN viễn thông và lĩnh vực viễn thông nói chung với các ngành khác.
Viettel dẫn đầu về doanh thu, lợi nhuận (HNM) - Năm 2014, các DN lớn của ngành viễn thông Viettel, VNPT, MobiFone đều đạt doanh thu lớn. Cụ thể, Tập đoàn VNPT dự kiến đạt tổng doanh thu 101.055 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước là 5.850 tỷ đồng; lợi nhuận 6.310 tỷ đồng. Hiện tại, tổng số thuê bao điện thoại trên mạng là 30,5 triệu (trong đó cố định là 4,5 triệu thuê bao, di động là 26 triệu thuê bao). Tổng Công ty MobiFone ước đạt doanh thu 36.605 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ước đạt 7.300 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước ước 3.926 tỷ đồng. MobiFone hiện có 40,2 triệu thuê bao. Tập đoàn Viettel ước đạt doanh thu 196.650 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế của Viettel đạt 40.532 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 15.434 tỷ đồng. Viettel hiện có 57,4 triệu thuê bao. Châu Anh |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.